18/04/2021 07:08 GMT+7 | Champions League
Những người chỉ trích lo ngại việc cải tổ Champions League sẽ tạo ra khoảng cách lớn hơn nữa giữa các đội bóng mạnh của châu Âu và những đội có quá khứ đáng tự hào, nhưng tương đối nghèo.
"Đó là một bất ngờ lớn - chúng tôi đến Munich và chơi một trận đấu cởi mở". Trích dẫn này không phải từ một cầu thủ Paris-Saint Germain vừa giành chiến thắng tại Allianz Arena mới đây. Đúng hơn đó là của Miodrag Belodedici, một thành viên của Sao Đỏ Belgrade, đội bóng cách đây 30 năm, vào ngày 10/4, đã đánh bại Bayern Munich 2-1 trong trận bán kết trên đường giành chức vô địch Cúp C1.
Quá khứ vinh quang
Thật tuyệt vời nếu chúng ta tìm kiếm bàn thắng đầu tiên của Sao Đỏ trên YouTube, một pha tấn công có sự tham dự của các tài năng như Robert Prosinecki, Dejan Savicevic và cầu thủ ghi bàn Darko Pančev. “Chúng tôi đã chơi tấn công,” Belodedidici, cựu tuyển thủ Romania, tiếp tục. “Chúng tôi đầy tự tin và không thua một trận nào. HLV Petrovic đã nói với chúng tôi, “hãy tấn công khôn ngoan khi có những cầu thủ như Mihaijlovic, Pancev, Savicevic, Jugovic và Prosinecki”.
Trường hợp của Sao Đỏ rất đáng được xem xét dựa trên những cải tổ tại Champions League, lúc đầu dự kiến sẽ được công bố trong tháng 4 này, nhưng đã bị hoãn lại, bởi giới chuyên môn lo ngại sẽ tạo ra khoảng cách ngày một lớn hơn giữa những đội bóng hàng đầu của châu Âu và những đội có quá khứ đáng tự hào nhưng lại nghèo. Bằng chứng là khi Belodedici cùng các đồng đội cũ dự trận đấu giữa Sao Đỏ-Bayern tại Champions League vào tháng 11/2019, nỗi nhớ “được ngồi trên sân vận động với chiếc Cúp” đã nhanh chóng biến mất bằng thất bại 0-6.
Belodedici nói thêm: “Họ nói rằng việc lọt vào vòng bảng giống như vô địch Cúp C1 trước đây” và với việc giải vô địch của Serbia chỉ có hợp đồng truyền hình trị giá khoảng 5 triệu euro trong 5 mùa giải, điều đó không có gì lạ. Vì thế, Tổng thư ký của giải đấu, Darko Ramovs, coi việc Sao Đỏ đã 4 lần tham dự vòng bảng liên tiếp ở châu Âu - 2 ở Champions League, 2 ở Europa League - là “một thành công đáng kinh ngạc đối với bóng đá Serbia”.
Bên cạnh đó, vấn đề địa chính trị cũng phải được đề cập đến. Chiến thắng năm 1991 đó diễn ra ngay trước khi Nam Tư tan rã, khi giải vô địch quốc gia có sự cạnh tranh của Sao Đỏ, các đối thủ ở Belgrade là Partizan và bộ đôi của Croatia là Dinamo Zagreb và Hajduk Split tạo nên Big Four. Sự ủng hộ của nhà nước đối với thể thao là rất quan trọng, vì Belodedici được biết biết là cầu thủ duy nhất từng vô địch Cúp C1 cùng hai đội bóng thuộc khối Đông Âu cũ.
Nói vậy vì trước khi đến Nam Tư, ông đã chiến thắng vào năm 1986 với Steaua Bucharest, đội bóng yêu thích của con trai nhà độc tài Romania là Nicolae Ceausescu, Valentin. Còn xa mới là một thế giới hoàn hảo - Ceausescu từng yêu cầu các cầu thủ Steaua phải rời sân sau khi họ có bàn thắng muộn không được công nhận trong trận chung kết Cúp quốc gia bị hủy bỏ trước đối thủ Bucharest là Dinamo – nhưng họ có một đội hình trẻ trung, mạnh và cơ hội để thử sức mình trước những đội bóng giỏi nhất châu Âu.
Thực tế lo ngại
Belodedici, hiện là đại sứ của Liên đoàn bóng đá Romania, cho biết: “Đây là những quốc gia trước đây có thể chiến đấu để giành các danh hiệu như Cúp C1 và UEFA Cup”.
“Họ có những đội mạnh mà tất cả mọi người ở những quốc gia đó đều muốn chơi cho họ. Bây giờ họ không có cơ hội giành được bất cứ điều gì. Họ bắt đầu tư nhân hóa, để mang về những cầu thủ từ các quốc gia khác, nhưng không phải là những cầu thủ giỏi”.
Ramovs cho biết thêm: “Châu Âu đã thay đổi rất nhiều so với thời kỳ đó. Chúng tôi đã gặp phải những cuộc khủng hoảng lớn không liên quan đến bản chất bóng đá nhưng trong vài năm qua, chúng tôi đã cố gắng nâng cao chất lượng của tất cả các CLB".
Do đó, giống như nhiều người khác trong Hiệp hội các giải đấu châu Âu, ông không hài lòng khi hai trong số bốn vị trí mới tại Champions League mở rộng dự kiến sẽ dành cho các CLB từ những quốc gia lớn ở Tây Âu - dựa trên hệ số của họ - thay vì “nhiều khả năng hơn dành cho các CLB xuất sắc nhất từ các giải đấu vừa và nhỏ”.
Là một người Slovenia lớn lên ở Nam Tư cũ, Chủ tịch của UEFA, Aleksander Ceferin trước đây đã bày tỏ mối quan ngại của mình về sự cân bằng cạnh tranh vào thời điểm 30 CLB hàng đầu của châu Âu được ước tính chiếm hơn một nửa doanh thu của các CLB hàng đầu châu lục.
Trong khi các nguồn tin của UEFA chỉ ra các cơ hội có được từ Europa League - nơi Slavia Prague, đội đã cầm hòa Arsenal trong trận tứ kết lượt đi mới đây - và việc tạo ra Conference League, bắt đầu vào mùa giải tới, đó là Champions League mà Ceferin đã đề cập đến khi ông nói năm ngoái rằng "đại đa số các CLB biết rằng bóng đá chỉ có thể phát triển nếu mọi người đều có quyền tham dự". Thực tế chính trị - với nguy cơ ly khai của cái gọi là “siêu câu lạc bộ” - có thể đã quyết định khác.
Sự méo mó của Champions League đối với các giải đấu trong nước là một vấn đề đối với các quốc gia ở Đông Âu cũng như đối với các giải đấu lớn hơn như Serie A. Chỉ cần so sánh gói truyền hình nhỏ được chia sẻ cho SuperLiga của Serbia với 27 triệu euro mà Sao Đỏ kiếm được ở mùa giải Champions League gần đây. Với việc dẫn trước Partizan tới 12 điểm, họ chuẩn bị có danh hiệu thứ 4 liên tiếp (Qua biên giới, ở Croatia, Dinamo Zagreb đã thắng 14 trong số 15 trận gần nhất) “Có một khoảng cách lớn giữa Sao Đỏ và các CLB khác”, Ramovs thừa nhận. "Chúng tôi đang làm mọi thứ để giảm khoảng cách đó bằng cách buộc các CLB khác phải mạnh hơn".
Trong khi đó, tháng tới sẽ kỷ niệm 30 năm chiến thắng của Sao Đỏ trước Marseille trong trận chung kết. Những buổi lễ ở Belgrade là điều mà Belodedici nhớ rất rõ: “Với Steaua, nó rất chính thức - chúng tôi là CLB quân đội và có các tướng lĩnh, bộ trưởng và chơi piano. Với Sao Đỏ, nó giống như một trận đấu ở Brazil hơn. Sân vận động đã hoàn toàn chật kín. Mọi người đều hát, có nhạc và mọi người nhảy múa trên sân". Chẳng ai ngờ đó là lần nhảy múa cuối cùng của họ.
Mạnh Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất