08/03/2023 07:35 GMT+7 | Văn hoá
Kịch xã hội hóa đã xuất hiện hơn 20 năm nay tại TP.HCM, hoạt động thăng trầm theo những biến đổi của cuộc sống, của thị hiếu khán giả. Tuy nhiên, dù thăng hoặc trầm, thì các sân khấu kịch TP.HCM vẫn sáng đèn trong suốt từng đó năm, trong đó có dấu ấu rất lớn của những người phụ nữ biết lèo lái sân khấu. Họ được gọi là "bầu sô" hay những "bà bầu".
Hiện nay, TP.HCM có khoảng 10 sân khấu kịch xã hội hóa, hoặc đơn vị nhà nước hoạt động theo hình thức xã hội hóa - "tự chủ nhiều phần", thì có đến 6 bầu sô là phụ nữ.
"Bầu sô" là làm… một ngàn lẻ một việc
Nếu tính từ cuối những năm 1990 thì NSND Hồng Vân được xem là bà bầu sân khấu kịch nói đầu tiên của TP.HCM, thành lập sân khấu kịch Hồng Vân từ năm 2000, 5 năm sau tiếp tục mở thêm điểm diễn mới là sân khấu Superbowl.
Theo sau đó, nghệ sĩ Ái Như với sân khấu Hoàng Thái Thanh, NSƯT Mỹ Uyên với Nhà hát 5B, NSƯT Trịnh Kim Chi với sân khấu Trịnh Kim Chi, NSND Hoàng Yến với Nhà hát Thế giới trẻ… lần lượt làm công việc của những người bầu sô, nếu nhìn ở góc độ tự chủ về kinh phí hoạt động.
Đây là chưa kể những bà bầu khác như MC Trác Thúy Miêu, danh hài Việt Hương, Nguyễn Thiên Kim…
Họ đều là những nghệ sĩ đã khẳng định tài năng và tạo được uy tín của mình để cáng đáng công việc nặng nhọc của một bà bầu. Những bà bầu không phải là người chú tâm về tính thương mại, mà là những người vì quá mê nghề mà thành lập sân khấu, để được thấy sàn diễn sáng đèn và để nghệ sĩ được thăng hoa trong từng đêm diễn.
Lèo lái hoạt động của một sân khấu chẳng phải việc dễ dàng, nhất là khi bà bầu vốn có thế mạnh của một nghệ sĩ, chứ không phải của một nhà quản lý doanh nghiệp.
Nếu một diễn viên chỉ cần học kịch bản, lên sàn tập và ra sân khấu thì bầu sô phải làm rất nhiều việc từ lớn đến nhỏ, từ đối ngoại đến đối nội. Bầu sô kiêm đạo diễn/diễn viên như nghệ sĩ Ái Như, Hồng Vân, Việt Linh, Trịnh Kim Chi… thì vừa dựng vở, vừa xếp lịch tập, lịch diễn của diễn viên. Bầu sô kiêm diễn viên như NSND Hoàng Yến, Mỹ Uyên cũng tương tự vừa diễn, vừa nhận sô, vừa xếp lịch…
Ngoài việc chuyên môn, các bầu sô hầu như phải quan tâm đến những việc khác như gắn kết mọi người, ký hợp đồng thuê mặt bằng, kiểm tra các thiết bị âm thanh, ánh sáng, cảnh trí, phục trang, điện nước, kho cất giữ, trang trí sảnh đón khách, tình hình giữ xe, vệ sinh…
Khi mở một sân khấu, bầu sô phải gánh một trách nhiệm với những cộng sự của mình, từ việc phải xếp lịch diễn để ai cũng được diễn, đến việc làm sao để đảm bảo được đời sống của diễn viên, bộ phận âm thanh, ánh sáng, hậu đài… Muốn vậy phải dựng được những vở kịch hay. Vậy nên, việc tìm kiếm kịch bản hay, đạo diễn, diễn viên giỏi và tạo dựng được ê-kíp làm việc ăn ý… nên có đủ điều làm cho các bà bầu lao tâm khổ tứ, đặc biệt sau cơn đại dịch còn khó hơn gấp nhiều lần.
Tuy vậy, bên cạnh sự cực nhọc, thì họ có thứ lớn hơn là niềm hạnh phúc được làm nghề, nên các bà bầu vẫn làm mọi cách để sân khấu của mình tìm được khán giả.
Bằng mọi cách để sân khấu sáng đèn
Nhìn về đường dài, họ đều mở các lớp đào tạo để xây dựng thế hệ kế tiếp, vừa dạy vừa tạo cơ hội cho học trò đến với khán giả. Nhưng như thế là chưa đủ, các sân khấu còn thiếu thốn trăm bề: không có mặt bằng ổn định, thiếu kịch bản hay, "chảy máu" diễn viên về phía phim ảnh và game show, bị cạnh tranh khốc liệt với các loại hình giải trí khác… Vì vậy, từ chỗ chỉ khác nhau về kịch mục còn cách thức hoạt động của các sân khấu ở thời điểm đầu khá giống nhau, hiện nay mỗi sân khấu đều phải tìm một hướng tiếp cận khán giả khác nhau mà các bà bầu cho là ổn nhất đối với sân khấu của mình.
Nghệ sĩ Ái Như cùng với người cộng sự thân thiết của mình là NSƯT Thành Hội đã quyết định chuyển từ cách diễn cố định hằng tuần sang diễn theo mùa, mỗi đợt diễn một vở. Điều đó đỡ gánh nặng kinh phí cho hoạt động của Hoàng Thái Thanh, nhưng cũng có nghĩa là có nhiều vở diễn phải bị xếp cất rất lâu, chưa biết khi nào sẽ diễn lại và việc giữ diễn viên có gặp khó khăn.
Nhưng, "với tình hình hiện tại thì đây là cách hoạt động tạm ổn" - bà bầu Ái Như cho biết. Sân khấu kịch Hồng Vân trước khi ngưng diễn tạm thời thì cũng chuyển sang cách diễn đó. Bà bầu Hồng Vân chia sẻ: "Sân khấu ở Phú Nhuận đang có biến động về mặt bằng nên tôi chưa thể ký tiếp hợp đồng thuê mặt bằng và tiếp tục đầu tư. Hiện tại, Kịch Hồng Vân đang tạm ngưng đến hết tháng 3 - khi có giám đốc mới của Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận - xem cách họ như thế nào thì sẽ ký hợp đồng và chỉnh đốn lại nhiều thứ, có thể tôi sẽ có cách quản lý khác để bảo toàn nhân sự và khai trương lại sân khấu".
Nhà hát Thế giới trẻ là đơn vị của Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, nhưng các vở diễn như Âm binh, Yêu là thoát tội, Thành Thăng Long thuở ấy… được cá nhân Hoàng Yến đầu tư kinh phí, nên chị cũng được xem là bầu sô. Đó là thể loại kịch kén khán giả, nên bà bầu Hoàng Yến đã tìm đến khán giả học đường. Mục đích ban đầu của chị là "miễn sao được diễn", dần dần các trường học liên tục đặt lịch thành ra đây là hướng đi đúng để đảm bảo lịch diễn và xây dựng được lớp khán giả tương lai.
Là đơn vị thuộc trường, nhưng bà bầu Hoàng Yến nói rằng họ là "một nhà hát lang thang", nên gặp khó khăn về điểm diễn. Không được thuê sân khấu quay của trường để đảm bảo thủ pháp dàn dựng các vở diễn, đoàn kịch này tạm thời phải thuê rạp Hưng Đạo để diễn. Hướng đến khán giả học đường qua các vở kịch dựng từ tác phẩm văn học cũng là cách tiếp cận của các sân khấu khác như Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân…, họ đang có nhiều suất diễn hợp đồng với các trường học.
Các bà bầu trong mắt nam nghệ sĩ
Là người cộng tác với nhiều sân khấu như Hoàng Thái Thanh, 5B, diễn viên Quốc Thịnh nhìn các bà bầu là: "Những người bản lĩnh và liều lĩnh, vượt ra khỏi "khuôn khổ" của một người phụ nữ. Đương đầu với biết bao nhiêu khó khăn mà họ đều biết cách đi qua. Dường như vì phụ nữ cảm tính nên khi đã thấy đó là một kịch bản hay thì phải làm cho bằng được, chứ không đặt lên bàn cân tính toán được mất như các nam đồng nghiệp".
Nam diễn viên này vui vẻ nói thêm: "Có lẽ vì khác nhau về giới nên các diễn viên nam thường làm việc với các nữ bầu sô rất thuận lợi, chúng tôi biết nhường nhịn nhau".
Các bà bầu trong mắt đạo diễn Tây Phong - người hợp tác với bà bầu Việt Linh, Hoàng Yến - cũng vậy: "Họ là những người mê kịch nói và có niềm tin mạnh mẽ vào sân khấu, nên sẵn sàng làm những việc "vụn vặt" như bưng bê cảnh trí, giặt ủi phục trang. Khi thấy họ làm như vậy, đàn ông chúng tôi liền vào làm thay họ, không khí ấm áp như một gia đình".
"Mỗi người đều có cách làm việc riêng của mình, chị Việt Linh thì bài bản hơn khi làm việc cụ thể với đạo diễn, diễn viên, nhà tài trợ, nơi cho thuê mặt bằng… đâu vào đấy rồi bắt tay vào làm. Còn chị Hoàng Yến thì đọc kịch bản mê là làm ngay, khó tới đâu gỡ tới đó, mỗi người đều có thể chung tay xây dựng một vở kịch và một đêm diễn. Cách làm nào cũng có cái hay, kết quả là họ đều cho ra đời những vở kịch hay".
Sự mạnh mẽ của các bà bầu mà Quốc Thịnh và Tây Phong nói trên đều được tìm thấy ở các bà bầu khác. Mỹ Uyên khi quản lý Nhà hát 5B - đơn vị nhà nước hoạt động tự thu chi - đã sẵn sàng đem giấy tờ nhà đi vay để có kinh phí dựng những vở xã hội hóa. Hoặc Trịnh Kim Chi "đâm đầu" thành lập sân khấu vào cuối năm 2015, thời điểm kịch nói gặp rất nhiều khó khăn.
Thế nhưng, không phải lúc nào sự mạnh mẽ, kiên quyết cũng đem lại kết quả như mong muốn, đã có những lúc các bà bầu vì nhiều lý do nên buộc phải buông tay. Nghệ sĩ Ngọc Trinh khi được hỏi trong một bài báo đã bày tỏ sự đau lòng khi buộc phải dẹp sân khấu của mình sau một vụ lùm xùm dẫn đến kiện tụng. Hồng Vân thì nói trong bùi ngùi: "Phải trả mặt bằng ở Superbowl, đến giờ mỗi lần đi qua đó tôi vẫn thấy tiếc nuối, nó vẫn đang bị để trống".
"Đi coi kịch" từ lâu đã là nét văn hóa của TP.HCM, vì vậy, nếu để các sân khấu kịch "chết" nghĩa là một nét đẹp của thành phố đã không được giữ gìn. Hơn mười năm nay, rất nhiều cuộc hội thảo diễn ra nhưng những nhà quản lý, giới chuyên môn vẫn chưa tìm ra cách nào hiệu quả cho sân khấu kịch. Các bà bầu vẫn đang phải tự xoay xở để sống với đam mê của mình.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất