Nhà báo Dương Thanh Xuân suýt mất mạng khi "Cứu dân trong bão lũ"

14/09/2010 16:52 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thanh Xuân được đồng nghiệp cầm máy đặt cho biệt danh là “Xuân tàng hình”. Anh “tàng hình” bởi vì gần như sự kiện quan trọng nào đang diễn ra trên đất Việt cũng thấy anh có mặt, rồi lại biến mất để theo đuổi một sự kiện khác.

Dương Thanh Xuân đoạt giải Nhất của Cuộc thi ảnh báo chí Khoảnh khắc vàng lần này với nhóm ảnh phóng sự Cứu dân trong bão lũ là một kết quả có thể dự đoán trước. Bởi khi cơn bão số 11 vào cuối năm 2009 đổ bộ vào Phú Yên, nhiều người ở trong vùng bão đang lo gìn giữ mái ấm của mình, thì Dương Thanh Xuân đã “tàng hình” đến vùng tâm bão ghi lại hình ảnh bộ đội cứu dân. Giải Nhất Khoảnh khắc vàng lần 3 trao cho “Xuân tàng hình” là một ghi nhận xứng đáng, anh đã chia sẻ với TT&VH trước khi bay ra Hà Nội nhận giải.


Dương Thanh Xuân, sinh năm 1959, hiện đang công tác tại báo Phú Yên.
* Được biết, nhóm ảnh Cứu dân trong bão lũ được anh thực hiện trong cơn thiên tai tại Phú Yên năm 2009. Anh đã đi cùng bộ đội để ghi nhận những “khoảnh khắc vàng” này. Nhiều đồng nghiệp đánh giá hành động đó của anh là dũng cảm và dấn thân. Anh có thấy nhận định như thế là đúng với mình?

- Bảo rằng dũng cảm, hay dấn thân hay gì gì nữa cũng đúng nhưng nghe to tát quá. Song để có bộ ảnh này không dễ dàng chút nào. Tôi đi cùng bộ đội, họ ướt mèm, tôi cũng ướt như... chuột! Có một chi tiết mà “bây giờ mới dám kể”, ấy là lúc ca nô ra gần bờ sông Kỳ Lộ - con sông đang dâng nước chảy xiết, cuồng nộ - thì chết máy. Ca nô cứ trôi tự do ra giữa sông, nước lũ chảy cuồn cuộn. Xung quanh đồ vật, nhà cửa, gia súc trôi lềnh bềnh. Ai cũng hoảng. Gọi điện thoại thì mất sóng vì trụ phát tín hiệu bị đổ và lưới điện quốc gia đã tê liệt từ hôm trước. May mắn, một chiến sĩ níu được một cành tre và bám ở đó cho tới khi có chiếc ca nô khác tới... cứu. Nói xui xẻo, nếu hôm ấy mà có mệnh hệ gì thì...


Một cháu bé nhà bị sập, đồ đạc bị cuốn trôi được các chiến sĩ đưa lên ca nô

Nước ngập quá khung cửa, không thể ra ngoài, nhiều người leo lên xà nhà tránh lũ

Trẻ em được chuyển qua các mái nhà trơn ướt, đưa xuống ca nô đến nơi an toàn
* Được giải Nhất (không có Giải thưởng Lớn) ở mảng nhóm ảnh Khoảnh khắc vàng lần này, theo anh ghi nhận của Hội đồng giám khảo có đánh giá thỏa đáng công sức của anh đã bỏ ra?

- Lâu nay dư luận phê phán những lối mòn trong nhiếp ảnh, phê phán những cách dàn dựng thô thiển, thiếu “hơi thở cuộc sống” trong tác phẩm. Nhưng để có những tác phẩm được mọi người công nhận hiện nay không phải dễ. Ở trên hình chữ S này, quanh năm hai đầu đất nước hết lũ quét đến nước nổi, khúc giữa miền Trung thì triền miên bão lụt. Người làm báo năm nào cũng chụp ảnh thiên tai riết rồi nhờn. Để chụp được một bộ ảnh lũ lụt xúc động lòng người khó lắm. Có mặt ở ngay nơi đang diễn ra lũ lụt, bắt đúng được khoảnh khắc hiếm hoi con người đối mặt với thiên tai, với sự sống chết... mới thấy trách nhiệm người làm báo lớn lắm.

Về bộ ảnh này, mình thực hiện trong điều kiện khó khăn, gian khổ, Ban giám khảo thấy được cái khổ của mình mà đánh giá như vậy thì sướng quá rồi.


* Từng đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài nước, giải Nhất Khoảnh khắc vàng lần này có ý nghĩa gì với sự nghiệp cầm máy của anh?

- Hai năm trước mình được giải Đặc biệt của báo Tuổi Trẻ trong cuộc thi ảnh 100 điểm đến thú vị thấy đã sướng lắm. Giữa năm nay đạt giải C giải Báo chí Quốc gia thể loại ảnh báo chí càng sướng hơn. Bây giờ được Ban giám khảo một giải báo chí chuyên nghiệp của TTXVN tặng giải Nhất thì rõ ràng con đường làm báo ảnh của mình đang trên đà... hanh thông! (Cười). Có điều, phóng viên ảnh ở Việt Nam còn nhiều “nỗi niềm” cần được tháo gỡ chẳng hạn như thu nhập còn “thua em kém chị” trong các thể loại báo chí khác, vai vế chẳng ra sao trong tòa soạn và cả trong Hội Nhà báo v.v... Điều đó cũng khiến cho mình một thoáng so đo!


Các chiến sĩ dùng mái chèo giỡ tung mái ngói để đưa người ra ngoài

Nước ngập, người dân bị mắc kẹt trong nhà, thọc tay qua mái ngói kêu cứu
* Anh từng là chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng trước khi đi làm báo và làm nhiếp ảnh. Điều gì khiến anh không còn “mê vàng 9999” nữa mà chuyển sang mê những “khoảnh khắc vàng” trước ống kính máy hình?

- Mình mê cả vàng “bốn số chín” lẫn những “khoảnh khắc vàng”. Hồi trước mình bán vàng “bốn số chín” để mua máy ảnh, mua phim, mua giấy về... phá sạch. Phá chán rồi, mình cũng hết luôn vàng “bốn số chín” nhưng bù lại mình có nhiều... “kinh nghiệm vàng”. Bà xã mình không phàn nàn gì hết, mình vui thì vợ cũng hạnh phúc như mình. Mấy giải thưởng gần đây cộng với làm ảnh dịch vụ chất lượng cao cũng “phục hồi” được một ít “vàng bốn số chín” cho bà xã, nên hai vợ chồng chưa có... xích mích.


Sau một ngày một đêm trong mưa bão, trú tránh trên các căn gác chật hẹp,
nét hoảng sợ còn hiện rõ trên những đôi mắt tuổi thơ. Nhiều em bị đói

Các cháu được chuyển đến Trường tiểu học xã An Định là ngôi trường
có hai tầng nhưng trọn tầng dưới đã chìm trong nước lũ

An toàn cho người già và trẻ em là chiến công của các chiến sĩ trong
cuộc chiến thầm lặng nhưng không kém phần gian nan và nguy hiểm này.
* Cảm ơn anh!

Trần Hoàng Nhân (thực hiện)

Tự thuật về "một cuộc chiến đấu"


Cụ bà 84 tuổi vừa run vì lạnh và sợ,
vừa mừng vì được cứu thoát.

Giữa đêm 2/11/2009 sau cơn bão số 11, mưa rất lớn ở thượng nguồn đã làm cho nước sông Kỳ Lộ dâng cao đột ngột. Những làng mạc ở ven sông này thuộc hai huyện Đồng Xuân và Tuy An (tỉnh Phú Yên) bị chìm sâu trong lũ dữ. Trận lũ lịch sử này đã làm cho 73 người dân ở Phú Yên thiệt mạng, tổn thất tài sản lên đến gần 2.500 tỷ đồng. Trong đêm tối, không có phương tiện để thoát, nhiều người đành cố thủ trên nóc nhà chờ đến sáng hôm sau.

Sáng 3/11 tôi đi theo chiếc ca nô của lực lượng cứu hộ thuộc BCHQS tỉnh Phú Yên về Vùng 2, thôn Định Trung, xã An Định, huyện Tuy An. Các chiến sĩ có nhiệm vụ len lỏi qua các lùm tre gai dày đặc để tiếp cận các nhà dân đang chìm trong nước, chuyển bà con lên các điểm cao hơn để tránh lũ. Mưa vẫn cứ nặng hạt và gió vẫn thổi mạnh. Ca nô không thể nổ máy vì lá cây và dây điện quấn vào chân vịt, các chiến sĩ phải dùng tay chèo.

Buổi sáng hôm ấy chúng tôi đưa được gần 50 người già và trẻ em lên những điểm cao để tránh lũ. Đây là cuộc chiến đấu để giành lại mạng sống của người dân trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Các chiến sĩ mệt phờ vì người ướt sũng nước, vì gió lạnh và bụng đói nhưng ai nấy đều tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ cứu dân trong cơn hoạn nạn.

Dương Thanh Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm