Cây đàn Stradivarius bất ngờ tái xuất sau 35 năm bị mất cắp

07/08/2015 14:43 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1980, nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Roman Totenberg đã để lại cây đàn Stradivarius yêu thích trong văn phòng, để ra tiếp những người tới chúc mừng ông sau một buổi hòa nhạc. Lúc ông trở lại, cây đàn đã “không cánh mà bay”.

Sau đó, người ta tìm thấy hộp đựng đàn trong tầng hầm Trường nhạc Longy ở Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ), nơi Totenberg có thời gian làm giảng viên. Tuy nhiên, cho đến khi qua đời cách đây 3 năm ở tuổi 101, Totenberg vẫn không thể tìm lại cây đàn của mình.

Totenberg biết ai đã đánh cắp cây đàn violon của ông, song lại không thu thập đủ chứng cứ khiến kẻ bị tình nghi phải chịu tội. Vụ án dậm chân tại chỗ cho đến tháng 6 năm nay, khi cô con gái cả của Totenberg là Nina Totenberg nhận được cuộc điện thoại từ một nhân viên của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), nói rằng chính quyền đã thu hồi cây đàn. 


Nghệ sĩ vĩ cầm Roman Totenberg trình diễn với cây đàn hiệu
Stradivarius của mình trước khi nó bị đánh cắp

Cây đàn được nghệ nhân Antonio Stradivari làm ở Italy hồi năm 1734. Đây là một trong vài trăm cây đàn Stradivarius còn tồn tại tới nay.

Bà Nina cho biết, cây đàn violon của cha đã tái xuất trong tháng 6 này, khi một người phụ nữ  đưa nó đến thẩm định ở New York . Các chuyên gia thẩm định đã lập tức liên lạc với cơ quan chức năng. 

Hóa ra người phụ nữ đó là vợ cũ của Philip S. Johnson, nhân vật mới qua đời ở California hồi năm 2011. Bà Nina nói rằng, vào thời điểm xảy ra vụ mất cắp cây đàn, Johnson vẫn là một nghệ sĩ vĩ cầm trẻ, tham vọng và thường quanh quẩn ở văn phòng của cha mình. Johnson đã bị đưa vào diện tình nghi, nhưng do thiếu chứng cứ, cảnh sát đã không thể buộc tội ông ta.


Các con gái của nghệ sĩ Totenberg bên cây đàn violon của cha mình sau khi nó được tìm thấy

Là một thần đồng âm nhạc ở Ba Lan, Roman Totenberg mua cây đàn Stradivarius hồi năm 1943, với giá 15.000 USD ( hiện là khoảng hơn 200.000 USD). Trong suốt chiều dài sự nghiệp, ông chỉ trình diễn cùng cây đàn này, cho đến khi nó bị đánh cắp. 

“Khi mất đàn, cha tôi nói rằng ông như bị mất một cánh tay. Vì thế, với chị em chúng tôi, việc tìm thấy cây đàn cũng giống như được thấy cha sống lại” – Jill Totenberg, một người con gái của ông Totenberg bày tỏ.Gia đình hiện đang có kế hoạch bán cây đàn cho một nghệ sĩ nổi tiếng khác, để tiếng đàn lại ngân vang trong các thính phòng hòa nhạc.

Được biết nhiều nhạc cụ mang thương hiệu Stradivarius cũng từng bị đánh cắp và được tìm thấy. Chẳng hạn, cây đàn Gibson nổi tiếng hiệu Stradivarius đã bị đánh cắp hồi năm 1936. Phải tới năm 1985, tên trộm mới thừa nhận hành vi của mình, khi đang nằm trên giường bệnh. 

Tuấn Vĩ
Theo AP


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm