14/03/2023 19:54 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Khác biệt trong cách dạy con của cha mẹ sẽ dẫn những đứa trẻ đến những đích đến khác nhau trong tương lai, thành bại hay không cũng quyết định từ chính cách yêu thương con hôm nay của các bậc phụ huynh.
Sự giáo dục của cha mẹ tạo nên tương lai con trẻ
Zhu Zhiwen là ca sĩ nổi lên từ một chương trình truyền hình Trung Quốc với giọng hát nội lực. Anh xuất thân là một nông dân chân chất, vụt sáng thành sao khi giành giải quán quân trong một cuộc thi tài năng khác. Được mời đến nhiều chương trình, gala, Zhu Zhiwen có mức cát-xê đáng mơ ước. Trước đó, mạng xã hội Trung Quốc đã lan truyền một đoạn video anh đến ngân hàng để giao dịch. Theo đó, trong đoạn video anh đã tiết lộ với nhân viên "Tôi kiếm được 16 triệu NDT/năm (khoảng 54 tỷ đồng)".
Zhu Zhiwen (phải)
Trái ngược với sự nghiệp triển vọng, việc nuôi dạy của Zhu Zhiwen lại vướng phải những chỉ trích khi cậu con trai Zhu Shanwei bỏ học từ năm 14 tuổi, con gái Zhu Xuemei lại mắc bệnh béo phì, cân nặng lên đến 200 kg. Trước đó, dù Shanwei được cha thưởng tiền nếu đi học nhưng cậu vẫn không chịu đến trường vì suy nghĩ: “Dù sao gia đình cũng có tiền, đi học hay không cũng chẳng sao”.
Zhu Zhiwen cũng không phản đối việc bỏ học của con. Thấy cậu bé Shanwei chỉ suốt ngày ở nhà chơi game ngày đêm, Zhiwen vẫn rất bình tĩnh: “Ở nhà làm ruộng cũng được, chỉ cần tìm một người vợ vừa ý là sống được nốt phần đời còn lại thôi”.
Zhu Shanwei
Shanwei trở thành “ông vua con” ở nhà suốt 5 năm, 19 tuổi có thân hình mập mạp vì không phải lao động nặng nhọc. Đủ tuổi kết hôn, Zhiwen sắp xếp hôn lễ cho con mình, còn chuẩn bị sính lễ đủ nhà cửa, xe hơi Mercedes-Benz, trang sức vàng vô cùng tốn kém. Thế nhưng cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài một năm.
Sau khi ly dị, vợ Shanwei thẳng thừng nói: “Vốn dĩ chỉ là lựa chọn gia cảnh của hắn, nhưng cũng không chịu nổi”. Shanwei tiếp tục cuộc sống theo cha đi mua quần áo, cắt tóc nhờ cha trả tiền. Chưa đầy một năm sau, Zhu Shanwei lại tiếp tục đính hôn.
Lần này Zhu Zhiwen cũng chi rất nhiều tiền, tặng trực tiếp hai con một chiếc BMW. Có người ghen tỵ với Zhu Shanwei không cần làm lụng vẫn có bố lo, nhưng hầu hết đều phản đối cách nuông chiều con của nam ca sĩ nổi tiếng, làm tương lai của một đứa trẻ mù mờ, phụ thuộc.
Cậu bé Jiang He sinh ra trong một ngôi làng nghèo ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), nơi những ngôi nhà bằng gạch nung có thể đổ sập mỗi khi bão lũ.
Jiang He thậm chí còn không đủ tiền mua sách bài tập, phải tẩy xóa vở nhiều lần để dùng lại. Sau giờ học, khi những đứa trẻ khác chơi bên ngoài, He bị nhốt trong nhà để làm bài tập, đến tối thì cha mẹ cùng anh học bài. Kết quả Jiang He trở thành người Trung Quốc đầu tiên phát biểu tại lễ tốt nghiệp ĐH Harvard, đứng chung với đạo diễn lừng danh Spielberg.
Jiang He
“Nếu không có sự đồng hành và kiên trì của cha mẹ, tôi đoán giống như nhiều bạn bè thời thơ ấu của mình, tôi đã phải đi làm sớm mà không được học hành”, Jiang He nói.
“Hiệu ứng kéo” trong sư phạm được hiểu là mỗi đứa trẻ khi còn nhỏ có rất ít khác biệt nhưng sau khi áp dụng những phương pháp giáo dục khác nhau, cuối cùng lại dẫn đến một khoảng cách rất lớn khi trưởng thành. Sự dìu dắt của cha mẹ sẽ tạo ra một tương lai rất khác cho con cái.
Cha của Zhu Shanwei đã cho con một cuộc sống tốt đẹp, nhưng lại không dạy cho con khả năng tự tạo dựng cuộc sống. Còn cha mẹ của He Jiang dù không thể cho anh một căn nhà vững chãi, nhưng họ đã cho anh đôi cánh để độc lập và mạnh mẽ.
“Hãy đối xử tốt với con, nhưng đừng cho chúng quá nhiều của cải”
Trong một video từng nổi tiếng trên mạng xã hội, bà mẹ đã nói với con mình chiếc Rolls Royce ở nhà là hàng nhái cao cấp, chỉ có giá 80.000 NDT. Mãi đến khi lớn lên, cậu bé mới biết chiếc xe đắt tiền nhà mình là hàng thật. Lý do người mẹ nói dối là bởi bà không muốn con trai mình có cảm giác hơn người khác và lười nhác vì sự giàu có của gia đình.
Lời khuyên từng được rất nhiều chuyên gia đưa ra là: “Hãy đối xử tốt với con của bạn, nhưng đừng cho chúng quá nhiều của cải”. Cuộc sống tương lai của những đứa trẻ nên là do tự chúng xây dựng nên mà không phụ thuộc vào tiền bạc của bố mẹ.
(Ảnh minh họa)
Một người cha ở Nam Kinh (Trung Quốc) chi hàng triệu USD cho con đi du học, con về nước cha còn mua nhà và cho người đó 4 chiếc ô tô. Không ngờ người con không chịu đi làm, ở nhà sống dựa vào cha suốt 10 năm. Người cha trong một lần nóng giận đã bán đi chiếc xe sang trọng của con, kết quả là con trai ngay lập tức đập phá xe của cha mình. Cuối cùng họ xảy ra cãi vã lớn, phải nhờ đến cảnh sát can thiệp mới hòa giải được.
Nhà văn viết cuốn "Cực kỳ vô tâm và được yêu quá mức" từng nói: “Tình yêu mà cha mẹ dành cho con cái không phải là quá ít mà luôn luôn quá nhiều”. Nhiều bậc cha mẹ, bất kể điều kiện gia đình tốt hay không, lương tháng nhiều hay ít vẫn nuôi con mình có cuộc sống “nhà giàu”. Đưa con đi ăn hàng đồ Tây cao cấp, mua cho con đôi giày hàng nghìn USD dù bản thân còn chẳng dám mua quần áo giá trị bằng 1/10.
Ở một mức độ phù hợp, đó là tình yêu vô điều kiện của cha mẹ nhưng nếu không kiểm soát sự nuông chiều đó, đứa trẻ không có động lực để tiến lên phía trước, chỉ muốn hưởng thụ những gì phụ huynh đáp ứng. Giống như Zhu Shanwei “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, hoàn toàn không tự chủ cuộc sống của mình. Điều tốt nhất cha mẹ dành cho con không đo bằng số tiền bỏ ra cho những đứa trẻ mà phải là cách dạy con đúng đắn.
Gia tộc Walton giàu nhất thế giới theo đuổi quan niệm cốt lõi về giáo dục làm giàu là "lao động làm nên giá trị con người". Tỷ phú Sam Walton không bao giờ cho con cái tiền tiêu vặt, để các con biết kiếm tiền từ khi còn rất nhỏ bằng những công việc vặt.
Gia tộc Walton
Robertson, con trai cả của Sam nhớ lại: "Hồi đó chúng tôi luôn làm việc ở cửa hàng, lau sàn, dọn nhà cửa. Cha mẹ cho tôi ít tiền tiêu vặt hơn nhiều bạn bè, đôi khi khiến chúng tôi còn tưởng nhà mình nghèo. Cha tôi cũng yêu cầu tôi đầu tư tiền túi vào cửa hàng. Tất nhiên, khoản đầu tư này sau đó đã giúp tôi trả tiền mua nhà".
Người dẫn chương trình nổi tiếng Trung Quốc Liang Jizhang từng viết trong một bức thư gửi cho các con của mình: "Khi con lớn lên, trách nhiệm hỗ trợ của ta sẽ kết thúc. Trong tương lai, cho dù con muốn đi xe buýt hay Mercedes-Benz, ăn vi cá mập hay bất cứ thứ gì khác, con sẽ phải có trách nhiệm với chính mình."
Những bậc cha mẹ thực sự nhìn xa trông rộng không tiêu tiền để thỏa mãn mọi yêu cầu của con cái, mà sẽ giúp con mình trưởng thành trở thành người độc lập, biết nhìn cuộc đời qua lăng kính đa chiều và “làm giàu” cho con bằng kiến thức.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất