29/03/2022 08:04 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ nữ vốn không phải lần đầu tại Việt Nam nhưng lùm xùm ở trường hợp của Mỹ Anh mới đây đã bị đẩy lên cao, xuất phát từ cách làm chưa chuyên nghiệp.
V-League, giải đấu dành cho các cầu thủ nam thì có Quy chế bóng đá chuyên nghiệp để điều chỉnh hành vi, tìm ra cách ứng xử phù hợp mỗi khi nảy sinh tranh chấp, bất đồng không thể hóa giải.
Thế nhưng, bóng đá nữ lại chưa được chuyên nghiệp nên khi có tranh chấp xảy ra như trường hợp của TP.HCM và Thái Nguyên T&T với trường hợp nữ cầu thủ Mỹ Anh hiện giờ thì các bên liên quan không biết dựa vào luật nào, quy định gì để giải quyết.
Không bên nào chịu nhường bên nào, ai cũng có lý của mình và cho rằng điều đó là đúng. Vậy thì rất cần và chờ đợi tiếng nói có trọng lượng và mang tính quyết định của cơ quan quản lý đó là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Trở lại của câu chuyện của Mỹ Anh và người đồng đội Hoài Lương, nếu bản thân Mỹ Anh không phải là thành viên trong đội hình đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành quyền tham dự World Cup 2023 thì có lẽ câu chuyện không trở nên xôn xao và ầm ĩ đến thế trong suốt những ngày qua.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, bất cứ tranh chấp nào xảy ra cũng đều có lý do và không phải không có cách giải quyết. Điều quan trọng là tất cả các bên liên quan phải chấp nhận một cách hành xử chuyên nghiệp và đúng đắn, điều cần thiết ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp chứ không thể mang “chữ tình” để bàn chuyện hợp đồng.
Với các cầu thủ nam mức lót tay 500 triệu đồng cho 2 năm hợp đồng và lương 20 triệu đồng/tháng là tương đối khiêm tốn nhưng đặt trong trường hợp cầu thủ nữ như Mỹ Anh thì cũng có thể coi là một kỷ lục.
Con số đó cũng có thể coi là một sự ghi nhận, đánh giá đúng khả năng và cơ hội phát triển của những cầu thủ nữ và nói như Mỹ Anh, cô đã quyết định đi tìm thử thách mới cho sự nghiệp. Đây là lựa chọn hoàn toàn xứng đáng.
Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định, hợp đồng của đội nữ TP.HCM với Mỹ Anh và Hoài Lương hết hạn cuối năm 2021 là chính xác. Việc dùng tiền ngân sách để đào tạo cầu thủ như Mỹ Anh, Hoài Lương mà lãnh đạo Sở VH,TT TP.HCM nêu quan điểm là thực tế nhưng cũng không thể vì thế mà giữ chân cầu thủ, không cho chuyển nhượng dù đã kết thúc hợp đồng lại là chuyện hoàn toàn khác.
Chính lãnh đạo Sở VH,TT TP.HCM cũng phải thừa nhận hợp đồng lỏng lẻo và chắc chắn sau tranh chấp hợp đồng lần này, họ phải rút kinh nghiệm và làm lại hợp đồng cho những cầu thủ còn ở lại và có những ràng buộc với đội bóng.
Nhưng có nên chăng việc từ chối chuyển nhượng Mỹ Anh, Hoài Lương, chậm đưa giấy thanh lý hợp đồng và đòi hỏi Thái Nguyên T&T làm việc trực tiếp. Đơn giản vì điều đó không đúng với cách làm chuyên nghiệp, không chỉ với bóng đá nữ mà cả môi trường bóng đá chuyên nghiệp nói chung.
Cũng không thể trách hay chất vấn HLV Mai Đức Chung lý do tại sao không triệu tập Mỹ Anh lên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vì đó là quyền quyết định của HLV trưởng. Câu trả lời vì lý do phong độ ở thời điểm này không đảm bảo và cánh cửa đội tuyển quốc gia luôn rộng mở với bất cứ cầu thủ nào của ông Chung ở trường hợp này cũng không sai.
Chuyên nghiệp cho bóng đá nữ, đó là điều cần thiết không phải từ bây giờ mới nói đến nhưng suốt thời gian qua, dường như câu chuyện này đã bị lãng quên.
Chỉ đến khi nảy sinh tranh chấp hợp đồng giữa TP.HCM và Thái Nguyên T&T ở trường hợp Mỹ Anh, vấn đề này mới được nhắc đến và bàn tán nhiều trên truyền thông.
Hơn lúc nào hết, đây là lúc cần có phán quyết từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, không để tranh cãi kéo dài, vì quyền lợi cầu thủ và đưa ra phương án xử lý đúng đắn nhất, là cơ sở cho những trường hợp tranh cãi về sau.
Lâm Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất