17/04/2023 08:15 GMT+7 | Văn hoá
"Tôi thường cảm thấy tôi giống tôi nhất khi về miền núi" - nhà văn Đỗ Bích Thúy đã viết thế trong tập tản văn Than đỏ dưới tro tàn (NXB Hội Nhà văn và Liên Việt ấn hành). Qua đó, để thấy đề tài miền núi vẫn là lựa chọn trước nhất và sau cùng để nữ nhà văn được là chính mình với bút lực dồi dào và mãnh liệt.
Đây là tập tản văn thứ 5 và là cuốn sách thứ 23 của Đỗ Bích Thúy. Với Than đỏ dưới tro tàn, như thường thấy, Đỗ Bích Thúy vẫn dành phần lớn số trang viết về miền núi, với những ký ức trong trẻo, gắn liền với vùng thung lũng mà chị được sinh ra và lớn lên.
Viết như được trở về nhà
Tại buổi giao lưu và ra mắt sách Than đỏ dưới tro tàn vừa qua tại Hà Nội, nhà thơ Hữu Việt có nhắc tới chia sẻ của nhà văn Đỗ Chu, rằng: "Cuộc đời của một nhà văn, quan trọng nhất là phải viết được về miền đất nơi mình sinh ra. Không có việc nào quan trọng bằng công việc ấy". Anh cho biết thêm, ở độ tuổi 80, Đỗ Chu vẫn thường trở về quê hương Bắc Ninh của mình để viết một pho sách dày tới 2.000 trang.
Viết "chung thủy" về một miền đất để đạt được thành công đã có nhiều minh chứng. Ví như chỉ viết về mảnh đất quê hương Cao Mật nghèo khó, hẻo lánh đã giúp Mạc Ngôn (Trung Quốc) bước lên vị trí cao của văn đàn thế giới. Hoặc gần gũi hơn, có biết bao cây viết vẫn miệt mài với đề tài Hà Nội cũng đã định vị được tên tuổi của mình như Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà…
Có những người cầm bút đã chọn viết thật kỹ, thật sâu, thật lâu, thậm chí là vĩnh viễn về miền đất của mình. Ngược lại, những miền đất ấy cũng vẫy gọi nhà văn bằng những xúc cảm thân thương và mãnh liệt nhất.
Đỗ Bích Thúy cũng là một trường hợp như thế. Chị đã chọn viết về miền núi để bắt đầu sự nghiệp sáng tác và núi rừng Hà Giang cũng đã đáp lại chị bằng một vùng ký ức nhớ thương, luôn đầy ắp văn liệu để đi đường dài và trường sức trong ngòi bút.
Đỗ Bích Thúy chia sẻ: "Có đi đâu chăng nữa, cuối cùng tôi vẫn nghĩ mình chỉ có thể viết về những điều đắm đuối nhất, sâu sắc nhất để có thể kết nối một cách gần gũi, dễ dàng nhất với bạn đọc. Đó là khi tôi viết về vùng đất mà mình được sinh ra".
"Nói về mặt nghề nghiệp, chọn được đề tài là một may mắn của nhà văn. Tôi sẽ không thể trở thành một nhà văn, không thể có vị trí trong lòng bạn đọc, không thể có được nhiều người yêu mến nếu như không viết về miền núi. Đó là điều tôi có thể dám chắc" - chị nói - "Đặc biệt đó lại là vùng đất mà tôi đã rời đi. Tất cả chỉ còn lại ở phía sau, chỉ còn lại nỗi nhớ. Và hơn thế, còn là sự khao khát, luôn luôn khao khát được trở về. Những cảm xúc mãnh liệt này khiến tôi có thể viết văn, và cùng bạn đọc chạm tới".
Đọc Than đỏ dưới tro tàn sẽ thấy hành trình Đỗ Bích Thúy trở lại quá khứ với đích đến là tuổi thơ, điểm đến là gia đình và quê hương ở miền núi cao. Ở đó, có một tuổi thơ hạnh phúc quá đỗi. Để rồi, chị biết ơn "ngôi nhà ấm áp với một cái lỗ bố khoét trên mái, lắp vào đó một tấm kính để lấy ánh sáng", "những buổi chiều muộn, nấu cơm trong bếp chốc chốc lại chạy ra xem bố mẹ đã đi làm về chưa". Và cả lòng biết ơn với "những ngọn núi đã kéo tôi lên cao để tôi có thể gần hơn với bầu trời", "những lối mòn ẩm ướt xuyên dưới tán cây râm mát, trong đó có biết bao nhiêu là côn trùng sáng trưa chiều tối không lúc nào ngừng cất tiếng"…
Đó còn là những vùng văn hóa Mông, Tày,… được Đỗ Bích Thúy dựng lại một cách tỉ mỉ, sinh động qua những trang tản văn thấm đẫm ký ức. Như việc người Tày "làm đám tang to lắm", "ông Then làm lễ suốt mấy ngày liền", "những ngôi nhà táng khung tre, vách, mái đều làm bằng giấy rực rỡ sắc màu, cắt tỉa trang trí các loại hoa giấy đẹp vô chừng". Hoặc người Mông ăn Tết cúng rừng vào tháng Hai, là cái Tết to nhất của họ. "Ông trưởng họ sẽ xem chân gà và quyết định xem cả đại gia đình sẽ phải kiêng cữ một, hai hay ba, năm ngày"…
Với tất cả những trải lòng trong Than đỏ dưới tro tàn, Đỗ Bích Thúy như được thành thực với núi rừng, với miền đất của riêng mình. Chị bộc bạch: "Viết bất cứ một điều gì về miền núi cũng là lúc tôi cảm thấy thân thuộc nhất. Đó là giây phút giống như tôi được quay trở về ngôi nhà của mình, được ăn một bát cơm trong nồi mẹ nấu, được uống một cốc nước trong cái ấm đầy muội than".
"Đã có một điều gì đó giống như một động lực, một sự thôi thúc, đôi khi là sự vô thức dẫn tôi về vùng cảm xúc nơi mình sinh ra. Đó là cảm xúc kết nối và tạo ra những mong muốn viết thường trực trong tâm trí của tôi một cách tự nhiên nhất" - nhà văn Đỗ Bích Thúy nói. Cũng giống như chị đã viết rằng: "Dù ở dưới thung lũng hay ở trên những ngọn núi, tôi đều có thể tìm lại được cái phần mình đã làm rơi khi rời nơi này ra đi".
Nỗ lực làm mới bằng yếu tố "siêu hình"
Với những tập tản văn trước, Đỗ Bích Thúy từng chia sẻ cảm thấy hạnh phúc nhất khi viết xong Tôi đã trở về trên núi cao, hoặc cảm thấy thỏa mãn nhất khi hoàn thành Thương nhau như người thân. Nhưng với Than đỏ dưới tro tàn, chị lại cảm thấy "những gì mình làm được chưa thấm tháp vào đâu". Đây cũng là cuốn sách khiến tác giả Tiếng đàn môi sau bờ rào đá phải bắt đầu dấn thân vào một giai đoạn sáng tác khó khăn hơn để chinh phục.
Áp lực khi viết Than đỏ dưới tro tàn, Đỗ Bích Thúy cho biết: "Với cuốn tản văn mới, làm thế nào để bạn đọc - những người đã yêu mến tản văn của tôi, họ vẫn nhận ra đó là Đỗ Bích Thúy, nhưng họ cũng phải tìm thấy những điều mới mẻ. Đó là lý do khiến tôi muốn nỗ lực làm mới trong lần xuất hiện này".
Trong quá trình nỗ lực làm mới sáng tác của mình chị nhận được sự khuyến khích rất lớn từ họa sĩ Lê Thiết Cương. "Anh là người đọc rất kỹ. Sau mỗi tản văn của tôi, anh đều nhận xét về những chi tiết có cái mới. Từ một bạn đọc khó tính như anh, những lời khuyên đều rất có giá trị".
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, những tản văn gần đây Đỗ Bích Thúy đã bắt đầu đưa "métaphysique" vào sáng tác. Đó là những chi tiết hư ảo, vô lý, phi lý, "siêu hình", kiểu như Thúy viết "niềm vui nước biển", hoặc "cầm trong tay các thuyền"… Với sự phát hiện này, chính Lê Thiết Cương cũng thể hiện sự đồng điệu với tác giả trong các minh họa dành riêng cho tập tản văn.
"Tôi thích sự vô lý của Thúy. Bởi thẩm mỹ hội họa của tôi cũng là vô lý, là phi lí, là siêu hình. Chúng tôi gặp nhau ở điểm này, nên tôi mới có thể vẽ minh họa được cho Thúy" - Lê Thiết Cương nói thêm - "Tôi cũng tự định nghĩa về minh họa của tôi là gì? Minh họa xuất phát từ cảm hứng của tản văn nhưng đích đến của nó phải là hội họa. Nó phải là một tác phẩm hội họa độc lập. Cho dù âm nhạc, thi ca, văn chương, hội họa phản chiếu vào nhau nhưng dứt khoát minh họa không cần "tầm gửi" vào văn học mà nó vẫn sống được".
Sự gặp gỡ về thẩm mỹ sáng tác giữa Đỗ Bích Thúy và Lê Thiết Cương đã khiến cho phần minh họa và mỹ thuật của tập tản văn Than đỏ dưới tro tàn có được một diện mạo đầy mới mẻ. Thay vì màu xám ghi của đá núi như đã thấy ở tập tản văn Tôi đã trở về trên núi cao, lần này Lê Thiết Cương đã khoác cho tập tản văn mới của Đỗ Bích Thúy một bộ cánh rực rỡ hơn. Bìa sách màu hồng cánh sen lộng lẫy kèm theo 15 bức minh hoạ với một số bức in trên giấy dó được chăm chút tỉ mỉ.
Cũng chính diện mạo hồng rực của cuốn sách đã cộng hưởng làm nổi bật thêm tinh thần của Than đỏ dưới tro tàn. Hay cũng chính là con người của Đỗ Bích Thúy khi thích "mình là một viên than đỏ vùi sâu dưới lớp tro tàn, khi cần sẽ nhóm lên một ngọn lửa". Đó có thể là ngọn lửa của lòng ham sống, của tình yêu cuộc đời, cũng có thể là ngọn lửa soi rọi để Thúy tìm lối quay về với một ước ao để khép lại cuốn sách: "Tôi sẽ trả tôi về bên những ngọn núi, để cuối cùng có thể sống nốt cuộc đời mê say".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất