29/05/2015 12:29 GMT+7 | SEA Games 2015
(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao Việt Nam hội nhập sâu hơn với đấu trường quốc tế và những chuyến tập huấn, thi đấu tại nước ngoài diễn ra với tần suất dày hơn, đóng vai trò quan trọng hơn cho quá trình chuẩn bị về chuyên môn trước các giải đấu lớn.
SEA Games 28 cũng không là ngoại lệ khi mà hầu hết các đội tuyển quốc gia tham dự Đại hội đều đã có những chuyến tập huấn, thi đấu ở nước ngoài dù quỹ thời gian chuẩn bị bị rút ngắn tới gần nửa năm (do nước chủ nhà Singapore tổ chức SEA Games 28 vào mùa Hè). Khá thú vị là các chuyến tập huấn thi đấu nước ngoài lúc này hoành tráng hơn và cũng... tốn kém hơn rất nhiều.
Cái khó...
Tập huấn nước ngoài không chỉ tạo ra sự thay đổi cần thiết về môi trường tập luyện, thi đấu mà việc được cọ xát với những đối thủ mạnh hơn của những nền thể thao phát triển hơn sẽ tạo nên bước chuyển lớn từ chuyên môn tới tâm lý cho các VĐV.
Đó là những lý luận hết sức cơ bản trong công tác đào tạo, huấn luyện thể thao. Tuy nhiên, nếu lấy cái mốc là năm 1989 khi Thể thao Việt Nam chính thức trở lại, hội nhập với đấu trường thể thao quốc tế thông qua lần tham dự SEA Games 15 tại Malaysia, thì việc tập huấn, thi đấu ở nước ngoài lại chẳng hề đơn giản như... lý thuyết.
Nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu vẫn là chuyện "tiền đâu?". Vẫn biết việc tập huấn, thi đấu ở nước ngoài là quan trọng nhưng ngặt nỗi kinh phí khó khăn nên đành hạn chế và cũng vì thế, ở thời kỳ đầu, hầu hết các chuyến tập huấn của các VĐV Việt Nam đều có chung điểm đến là Trung Quốc.
Tất nhiên, với trình độ thể thao đã vươn tầm thế giới thì về lý thuyết những chuyến tập huấn tại Trung Quốc sẽ có giá trị chuyên môn cao. Nhưng trên thực tế, với kinh phí cũng như khả năng hầu hết các đợt tập huấn của các VĐV Việt Nam chỉ "loanh quanh" ở các trung tâm gần như Nam Ninh, Côn Minh... các chuyến vào sâu hơn tới Bắc Kinh, Thượng Hải cũng có, nhưng khá ít.
Không phủ nhận tác động tích cực của các chuyến tập huấn này, tuy nhiên, chuyện "tiền nào, của nấy" là khó tránh khỏi. Có những VĐV từng đi tập huấn tại Trung Quốc kể chuyện, đôi lúc muốn nâng cao trình độ thì phải bỏ cả tiền túi để thuê đối thủ có đẳng cấp hơn để thi đấu, hoặc nhiều môn của họ chưa hẳn đã hơn chúng ta...
Mở ra thế giới
Tập huấn và thi đấu nước ngoài ngày càng được quan tâm, chú trọng nhất là trước các Đại hội thể thao quốc tế lớn mà Thể thao Việt Nam tham dự. Và xu hướng tập huấn, thi đấu nước ngoài trong nhiều năm gần đây cũng có sự thay đổi phù hợp hơn với xu hướng phát triển chung của thể thao thế giới.
Thay vì bó hẹp ở Trung Quốc, hay một số nước lân cận, các tuyển thủ Việt Nam đã được cử tập huấn tại chính các quốc gia mạnh nhất về môn thể thao mà họ thi đấu. Đó là trường hợp của Ánh Viên (bơi), đội tuyển điền kinh tại Mỹ; cử tạ tại Hungary; bắn súng tại Hàn Quốc; cầu lông tại Indonesia, cầu mây tại Thái Lan; judo ở Nhật Bản, bóng đá nam đi Nhật Bản, nữ đi Australia...
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa về xu hướng mới này, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 28, cho biết, việc đi tập huấn tại các quốc gia phát triển hàng đầu về môn thể thao cụ thể là nhằm giúp các tuyển thủ được tiếp cận, xọ xát ở trình độ cao nhất, nhằm tạo sự tiến bộ nhanh nhất về chuyên môn. Thành công của Ánh Viên trong những năm qua là minh chứng cho hiệu quả của sự thay đổi này. Cũng trên cơ sở này, thì Trung Quốc vẫn là điểm tập huấn quen thuộc cho các đội tuyển bóng chuyền, wushu, bóng bàn... những môn thế mạnh của thể thao Trung Quốc.
Để chuẩn bị cho SEA Games 28, đấu trường quan trọng nhất trong năm, 5 tháng qua đã có rất nhiều đội tuyển quốc gia được cử đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài. Tất nhiên, những chuyến đi "tầm sư, học đạo" khắp thế giới này không chỉ phục vụ chỉ cho mục tiêu SEA Games mà còn nhiều sân chơi quan trọng khác như vòng loại Olympic 2018.
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất