Thủ tướng tin tưởng doanh nghiệp sẽ đóng góp cho 'bình minh rực sáng của Tổ quốc'

17/05/2017 17:32 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Phát biểu kết luận Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp diễn ra ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ, làm nức lòng cộng đồng doanh nghiệp. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu kết luận Hội nghị của Thủ tướng.

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị:

"Đầu tiên, tôi muốn nói tới tinh thần chuyển lời nói thành hành động. Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13h chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây.

Việc thứ hai, tôi muốn nói tinh thần lớn với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.

Chú thích ảnh
Thủ tướng công bố với các doanh nghiệp tại Hội nghị Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. Mặc dù chưa hoàn thiện nhưng so với Hội nghị lần trước tổ chức tại TPHCM thì tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều. Lần này chủ yếu là các ý kiến góp ý những cách làm cụ thể, phương pháp tính toán cụ thể để giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Tôi xin nói một số cái mà chúng ta đã đạt được một cách tóm tắt nhất.

Về cải cách thể chế, chúng ta đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh; tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; các bộ, các ngành tích cực rà soát cắt giảm nhiều thủ tục giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cùng với các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Đây là một chủ trương đúng..

Về cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện đầu tư kinh doanh, một số thủ tục hành chính vượt chỉ tiêu Nghị quyết 19 và những cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mô hình hành chính công của nhiều địa phương, giảm thiểu thời gian đi lại, và sự phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Các tỉnh, thành phố trong cả nước đều tích cực triển khai, thực hiện kê khai nộp thuế điện tử. Đối với tiếp cận các dịch vụ công, đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan… những chi phí này đang có xu hướng giảm. Cụ thể là năm 2015 là 28%, năm 2016 giảm còn 18,8%, năm 2017 và những năm tiếp theo tiếp tục giảm.

Thứ ba là hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư, điểm nhấn là mức tăng kỷ lục về xuất khẩu, khi các công ty tiếp tục giành được những đơn đặt hàng mới từ các thị trường quốc tế. Báo cáo mới nhất của NIKKEI cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4/2017 đạt 54,1 điểm, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ sức khỏe của lĩnh vực sản xuất trong đầu quý II/2017. Các điều kiện kinh doanh được cải thiện tốt hơn trong suốt 17 tháng qua với số đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã tăng ở mức kỷ lục, hỗ trợ cho tăng trưởng sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, đặc biệt trong tháng 4. Như vậy, bức tranh kinh tế Việt Nam sáng lên, tốt hơn.

Thứ tư, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Mục tiêu này đã tạo sức ép cho các địa phương và cả nước tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho người dân khi tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Thứ năm, chúng ta đã đôn đốc kiểm tra với việc thành lập Tổ công tác theo dõi, kiểm tra các ngành, các địa phương. Tất cả điều đó đạt được kết quả bước đầu rất ấn tượng mà chúng ta phải ghi lại hôm nay. Số lượng doanh nghiệp, chất lượng doanh nghiệp cả trong nước và FDI thật đáng mừng. 4.500 thủ tục đã được sửa và bãi bỏ; trong 1.100 kiến nghị của doanh nghiệp, đã xử lý được 850 (bằng 77,5%). Năm 2016, đã thành lập trên 110.000 doanh nghiệp; 4 tháng năm 2017, đã thành lập trên 40.000 doanh nghiệp. Theo JETRO, 66% số doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng mở rộng, 36% doanh nghiệp Mỹ dự định mở rộng kinh doanh, cao hơn ở Thái Lan (21%), Malaysia (19%). 75% các doanh nghiệp được khảo sát nói rằng kết quả  cải cách đã tích cực, 25% nói chưa đạt yêu cầu. Một số tổ chức như WB và Moody đều đánh giá Việt Nam tăng nhiều bậc về môi trường kinh doanh và chúng ta đang phấn đấu năm nay vào nhóm đầu của ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh, có một số chỉ tiêu theo hướng tổ chức OECD.

Như sáng tôi đã nói, chúng ta đạt kết quả bước đầu đáng được động viên, khích lệ với các tỉnh, các thành viên Chính phủ. Nhưng chúng ta cũng thấy rõ còn nhiều rào cản cho sự phát triển của  doanh nghiệp doanh nghiệp.  Chính phủ đã nhận diện được vấn đề này. Sau đây là một số điểm nhận diện cơ bản mà các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu ra tại hội nghị này.

Thứ nhất, về thể chế chính sách, chưa giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật. Chính sách ban hành chưa sát với thực tiễn, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Ví dụ vấn đề quy định tiêu chuẩn điều kiện yêu cầu trong một số lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, đo không khí, chất thải, bảo vệ môi trường, vấn đề hợp chuẩn… thiếu minh bạch, tốn kém chi phí. Sở hữu trí tuệ cũng nhiều vấn đề. Sản phẩm hàng hoá ra thị trường còn rất nhiều vướng, rất mất thời gian của doanh nghiệp.

Các quy định về công nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống.

Nhân đây tôi nói luôn, tinh thần quý vị nêu, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp thu. Đó là phải xây dựng thể chế chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thể chế và chính sách về kinh tế cần tháo gỡ liên tục, tạo môi trường đầu tư minh bạch, dễ dàng áp dụng.

Tôi cũng đề nghị doanh nghiệp, các hiệp hội cần góp ý xây dựng và tổ chức thực hiện, thực thi chính sách để chúng ta có môi trường tốt hơn và như tôi nói, chúng ta phải phấn đấu đạt nhóm đầu của ASEAN về môi trường đầu tư thông qua thể chế và chính sách.

Việc thứ hai còn tồn tại mà quý vị đã nói về thuế, phí còn cao, không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản đã thỏa thuận rất nhiều nhưng chưa xử lý triệt để được.

Thuế phí cao cho doanh nghiệp là vấn đề chúng tôi rất trăn trở và sẽ có chương trình hành động cụ thể sau.

Thủ tục hành chính, các thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh trong một số chuẩn mực còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy có hiện tượng "cò" làm dịch vụ cấp thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Thủ tục giải phóng mặt bằng, giấy phép xây dựng, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá thuê đất còn cao. Giấy phép con vẫn còn và chưa được loại bỏ, chưa minh bạch hoàn toàn. Vẫn tồn tại tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức... gây chậm trễ, khó khăn ở các cơ quan công quyền, chưa sát sao và nắm bắt chính xác các vấn đề doanh nghiệp cần hỗ trợ. Có cơ quan, có bộ phận cán bộ chưa nắm bắt được yêu cầu của doanh nghiệp để giải quyết kịp thời.

Vấn đề tồn tại thứ tư là tiếp cận tín dụng. Thực thi chính thức giao dịch đảm bảo chưa tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát huy tài sản đảm bảo để thế chấp, tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, sở hữu ngầm khiến cho dòng tín dụng bị phân bổ một cách chênh lệch, xa rời tín hiệu thị trường. Việc cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường của các cơ quan chức năng còn hạn chế, rất ít doanh nghiệp có thể tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Theo thống kê, chúng ta mới có trên 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó Thái Lan trên 30% và Malaysia trên 45%. Chưa hình thành đồng bộ các thị trường như thị trường đất đai, thị trường tín dụng, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường các ý tưởng phát minh sáng chế… Và như tôi đã nói phần đầu, hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả gây thiệt hại và bức xúc không đáng có cho doanh nghiệp. Như quý vị đã biết, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã lắng nghe 1.098 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và đã có 850 kiến nghị được xử lý giải quyết, đạt tỉ lệ như vậy chưa phải cao. Những kiến nghị này tập trung vào cải cách hành chính thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Đây cũng chính là cơ sở quan trọng giúp chúng tôi định hình giải pháp, chương trình hành động đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong thời gian tới. Chính phủ cam kết sẽ tập trung giải quyết 2 vấn đề then chốt sau:

Một là, tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật thông qua các việc làm cụ thể sau:

- Bảm đảm môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật đó phải thực hiện hệ thống từ Trung ương đến địa phương, phải chuyển biến thực thi công vụ nghiêm túc, không được gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp. Nhân có Hội nghị toàn quốc, tôi nhấn mạnh, suy đến cùng là Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy ở các địa phương, Bộ trưởng phải lo trực tiếp công việc này, theo chức năng nhiệm vụ được pháp luật quy định.

- Theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm một cách xuyên suốt, nhất quán trên nền tảng cải cách thể chế theo hướng cởi mở, thân thiện, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách bình đẳng, công bằng từ những thành quả tăng trưởng thương mại. Như vậy, tôi xin khẳng định một lần nữa rằng mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư.

- Hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba các dự án luật, trong đó có dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành; đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi quy định các loại thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí thực hiện. Xóa bỏ sự ưu ái, thu hồi nguồn lực và các tài nguyên đang được sử dụng kém hiệu quả, lãng phí để tái phân bổ lại cho mọi chủ thể, đối tượng dựa trên hiệu quả cạnh tranh, và khả năng cải thiện năng suất. Thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, chuyển nguồn lực cho mọi đối tượng, thành phần kinh tế có tiềm năng sử dụng, tối ưu hóa nguồn lực mà chúng ta đang có chứ không phải chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp Nhà nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: 'Không được để dân chết vì chủ quan'

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: 'Không được để dân chết vì chủ quan'

Chiều ngày 9/11, tại Nhà văn hóa Quân khu V, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác gồm các Bộ, ban, ngành và lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có cuộc họp khẩn về tình hình bão Haiyan.

- Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước. Đây là khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp. Có đồng chí đề nghị tôi năm nay đặt tên là “Năm giảm phí cho doanh nghiệp”.

Đồng thời với các việc trên cần thúc đẩy sự phát triển các thị trường một cách mạnh mẽ, đồng bộ, bao gồm thị trường hàng hóa, thị trường có yếu tố sản xuất, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường khoa học công nghệ… Chủ trương thứ nhất mà chúng tôi muốn khái quát lại là như vậy, và đây cũng là mong mỏi của rất nhiều đại biểu các hiệp hội đã nêu ra.

Thứ hai là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm các việc cụ thể như sau:

- Xây dựng kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế như cơ sở hạ tầng thông minh, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, nâng cao trình độ nghề nghiệp, cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng ngành dịch vụ y tế, BHYT, BHXH và hệ thống phúc lợi xã hội đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, khoa học công nghệ, xây dựng các cơ chế khuyến khích liên kết ngành… Chính phủ phải kết hợp một cách tối ưu các nguồn lực và công cụ chính sách nhằm tạo những điều kiện cho kinh tế tư nhân, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất, tăng năng lực cạnh tranh trong kinh doanh và hội nhập quốc tế.

- Tăng cường các lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ trên nền tảng kỹ thuật số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả doanh nghiệp.

Đồng thời với việc đó, chúng ta xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam. Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên toàn cầu, nếu chúng ta không đưa ra vấn đề này, chúng ta sẽ tiếp tục lạc hậu. Nhân nói về xây dựng thương hiệu sản phẩm, tôi muốn nói với quý vị một ý: Chúng ta nên tự tin chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam. Hãy chiếm lĩnh trước tiên thị trường lớn thứ 13 của thế giới, lại là đồng bào của mình, từ đó đủ sức tiến lên từng bước, chiếm lĩnh thị trường với nhiều sản phẩm lợi thế của Việt Nam. Ở trong nước, chúng ta nói "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chất lượng cao", bây giờ chúng ta chuyển sang tâm thế "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam". Nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, giá thành... là quan trọng với thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. Bỏ qua thị trường này, chúng ta thất bại.

Đặc biệt, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của Nhà nước và của doanh nghiệp để tương thích với yêu cầu phát triển nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và xu hướng tương lai. Không cho phép những tồn tại yếu kém về năng lực quản trị kìm hãm sự năng động của nền kinh tế, tạo nên những trì trệ trong phát triển kinh tế và giải phóng nguồn lực xã hội. Quản trị của anh phải đáp ứng yêu cầu mới, quản lý theo yêu cầu công nghệ. Cho nên chúng ta thấy Việt Nam đồng ý cho Uber, Grab vào hoạt động, mặc dù quản lý rất khó khăn. Tôi đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải đồng ý chủ trương này, chứ không phải vì không quản lý được, chúng ta cấm Uber và Grab. Cũng hướng như thế trong quản trị công.

Để giải quyết những vấn đề đó, cần có sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với quyết tâm của hệ thống chính trị, của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Từng công chức, từng viên chức trong bộ máy nhà nước phải thông hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, nghiêm túc thực hiện, luôn sẵn sàng đồng hành bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc; bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Sáng nay, Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp cả nước

Sáng nay, Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp cả nước

2.000 lãnh đạo doanh nghiệp có mặt tại Hà Nội và các đầu cầu tại 63 tỉnh, thành sẽ đối thoại với người đứng đầu Chính phủ để tìm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.

Tôi rất mừng hôm nay đồng chí thường trực chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói, đặc biệt là đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an đều nói rằng bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính nghiêm túc, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là Hiến pháp, quyền thực thi pháp luật, cụ thể hóa càng phải nhấn mạnh đến quyền này của người dân, của doanh nghiệp, đặc biệt của người kinh doanh.

Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến đất nước ta, tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam. Đó chính là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay.

Nhân đây, Chính phủ cũng rất mong doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính, và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Thưa quý vị, như cha ông ta đã nói, dân cường thì nước thịnh, muốn đất nước giàu mạnh thì dân phải giàu. Đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém. Trên tinh thần ấy, các cơ quan chức năng ở các địa phương trên cần cả nước cần có chương trình phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tôi muốn nhắc lại, cùng những việc trên, câu nói của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu. Chúng ta phải tự đổi mới, tự cải cách, tự phát triển trong xu thế, trong môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang đặt ra, là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển ở Việt Nam.

Với tinh thần đó, tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các vị đã dành thời gian đến dự cuộc họp quan trọng này. Chúng ta chúc cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Xin cảm ơn!"

Theo Thông tin Chính phủ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm