“Đại chiến” thế giới mạng vì WikiLeaks

09/12/2010 11:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Thông qua việc tiết lộ các văn kiện ngoại giao mật của Mỹ, Julian Assange đã “gây thù chuốc oán” với rất nhiều người, khiến trang web tiết lộ tin tức mật WikiLeaks của ông chịu nhiều “bầm dập” vì bị giới hacker “đánh hội đồng”. Tuy nhiên, Assange không phải không có những đồng minh và từ đầu tuần này, những con người đó đã phát động một chiến dịch “báo thù” mang tên Assange trên không gian ảo.

Bắt đầu từ ngày 28/11 vừa qua, WikiLeaks đã đăng tải các văn kiện ngoại giao mật đầu tiên trong số 250.000 tài liệu mà tổ chức này sở hữu. Không lâu sau đó, trang web bắt đầu nhận những cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDOS).

Các nỗ lực ngăn cản WikiLeaks

DDOS (Distributed Denial Of Service) tấn công từ chối dịch vụ là kiểu tấn công khiến một hệ thống máy tính hoặc một mạng máy tính bị quá tải, dẫn tới không thể cung cấp dịch vụ hoặc phải dừng hoạt động. Đây là hình thái tấn công nguy hiểm và khó chống đỡ nhất trên internet nhằm vào các trang web.

Trong các cuộc tấn công DDOS, máy chủ của trang web “nạn nhân” thường bị “ngập” trong các lệnh truy cập của một lượng kết nối khổng lồ, phát đi từ những địa chỉ không có thực. Khi số lệnh truy cập lớn quá, máy chủ sẽ không thể xử lý được số lệnh mà nó đang được yêu cầu giải quyết. Hậu quả là khách hàng thực sự có nhu cầu sử dụng trang web bị tấn công cũng không thể truy cập được trang web đó.


Vụ bắt giữ Julian Assange đã châm ngòi cho
một cuộc chiến tranh trên không gian ảo


Song song với hoạt động của giới hacker là những tác động chính trị. Từ ngày 1/12, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện Mỹ Joe Lieberman đã kêu gọi đóng cửa WikiLeaks. Kết quả là Amazon ngừng việc “chứa chấp” WikiLeaks, dù tuyên bố hành động của họ không mang động cơ chính trị. WikiLeaks phải “chạy nạn” sang máy chủ OVH của Pháp. Chỉ 2 hôm sau tuyên bố của ông Lieberman, tới lượt EveryDNS.com tuyên bố xóa bỏ địa chỉ wikileaks.org. Các đồng minh của Mỹ cũng được huy động để chống lại WikiLeaks. Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Eric Besson yêu cầu cấm WikiLeaks hoạt động tại nước này. Kết quả là ngày 5/12, WikiLeaks phải chạy sang hoạt động ở Thụy Điển. 2 ngày sau, các vụ tấn công DDOS lại xuất hiện nhằm vào “nhà mới” của WikiLeaks.

Dưới sức ép từ giới chức Mỹ, Hãng thanh toán điện tử PayPal đã chấm dứt việc cho người dùng quyên góp tiền cho WikiLeaks. Lần lượt theo chân PayPal là các công ty MasterCard và Visa. Ngay trước khi Assange bị bắt, một công ty ở Thụy Sĩ cũng đã phong tỏa tài khoản của ông cùng số tiền 41.000 USD bên trong.

Mặc dù Tổng thống Barack Obama không bình luận gì về WikiLeaks nhưng theo Larry Johnson, một cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ từng có thời gian dài làm việc trong bộ phận chống khủng bố, tất cả các hoạt động chống lại WikiLeaks chắc chắn đang được điều hành từ cơ quan lãnh đạo cao cấp nhất của Mỹ. “Chiến dịch này do chính Nhà Trắng đạo diễn” - Johnson nhận xét.

“Chiến dịch báo thù cho Assange”

Với việc Assange đầu thú cảnh sát Anh, tưởng như các nỗ lực chống lại ông và WikiLeaks đã thắng. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Tờ Time đánh giá WikiLeaks giống như con rắn Hydra trong thần thoại, với mỗi đầu bị chặt đi lại có thêm nhiều đầu khác mọc ra.

Bất chấp việc bị tấn công DDOS liên miên, WikiLeaks vẫn đứng vững và hôm 8/12 vẫn tiếp tục đăng tải các văn kiện ngoại giao mật mới. Không những thế, trang web còn được nhân lên như nấm sau mưa, nhờ sự trợ giúp của cộng đồng mạng. Tính tới đêm 7/12 đã có tổng cộng 570 trang web “phụ” của WikiLeaks được người ủng hộ lập ra, với nội dung sao lại nguyên xi các thông tin có trên trang chủ của WikiLeaks.

WikiLeaks cũng nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nhóm hacker nổi tiếng như Anonymous (ẩn danh). Những hacker này nói rằng sẽ mở các cuộc tấn công trên thế giới mạng nhằm vào những tổ chức, cá nhân có hành động gây hại tới WikiLeaks. “Chúng tôi sẽ tìm và tấn công những kẻ chống lại WikiLeaks và chúng tôi sẽ hỗ trợ WikiLeaks mọi thứ họ cần” - Anonymous tuyên bố.

Chiến dịch do họ phát động mang tên “Operation Avenge Assange” (Chiến dịch báo thù cho Assange) khởi đầu bằng hàng loạt vụ tấn công DDOS nhằm vào PayPal khiến dịch vụ blog của hãng thanh toán này phải ngừng hoạt động. Liên tiếp sau đó, trang web của Ngân hàng PostFinance ở Thụy Sĩ, nơi mới phong tỏa tài khoản của Assange, đã bị tấn công DDOS khiến dịch vụ trên internet của họ không thể sử dụng. Các truy cập trong ngày 8/12 vào địa mastercard.com đã không thể thực hiện được, cho thấy Công ty Thanh toán MasterCard cũng đã trở thành nạn nhân mới trong cuộc chiến tranh ảo.

Cùng thời điểm, trang tin ABC News nói rằng địa chỉ trang web và thư điện tử của luật sư Claes Borgstroem, người đại diện cho 2 phụ nữ cáo buộc Assange phạm tội hiếp dâm, đã bị tin tặc tấn công. Borgstroem tin rằng thủ phạm làm việc này cũng chính là kẻ đã tấn công vào trang web của cơ quan công tố Thụy Điển.

Mặc dù chỉ có cái tên PayPal được nêu cụ thể trong danh sách cần bị công kích của Anonymous nhưng giới quan sát tin rằng các mục tiêu tấn công sắp tới sẽ còn bao gồm Tổ chức Cảnh sát Quốc tế Interpol, nơi ban lệnh bắt Assange; Thủ tướng Australia Julia Gillard, người đã từng cáo buộc Assange có các hành động trái phép khi công bố tài liệu mật và Sarah Palin, nhân vật tuyên bố rằng Assange phải bị săn lùng giống như cách nước Mỹ truy đuổi trùm khủng bố Al Qaeda.

Alan Bentley, một chuyên gia an ninh mạng nói trên tờ Telegraph rằng: “Nhiều nhà hoạt động là hacker giờ sẽ tìm cách báo thù nhân danh WikiLeaks và những vụ tấn công mới xảy ra chỉ là làn sóng đầu tiên”. Bentley cảnh báo thời gian tới, trang web của các doanh nghiệp lớn như Amazon, PayPal, Visa sẽ bị tấn công và kêu gọi tất cả các cơ quan có dính líu tới vụ việc của WikiLeaks cần khẩn trương tăng cường an ninh mạng để giảm thiểu thiệt hại.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm