12/10/2014 11:35 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha
(Thethaovanhoa.vn) - Atletico Madrid: 27. Chelsea: 9. TBN: 0. Diego Costa ghi bàn liên tục cho các CLB của anh, nhưng vẫn chưa có bàn nào cho ĐTQG.
Đã 6 tháng trôi qua kể từ khi anh ra mắt đội tuyển Tây Ban Nha, 18 tháng kể từ khi anh có trận đầu với đội tuyển Brazil và đã chơi 6 trận cho La Roja, 5 trong đó là ở đội hình xuất phát, nhưng Costa chưa có bàn nào. Giữa tuần qua, Tây Ban Nha thua 1-2 dưới tay Slovakia ở vòng bảng, thất bại đầu tiên của họ trong 8 năm ở vòng loại các giải lớn. Một lần nữa, Costa không thể ghi bàn. Anh còn một cơ hội ở trận gặp Luxembourg Chủ nhật này. Bàn thắng rồi sẽ đến, như một sự giải tỏa. Costa và Tây Ban Nha đang cần điều đó hơn bao giờ hết.
Tối thứ Năm họ cũng cần, nhưng đã không thể có những bàn thắng như mong muốn. 4 cú sút không mang về bàn thắng nào, nhưng vấn đề không phải là sự chính xác, câu hỏi sâu xa hơn, về phong cách, lối chơi và sơ đồ chiến thuật mà anh được sử dụng. Ở Slovakia, Costa có lẽ đã chơi trận hay nhất cho Tây Ban Nha từ trước tới giờ, nhưng đó không phải là trận hay nhất của anh, khi vẫn chưa có bàn thắng nào.
“Chúng tôi đều muốn thấy Costa làm được cho ĐTQG những gì anh ấy đã làm được ở CLB”, HLV đội tuyển Tây Ban Nha Vicente del Bosque nói. Nhưng Del Bosque có nghĩ rằng trước hết, ông phải dành cho Costa những gì tương tự như ở các CLB của anh hay không? Chelsea và Atletico chơi thứ bóng đá hoàn hảo với khả năng của Costa. Tây Ban Nha thì chưa. “Phong cách rất khác biệt. (Ở Tây Ban Nha) không có những pha tấn công tốc độ như ở Chelsea hay Atletico”, Cesc Fabregas thừa nhận trước trận gặp Slovakia “Diego đành phải kiên nhẫn”.
Bình luận viên bóng đá của báo Marca Santiago Segurola viết tuần này rằng các tiền đạo ở đội tuyển Tây Ban Nha hẳn phải thấy vui mừng khi nhìn lại phía sau và thấy David Silva hay Andres Iniesta. Tuy nhiên, Segurola chưa chắc đã đúng. Costa muốn thấy Koke và Cesc sau lưng hơn, những người đã chuyền bóng cho anh ghi bàn nhiều nhất ở Atletico và Chelsea.
Câu chuyện về đội tuyển Tây Ban Nha không chỉ là câu chuyện về Costa, dù anh là tâm điểm của mọi sự chú ý: 446 phút không bàn thắng với La Roja. Thật ra, chơi tiền đạo ở đội tuyển Tây Ban Nha chưa bao giờ là công việc dễ dàng, như nhiều người lầm tưởng. Costa đã gặp phải vấn đề y như những tiền đạo cắm thực thụ khác trước anh từng phải đối phó, Alvaro Negredo, Roberto Soldado, Fernando Llorente, Fernando Torres và Michu.
“Nếu bạn hỏi các tiền đạo đã chơi cho đội tuyển Tây Ban Nha trong vài năm qua, họ sẽ nói với bạn đó là một công việc khó khăn, cách mà Tây Ban Nha chơi bóng gây khó cho họ”, Juan Mata từng giải thích ngay trước World Cup 2014. “Tôi chưa bao giờ đá số 9, nhưng từ những gì các đồng đội nói với tôi và những gì tôi thấy, tôi tin rằng không dễ cho các tiền đạo của chúng tôi. Bạn phải hiểu rất rõ lối chơi để đá tiền đạo ở đội tuyển Tây Ban Nha, và khoảng trống không có nhiều, trong khi bạn phải di chuyển liên tục. Đó là lý do tại sao Cesc chơi số 9 ảo, cả Silva nữa...”
Del Bosque thừa nhận vào tối thứ Tư ngay trước thất bại: “Đội tuyển Tây Ban Nha hay nhất dưới thời tôi là đội bóng chơi không có tiền đạo”. Tuy nhiên, ông cũng tự cho rằng mình là một HLV “tin ở các tiền đạo..., ở một ai đó có thể thoát khỏi bẫy việt vị, thoát ra sau hàng thủ đối phương, tranh cướp bóng bổng tốt, biết càn lướt. Tôi tin ở một người như thế”. Sau trận đấu, Del Bosque ca ngợi “quyết tâm” của Costa, nhưng chỉ dừng lại ở đó.
Trong trận gần nhất của đội tuyển Tây Ban Nha, Costa cũng không ghi bàn. Paco Alcacer có trận ra mắt và lập công. Tối qua, Alcacer lại vào sân từ ghế dự bị và lại ghi bàn, gỡ hòa cho Tây Ban Nha. Thành công của anh càng khiến sự đối lập với Costa thêm rõ nét. Alcacer là một mẫu tiền đạo hoàn toàn khác, với lối chơi dựa trên khả năng di chuyển nhanh nhẹn trong những khoảng hẹp, tinh quái, ranh mãnh và cũng thích chuyền bóng hơn, đúng kiểu Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, có một vấn đề là Tây Ban Nha và Del Bosque đã đầu tư quá nhiều vào Costa để có thể từ bỏ anh. Thêm nữa, ngay cả sự khác biệt của tiền đạo sinh ở Brazil cũng có sức hấp dẫn không dễ chối bỏ: Tây Ban Nha muốn chơi đa dạng hơn, thoát khỏi phong cách tiki-taka đã trở thành một gánh nặng. Nhưng sự hòa hợp của Costa với phong cách ở Tây Ban Nha là rất khó khăn, miễn cưỡng, một điều gì đó không tự nhiên và gượng ép.
Chính Iniesta khẳng định điều đó một ngày trước: “Triết lý của đội bóng là quan trọng hơn bất cứ cầu thủ nào. Tôi không có ý chỉ mình Costa. Costa, tôi, hay bất kỳ ai khác”. Tuy nhiên, triết lý rốt cuộc cũng là do con người tạo ra, và đã có những con người làm thay đổi các triết lý, ở Đức, ở Brazil, ở Italy, ở các CLB, vậy thì phải chăng Tây Ban Nha cũng đã tới lúc cần đổi thay?
Del Bosque mới đây đã nói: “Tây Ban Nha phải thích nghi với Costa”, một nhận xét đầy ngụ ý. “Trên thực tế, đó là một mối quan hệ hai chiều”, Koke nhận xét rất khôn ngoan vào tối thứ Ba. Koke hiểu rõ tiến trình đó hơn bất kỳ ai: Anh đã thích nghi được với cả đội tuyển Tây Ban Nha và Atletico. “Chúng tôi cố gắng duy trì triết lý đó, nhưng đồng thời khi có một tiền đạo như Diego, bạn phải điều chỉnh, tìm cách đưa bóng thật nhanh qua khỏi hàng thủ đối phương. Nhưng anh ấy cũng điều chỉnh, lùi lại một chút và đóng góp vào việc xây dựng lối chơi. Như vậy ai là người phải thích nghi? Cả hai”.
Chỉ có một vấn đề nho nhỏ: Tiến trình đó phải diễn ra nhanh hơn, vì thời gian không đứng về phía Del Bosque và đội bóng của ông lúc này.
Trần Trọng
Theo ESPN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất