TT&VH với người dân xóm núi quê tôi

19/08/2012 09:47 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Một câu chuyện cảm động, làm bất ngờ cả những người làm báo TT&VH, của bạn đọc Phạm Quang Hòa ở phố Minh Khai, Hà Nội, gửi tham gia cuộc thi viết Bạn đọc với 30 năm Thể thao & Văn hóa.

Tôi sinh năm 1954 tại Thái Nguyên. Năm 1976, tốt nghiệp đại học, tôi được Nhà nước điều lên Tuyên Quang công tác. Năm 1995, tôi chuyển gia đình về Hà Nội. Cuối năm 1997, tôi xây được ngôi nhà ba tầng trên mảnh đất 60m2 mua của một người dân gốc Hà Nội. Có nhà rồi, tôi mới có thời gian và điều kiện để thực hiện một mơ ước nhỏ từ thời sinh viên. Đó là có một khay báo đặt tại phòng khách gia đình để mình và khách cùng đọc. Sau khi tham khảo vợ con, tôi mua bốn tờ báo: TT&VH Tuổi Trẻ Cười cho cả nhà, Phụ Nữ Thủ Đô cho vợ tôi và Hoa Học Trò cho hai con tôi đang học phổ thông.

Tại sao tôi lại chọn mua báo TT&VH? Đó là ngay từ Euro 1996, mỗi chiều đi làm về tôi đều mua vài tờ tin nhanh thể thao khác nhau cho cả nhà đọc. Qua Euro ’96, tôi nhận ra viết về bóng đá, khó có tờ báo nào có nhiều bài viết có chất lượng bằng TT&VH. Ngoài ra, tờ báo này còn cung cấp cho bạn đọc nhiều tin hay về chủ đề văn hóa trong và ngoài nước. Báo đọc xong lâu lâu được trên dưới 1kg thì lại có bà đồng nát vào hỏi mua. Dĩ nhiên là tôi bán vì có giữ cũng chẳng để làm gì.

World Cup 1998 vừa kết thúc thì anh trai tôi (một cán bộ đã nghỉ hưu ở Thái Nguyên) lần đần tiên xuống chơi kể từ khi tôi làm nhà. Những lúc hai vợ chồng tôi đi làm và hai cháu đi học thì anh tôi cũng không đi đâu, cứ nằm lì ở nhà đọc hết tờ báo này đến tờ báo khác. Khi tôi về pha ấm trà Thái hai anh em cùng uống thì anh tôi trầm trồ “Chú có những tờ báo hay thật, đọc đi đọc lại vẫn không thấy chán, nhất là những bài bình luận các trận World Cup. Nói thật là anh xem qua ti-vi, nghe Quang Huy bình luận trực tiếp đã thấy rất hay rồi mà bây giờ đọc lại, anh thấy lại còn hay hơn. Khối thứ hay mình không thể nhận ra lúc đang xem. Bây giờ đọc báo mới biết. Hay thật. Báo thế mới gọi là tài”.

Sau vài ngày ở chơi với vợ chồng tôi, anh trai tôi về. Tuy nhiên, trước khi về, anh tôi lưỡng lự một chút rồi nói:

- Này, đừng bảo anh lẩn thẩn nhá. Cho anh chồng báo kia mang về được không? Đằng nào thì chú thím cũng xem rồi. Ở quê thứ này quý lắm.

Dĩ nhiên là chúng tôi cho rồi. Vợ tôi còn nói cho anh chồng vui lòng:

- Ối trời, bác lấy cho là may đấy, chứ có để đây thì em cũng chẳng biết làm gì với nó.

Trong lúc vợ tôi gói chồng báo lại gọn gàng để dễ đem theo, ông anh tôi cứ tấm tắc:

- Ở quê mình không có thứ đặc sản này đâu. Mà có thì cũng không có tiền mua. Dân quê suốt ngày chỉ làm ruộng thì tiền đâu mà mua báo. Đài với ti-vi thì bi giờ ai chả có. Nhưng bận mà chưa nghe hay chưa xem được thì nó có chờ mình đâu. Nó cứ phát. Nó biết mình là ai mà chờ. Nhưng báo thì lại khác. Giờ tôi bận cho cá ăn, tôi chưa đọc. Tối cơm nước xong xuôi, tôi có thời gian tôi khắc nằm khểnh trên giường tôi đọc. Không chạy đâu mất chữ nào. Sướng không?

Nhìn ông anh cười rạng rỡ, vợ chồng tôi cũng thấy vui lây.

Hai tháng sau, tôi có dịp về quê. Ngoài quà cáp các kiểu, vợ tôi còn bảo tôi mang về cho ông bác hai tháng báo TT&VH cũ. Khi về đến quê, vừa mở gói quà đó, ông anh tôi đã sáng mắt ra, vồ ngay lấy, cầm từng tờ báo lên ngắm nghía, rồi hết lời khen cô em dâu chu đáo và thấu hiểu. Anh tôi bảo:

- Những tờ báo World Cup ’88 anh mang về lần trước vẫn còn đấy. Nhiều ông hàng xóm đến chơi chỉ cốt để được đọc những tờ báo đó thôi nhé. Mấy lão về hưu cũng đến mượn mang về nhà xem nhưng họ giữ gìn cẩn thận và trả đúng hẹn ra phết. Giờ lại có thêm hai tháng báo này, nhà mình lại đông khách đây. Cũ người nhưng mà mới ta, chú ạ. Mà đâu có cũ, tờ này vừa ra sáng nay đây này. Vẫn thơm nguyên mùi mực nhé. Ai ở vùng sâu vùng xa bằng tôi mà được đọc báo TT&VH ngay trong ngày nào! Tuyệt không! Nào, hai anh em mình. Cao Bằng - Bắc Kạn - Cách - Khà!

Sau lần về quê đó, chứng kiến những cán bộ hưu, những thanh niên nông dân rất yêu bóng đá và ham thích đọc báo, tôi mặc nhiên thống nhất với anh trai cứ hai tháng một lần gửi báo cũ qua lái xe khách Hà Nội - Thái Nguyên về cho anh và mọi người đọc. Nhà tôi cạnh đường Minh Khai (Hà Nội), mỗi ngày có 5-6 chuyến xe khách chạy từ bến xe Giáp Bát lên Thái Nguyên nên gửi báo cho anh cũng rất thuận tiện.

Thấm thoắt từ 1988 đến nay đã 24 năm. Hai tháng một lần, cứ đến ngày đã hẹn, anh tôi lại phi ra ngã tư Ba Hàng (thị trấn Phổ Yên) cách nhà hơn 10km đường rừng nhận hộp báo TT&VH người phụ xe khách đưa cho. Tuy không thể đều đặn đến hẹn lại lên vì cũng có những lúc nhỡ nhàng nhưng tôi dám chắc đã gửi về cho anh không dưới 80% số báo TT&VH tôi từng mua trong 24 năm qua. Người dân xóm núi quê tôi ngoài những món ăn tinh thần khác, họ còn có tờ TT&VH. Khi báo mới về, họ đến nhà anh tôi pha trà uống và bảo một người đọc to những bài mới nhất cho mọi người cùng nghe. Sau thì họ chuyền tay nhau đọc đến những bài cuối cùng. Xong rồi thì họ cắt những hình ảnh đẹp dán lên tường. Còn lại thì bọn trẻ con bọc vở bọc sách. Có khách phương xa đến nhà bà Tiếp, một bà lang vườn để mua thuốc Nam, đã rất ngạc nhiên thấy bà trao cho những thang thuốc vuông vắn gói bằng báo TT&VH. Hỏi thì bà trả lời: “Báo TT&VH của người quê tôi gửi từ Hà Nội về đấy. Thôn tôi thì ai cũng được đọc tờ báo này, mà nhà nào cũng có vài tờ báo này nhá. Chúng tôi đâu kém gì Hà Nội”.

Phạm Quang Hòa
(ngõ 349/70, phố Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm