U19 Việt Nam: Đừng tự mua dây buộc mình

05/09/2014 16:49 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Không lâu sau trận thua trong thế ngẩng cao đầu trước U19 Indonesia ở VCK U19 Đông Nam Á 2013 là chiến thắng vang dội 5-1 trước U19 Australia ở vòng loại U19 châu Á 2014.

Để rồi, tất cả lại bị kéo trở về mặt đất sau các trận thua ở giải U19 quốc tế hồi đầu năm, với khách mời là U19 Nhật Bản, U19 Tottenham Hotspur và U19 AS Roma. Và khi chúng ta vừa trở thành bại quân trước U19 Myanmar trên đất Brunei, tại giải đấu khách mời, nặng tính cọ xát, HLV Guillaume Graechen đặt chỉ tiêu vô địch giải U19 Đông Nam Á mở rộng 2014 (diễn ra trên SVĐ Mỹ Đình, từ 5 – 13/9 tới đây)…

Chúng ta đang nói về ĐT U19 Việt Nam với nòng cốt là lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG, còn gọi là “những đứa trẻ của bầu Đức”.

Niềm tin bầu Đức…

Bên lề Lễ động thổ Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG (năm 2007), tại khách sạn Hoàng Anh Gia Lai group, ông chủ Đoàn Nguyên Đức tiết lộ rằng, Tập đoàn của ông sẽ “chỉ” phải bỏ khoảng 2 triệu USD (bao gồm quỹ đất, nhân sự, công tuyển chọn và các chi phí ăn ở, tập luyện khác…) xuyên suốt quá trình đào tạo 7 năm/lứa cầu thủ. Ngoài việc đặc cách Arsenal chọn 2 cầu thủ tốt nhất (theo giao kèo), về mặt xác suất, Học viện chỉ cần bán thêm được 2 – 3 cầu thủ khác cho thị trường Âu châu (hoặc Đông Bắc Á), không những HA.GL, mà Arsenal và JMG cũng đã có nguồn thu để tái tạo vốn đầu tư, thậm chí là có lời.

Tuy nhiên, có lẽ do chưa thẩm định được mức độ hiệu quả (kinh tế), nên suốt 7 – 8 năm qua, Học viện HA.GL Arsenal JMG tỏ ra khá dè dặt trong các đợt tuyển sinh tiếp theo là dễ hiểu. Việc sản phẩm (đầu ra) của HA.GL Arsenal JMG chưa được thị trường Âu châu chấp nhận, bầu Đức buộc phải nắn lại lộ trình: Đôn lứa đầu của Học viện lên đội 1 HA.GL đá V-League 2015. Đây bị xem là một bước lùi (cần thiết), song không có nghĩa là HA.GL Arsenal JMG hoàn toàn trắng tay. Mối quan hệ cộng hưởng còn có thể giúp các thương hiệu HA.GL bội thu.

Cụ thể, với việc U19 Học viện trở thành cơn sốt suốt hơn 1 năm qua, hẳn phải là liều “doping” hoàn hảo cho tập đoàn HA.GL trong bối cảnh thị trường bất động sản gần như đóng băng. ĐT U19 Việt Nam, với nòng cốt từ Học viện của bầu Đức là lời giải thoả đáng cho việc cổ phiếu của HA.GL tăng giá.

Chỉ có điều, dù bầu Đức khá kín tiếng, nhưng nó không làm cho những thông tin về U19 Học viện bớt “nóng”, khi bộ phận giúp việc hoặc những người ăn theo có vẻ như rất nhanh nhảu. Từ những thông tin ban đầu như việc một CLB Hy Lạp chấm 4 cầu thủ Học viện HA.GL Arsenal JMG, sau chuyến tập huấn châu Âu (2013), đến mới đây nhất, một đội bóng mạnh ở Premier League ngỏ lời muốn mua 2 cầu thủ U19…, đều không được phát đi từ đại bản doanh Hàm Rồng.     Giới truyền thông vẫn chờ đợi ông Đức xác nhận, nhưng người đứng đầu HA.GL group, cũng là đương kim phó chủ tịch VFF, Đoàn Nguyên Đức vẫn im lặng, vì đơn giản nó… có lợi!

… Thử thách kiên nhẫn của tất cả

Trở về sau thất bại ở chung kết Cúp Nhà vua Brunei 2014 (trước U19 Myanmar), lần đầu tiên HLV Guillaume Graechen công khai tham vọng ở giải U19 Đông Nam Á mở rộng sắp tới. Chàng rể Việt Nam có lẽ  cho rằng, đã đến lúc U19 Việt Nam mà nòng cốt là “những đứa trẻ của bầu Đức” nghĩ đến chức vô địch, sau hơn 1 lần gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường (năm ngoái là trận thua chủ nhà U19 Indonesia ở chung kết U19 Đông Nam Á). Người ta nói, HLV Graechen có chút “ảo” khi U19 Việt Nam sẽ phải đối đầu với Nhật Bản, Australia, có khi cả Myanmar (nếu vào bán kết hay chung kết)?!

Những người làm công tác huấn luyện hẳn phải hiểu rõ công việc, cũng như đội bóng của mình hơn bất cứ ai. Bóng đá có đôi khi đơn giản chỉ là thành tích và người ta sẽ chỉ nhớ đến kẻ chiến thắng, chứ không lưu danh kẻ thất bại, dù đó là kẻ thất bại vĩ đại. HLV Guillaume Graechen đã quá ngán ngẩm với việc chỉ về nhì trong các ván cờ rồi chăng? “Đáng ra ông Graechen không nên phát biểu vội vã thế, bởi U19 Việt Nam chưa sẵn sàng để chịu những sức ép thành tích. Bóng đá, lại là bóng đá trẻ rất khó nói trước và một thất bại nặng nề đầu đời, có thể làm lụi bại cả thế hệ, chứ không đùa”, một chuyên gia đào tạo trẻ cho biết.

Chúng tôi lại nhớ khuyến cáo lúc sinh thời của cựu danh thủ - chuyên gia bóng đá hàng đầu, Ngô Xuân Quýnh, về bóng đá trẻ. Cách đây chừng độ chục năm, khi đội chủ nhà thua tan tác trước Lào, tại vòng chung kết U14 Đông Nam Á diễn ra trên sân QK7, TP.HCM, ông Quýnh đúc kết rằng, không nên tạo sức ép thành tích nên bóng đá trẻ. “Chúng ta nên gọi những giải đấu trẻ là festival, tức ngày hội bóng đá trẻ, thay vì gắn cho nó bằng các chiếc Cúp, dẫn tới việc người trẻ phải nai lưng đua tranh danh hiệu”, cố danh thủ Ngô Xuân Quýnh chia sẻ. Cảnh báo này đã và luôn đúng, nhưng chỉ là người trong cuộc vẫn chưa chịu thuộc bài.

Bóng đá Việt Nam vốn trọng thành tích, thế nên, ngay cả khi U19 Việt Nam chỉ mang những biểu hiện thành công, rất nhanh, người ta đã vội tâng bốc không tiếc lời, ví như mục tiêu đoạt vé dự VCK U20 thế giới (thông qua việc lọt vào tốp 4 đội đứng đầu giải U19 châu Á được tổ chức tại Myanmar vào tháng 10 tới đây), thậm chí cao hơn là một suất tham dự VCK World Cup 2018!?

Một thuộc tính rất quen của bóng đá Việt Nam là, khi chiến thắng chúng ta bảo là chiến thắng của tinh thần, còn khi thất bại, đó là bởi cầu thủ không tuân thủ chiến thuật, không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Rất hiếm khi chúng ta chịu thừa nhận sự yếu kém về chuyên môn, từ thầy dến trò, thậm chí là yếu kém hay ít nhất là sự hạn chế về năng lực chinh phục của nền bóng đá.

Trên đất Brunei, không ít lần HLV Graechen ta thán về việc học trò không đáp ứng được yêu cầu chiến thuật, thay vì đáng ra ông cần phải nhận trách nhiệm về mình trước nhất. Người trẻ U19, suy cho cùng, vẫn chỉ như trang giấy trắng!

Vậy hà cớ gì phải gây những sức ép tự tạo, không cần thiết nhỉ? Chuyện của U19 hôm nay, thực ra là câu chuyện chung cho cả nền bóng đá, vẫn chưa thể vượt qua nổi ám ảnh về thành tích.

Thăm dò ý kiến

Bạn dự đoán thế nào về cơ hội của U19 Việt Nam tại giải Đông Nam Á mở rộng 2014?


Trần Hải
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm