Messi và thuyết định mệnh

04/04/2022 19:38 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Có hai giả thuyết thường được được sử dụng để lý giải thành công: Thuyết định mệnh cho rằng số phận của một người là như vậy, còn thuyết tăng trưởng giải thích rằng đấy là kết quả của nỗ lực và sự chăm chỉ.

Lãnh địa của Abramovich

Lãnh địa của Abramovich

Trang The Athletic mới đây đã kể chuyện một nhà báo từng hồi tưởng lại khoảnh khắc ông yêu cầu người phụ trách PR của tỷ phú Roman Abramovich sắp xếp một cuộc phỏng vấn riêng, vào một ngày mùa Hè năm 2003, khi Chelsea chính thức là tài sản của ông chủ người Nga.

1. Năm 1992, có một câu chuyện gây rúng động lịch sử… làng cờ bạc: Archie Karas, vốn là một bồi bàn, đến Las Vegas, nhảy vào sới với chỉ 50 USD giắt túi và sau đó ra về với 40 triệu USD thắng bạc. Cho đến giờ, đó vẫn là chiến thắng lớn nhất từng thấy trong lịch sử bài bạc. Quá dễ để nói rằng định mệnh của Karas là trở thành thần bài: Anh ta có khiếu đánh bạc từ trong máu, hoặc may mắn đi kèm với người đàn ông này như một bản chất.

Nhưng chỉ ba tuần sau khi giật lấy 40 triệu USD, Karas đã mất tất cả: Anh ta tiếp tục ngồi vào sới và thua sạch, thậm chí còn lỗ thêm… 50 USD. Câu chuyện buồn này chưa khép lại, thậm chí sau 10 năm. Karas bị bắt vì gian lận trong một sòng xì-dách ở Lakeside, California, suýt phải thụ án tù ba năm (may mắn là chỉ bị quản chế). Thuyết định mệnh sụp đổ ở chỗ này. Nếu số phận có thật, thì nó hẳn quá tàn nhẫn.

Trong cuộc tranh luận không dứt nhiều năm về việc Cristiano Ronaldo và Lionel Messi xem ai là cầu thủ hay nhất mọi thời, thuyết định mệnh thường được lấy ra để giải thích về thành công của cầu thủ người Argentina. Rằng anh là một ngôi sao thiên bẩm, được thần bóng đá chiếu mệnh, còn Ronaldo vượt trội hơn ở khía cạnh nghị lực và sự chăm chỉ. Trong thành công của Messi, các yếu tố đó hoàn toàn bị lu mờ.

Nhưng nếu bạn đọc kỹ hơn các chi tiết, một số ít được truyền thông để ý, thì sẽ thấy một câu chuyện hoàn toàn khác. Ban đầu, cha mẹ Messi thậm chí còn chẳng mặn mà với chuyện cho con đá bóng. Chính bà nội của anh, Celia Olivera, đã đưa Messi tới sân xem bóng đá lần đầu, và thuyết phục bố mẹ mua một đôi giày cho anh. Bà qua đời trước khi đứa cháu ngày nào trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Messi từng vật lộn với chứng thiếu hormone tăng trưởng

2. Năm 11 tuổi, Messi chỉ cao hơn 1m3 một chút và các bác sĩ chẩn đoán rằng anh thiếu hormone, đoạn này ai cũng biết. Nhưng đây có thể là điều bạn không để ý: Phương pháp điều trị bằng cách tiêm hormone tăng trưởng hàng ngày tốn đến một ngàn USD một tháng, con số mà bảo hiểm y tế của Jorge, cha của Lionel, chỉ có thể trả được hai trong số ba năm điều trị cần thiết. Trong cuốn sách của Guillem Balague, Messi kể lại: “Mỗi đêm, tôi đều phải tự chọc kim vào chân, hết đêm này đến đêm khác, mọi ngày trong tuần, kéo dài suốt ba năm. Tôi rất bé, họ nói rằng khi tôi vào sân hay đi học, tôi luôn là thằng bé nhất. Mọi chuyện cứ thế cho đến khi tôi kết thúc điều trị và bắt đầu phát triển bình thường”.

Ban đầu, Newell’s Old Boys đồng ý trả tiền điều trị, nhưng sau đó không giữ lời. River Plate có cơ hội ký hợp đồng với Messi nhưng rồi cũng không thể trợ cấp cho việc điều trị, trong bối cảnh các CLB bóng đá đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế của Argentina. Messi không chỉ cần được điều trị để phát triển chiều cao, mà còn để tránh các vấn đề về miễn dịch, thị lực, răng và da.

Bạn có thể không biết rằng trong buổi “xem mắt” đầu tiên ở Barcelona, các sếp tuyển dụng đều không cảm thấy cần phải ký hợp đồng với Messi. Cậu bé cứ tập mãi ở đội bóng xứ Catalonia trong vô vọng, trước khi Carles Rexach đưa ra quyết định cuối cùng trên một tờ giấy ăn nổi tiếng, vào thời điểm mà gia đình Messi gần như cạn kiên nhẫn.

Chưa hết, các phán quyết liên quan đến chuyển nhượng những cầu thủ nhỏ tuổi khiến Messi không thể chơi một trận nào chính thức cho các đội trẻ của Barca. Cậu phải xem các trận đấu từ ghế khán giả, không thể kết bạn với các đồng đội, và thời gian tập luyện cũng bị gián đoạn vì chấn thương mắt cá. Gia đình Messi cũng không thể thích nghi với cuộc sống ở Barcelona, đã trở về quê nhà chỉ sau vài tháng. Không có cha mẹ và anh chị bên cạnh, Messi sống cô lập, cho đến tháng 2/2002, khi 14 tuổi, vấn đề pháp lý đã được giải quyết và cậu có thể chơi bóng cho Barca. Phần còn lại, như ta hay nói, đã trở thành lịch sử.

Chú thích ảnh
Messi sẽ tham dự kỳ World Cup thứ 5 trong sự nghiệp

3. Đấy có thể xem như một phiên bản khác của câu chuyện về Messi, khác với câu chuyện mà chúng ta hay chọn nghe. Rốt cục thì hành trình từ Rosario đến Barcelona của một cậu bé bị chứng rối loạn tăng trưởng và bị chia cắt xa gia đình hàng ngàn dặm nên được kể lại đúng với tính chất của nó: Không hề bằng phẳng và dễ dàng để duy trì chơi bóng chuyên nghiệp, chứ đừng nói là lên đến đỉnh cao ở một môn thể thao đào thải khủng khiếp như bóng đá. Trong câu chuyện mới này, chúng ta hiểu rằng chỉ cần số phận đi lệch một milimet thôi, thì Messi có thể đã mãi mãi ở lại Rosario, với những di chứng nặng nề của chứng thiếu hormone không được chữa trị từ nhỏ, chơi bóng nghiệp dư với đồng lương ít ỏi và hoàn toàn không được đoái hoài.

Nhưng anh đã ở đây, không chỉ vì may mắn mỉm cười. Một lần nữa, Messi lại tấn công vào thuyết định mệnh: World Cup. Nếu anh đã chiến thắng nó trong quá khứ, thì không có lý do gì lại không thể làm được ở hiện tại.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm