Yoko Ono: Nghĩ đến hòa bình thì không thể giết ai

12/09/2010 13:39 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Tháng 12 tới là tròn 30 năm kể từ khi John Lennon, cựu thành viên ban nhạc huyền thoại The Beatles bị một kẻ sát nhân loạn trí giết hại. Trong thời gian đó, người vợ góa của ông, bà Yoko Ono, đã sống trong nỗi đau của riêng mình và những nghi ngờ của công chúng cho rằng bà là tác nhân gây nên sự tan vỡ của ban nhạc The Beatles.

Tại lễ khai mạc cuộc triển lãm nghệ thuật mới của bà ở Berlin – sự hòa trộn giữa điêu khắc, âm thanh và điện ảnh - Ono đã trò chuyện với báo giới về bạo lực, sự tha thứ và ký ức sống động về người chồng của mình:


John Lennon và Yoko Ono chụp ảnh trên giường để phản đối chiến tranh và bạo lực
* Trọng tâm trong cuộc triển lãm mới của bà là một chiếc cửa sổ kính dày với lỗ đạn ở giữa. Hình ảnh đó nói lên điều gì?


- Bạn có thể nhìn vào cửa sổ đó ở hai vị trí, nếu đứng trước thì bạn là người bắn, còn nếu đứng sau thì bạn là nạn nhân.

* Tại sao bà lại muốn người xem nhìn nhận thế giới cả ở vị trí của nạn nhân và thủ phạm giết người?

- Không, không phải là nhìn nhận thế giới mà nhìn vào chính bản thân họ ở cả hai vị trí. Hôm nay bạn có thể là kẻ giết người, nhưng hôm sau bạn có thể là một nạn nhân.

* Đây có thể được coi là một sự tha thứ? Phải chăng bà đang yêu cầu khán giả tha thứ cho thủ phạm? Bà có thể tha thứ cho kẻ đã giết John Lennon, Mark David Chapman?

- Tôi vẫn không thể tha thứ cho anh ta, nhưng không phải lúc nào tôi cũng nghĩ về anh ta.

* Bà đã đề cập đến cái chết của Lennon trong nghệ thuật của mình như thế nào?

- Đây là một nỗi bất hạnh không thể tin nổi đối với đôi. Sự việc diễn ra quá đột ngột. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau 10 phút trước khi vụ việc xảy ra, vì vậy quả là điều vô cùng khó khăn khi đề cập đến sự việc đó, nhưng tôi vẫn sống, không chỉ thể xác mà cả tinh thần. Đó là niềm tự hào của tôi.

* Mối quan hệ giữa bà và Lennon luôn được thế giới bên ngoài mô tả là rất cộng sinh…

- Đúng vậy.

* Và từ khi Lennon qua đời bà là người bảo vệ di sản và ký ức của ông. Vậy bà gặp như thế nào khi một mình làm việc đó và giũ bỏ những ấn tượng của mọi người về mình?

- Thật kỳ lạ là ngay thời gian ở bên chồng tôi đã nghĩ tới việc mình chẳng là gì cả ngoài vai trò là vợ Lennon. Vì vậy tôi đã vô cùng độc lập trong nhiều việc.

Khi sáng tác một ca khúc tôi chỉ viết một mình, trong khi nhiều người khác có cộng sự và bản thân Lennon cũng vậy. Anh có cộng sự thân thiết là Paul McCartney. Tôi từng luôn làm nhiều việc một mình những khi bắt đầu được Lennon hỗ trợ thì anh ấy lại bỏ tôi ra đi. Ban đầu tôi không biết làm thế nào để đối diện với thực tế đó. Sau này, tôi nhận thấy rằng mình có thể đem lại cho người hâm mộ của Lennon nhiều thứ bởi trong thời gian đó họ bị khủng hoảng vô cùng. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm, ở vai trò cộng sự của anh, làm cho họ an lòng. Vì vậy, tôi đã hứa năm nào cũng mang đến cho họ một thứ gì đó của Lennon. Năm nay tôi phát hành 121 ca khúc của anh đã được xử lý lại.

* Bà có kế hoạch làm gì đó để tưởng niệm John vào ngày 8/12 tới nhân kỷ niệm 30 năm này mất của ông?

- Ồ, thật may mắn khi cách đây 10 năm người hâm mộ Nhật Bản nói họ muốn được làm gì đó cho Lennon và những nghệ sĩ rock nổi tiếng nhất ở Nhật đã tôn vinh Lennon bằng việc trình diễn các ca khúc của anh. Chúng tôi muốn gây quỹ để thành lập nhiều ngôi trường ở châu Phi. Hơn 10 năm qua, chúng tôi đã thành lập được hơn 100 trường học nhưng không chỉ ở châu Phi mà còn ở châu Á và Nam Mỹ.

* Năm nay bà có kế hoạch làm gì?

- Năm nay sẽ có buổi hòa nhạc lớn ở Budokan, nơi The Beatles có buổi diễn đầu tiên ở Nhật Bản và do vậy tôi sẽ biến ngày 8/12 thành một sự kiện mang tính tích cực.

* Và đó là cách để bà giải quyết với quá nhiều trải nghiệm đau buồn trong cuộc đời mình?

- Cả thế giới từng thù ghét tôi vì cho rằng tôi là tác nhân khiến The Beatles tan vỡ và lòng thù hận đó vẫn đeo bám tôi. Đáng lẽ tôi có thể chết vì điều đó nhưng tôi đã tìm cách biến sự hận thù đó thành một nguồn sinh lực tình yêu.

* Trong khi diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam, bà và Lennon đã chụp những bức ảnh trên giường, hát bài Give Peace a Chance. Nếu Lennon còn sống đến hôm nay bà có nghĩ hai người sẽ lại làm gì đó để phản đối cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq không?

- Tôi vẫn đang làm việc đó đấy chứ. Hằng ngày tôi vẫn quảng bá tháp Imagine Peace (ở Iceland). Công trình này như một sự suy ngẫm và được mọi người trên toàn thế giới hưởng ứng. Bạn hãy tưởng tượng rằng xã hội của chúng ta là một xã hội hòa bình. Khi nghĩ đến hòa bình thì bạn không thể giết được bất cứ ai. Điều đó tốt đấy chứ?

                               Việt Lâm (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm