Câu hỏi khó khi vẽ truyện Kiều: bối cảnh Việt Nam hay Trung Quốc?

07/10/2016 11:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dù mới phát hành, nhưng bộ lịch Truyện Kiều đã thu hút dư luận xa gần, không chỉ vì tính chất “lần đầu tiên” của nó, mà còn vì quan niệm khác nhau về cách vẽ nhân vật, bối cảnh, trang phục. Họa sĩ Nguyễn Hữu Hiếu là người chịu trách nhiệm chính về mỹ thuật của bộ lịch này đã chia sẻ những suy nghĩ của mình với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

“Khác với văn xuôi, thơ ca mang tính khái quát cao hơn nhiều, nên để minh họa Truyện Kiều, tôi nghĩ phong cách ước lệ và tượng trưng có lẽ là thích hợp nhất. Cảm giác giản dị và gần gũi, theo tôi phải được chú ý, để có thể đến được với đại đa số quần chúng.

Và tôi xin nhấn mạnh, rất khác với việc minh họa cho một quyển thơ, để đáp ứng với công năng của một cuốn lịch, tính trang trí được đẩy lên cao về cả màu sắc, bố cục... để đạt được hiệu ứng thẩm mỹ, thị giác nhất định” - Nguyễn Hữu Hiếu nói.

* Được biết anh mất khoảng 20 tháng (600 ngày) để làm xong 365 bức tranh cho bộ lịch Truyện Kiều, khoảng 2 ngày 1 bức là khá nhanh, anh đã làm điều này như thế nào?

- Việc thể hiện 365 tranh minh họa là khối lượng công việc rất lớn, nên thời gian 20 tháng không phải là nhiều. Đối với tôi, việc thẩm thấu được ý nghĩa sâu xa của từng câu Truyện Kiều quan trọng và chiếm nhiều thời gian hơn so với việc vẽ tranh.


Họa sĩ Nguyễn Hữu Hiếu

Nếu phải vẽ tranh theo kiểu truyền thống, nghĩa là vẽ và tô màu trực tiếp trên giấy, thì với thời gian và khối lượng như trên thì xem như không thể, nên việc chọn thể loại tranh kỹ thuật số là một lựa chọn theo tôi là thích hợp nhất cho công trình này.

Ở thể loại này, họa sĩ vẫn vẽ tay, nhưng có sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử chuyên dùng nên phần xây dựng nhân vật, bối cảnh, chỉnh sửa hình vẽ, xử lý màu sắc, xuất bản in ấn... trở nên linh hoạt hơn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

* Để chọn ra 365 hình tương ứng với 365 ngày là khó hay dễ với anh?

- Nan đề đầu tiên và rốt ráo chính là hình ảnh nhân vật sẽ được xây dựng như thế nào, họ sẽ được hình dung là người Việt Nam hay là người Trung Quốc? Việc này đòi hỏi chúng ta phải có thái độ thực sự bình tâm, khoan dung và rộng lượng nhất có thể.

Riêng tôi, chỉ có thể nói rằng cái làm nên giá trị cốt lõi của Truyện Kiều - Nguyễn Du chính là đã vượt ra khỏi giá trị nguyên bản, tạo nên một giá trị khác, thấm đẫm hồn cốt Việt, giá trị Việt. Nguyễn Du trở thành thi hào vì đã làm được điều kỳ diệu này.


Một tờ trong bộ lịch “Truyện Kiều” vừa phát hành

Cho nên tôi phải kết luận nan đề này bằng một trong hai giải pháp: 1) Nếu tôi được phép minh họa bản Truyện Kiều của Nguyễn Du thì tôi sẽ thể hiện nhân vật cùng bối cảnh là của Việt Nam. 2) Còn nếu tôi được phép minh họa bản Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, tôi sẽ thể hiện nhân vật cùng bối cảnh là của Trung Quốc.

Nếu chúng ta theo một trong hai giải pháp này, thì mọi chi tiết khác như bối cảnh, trang phục, vật dụng, nhà cửa… chỉ còn là vấn đề thủ tục mà thôi.

* Nếu được làm thỏa thích với Truyện Kiều, anh sẽ vẽ những gì nữa?

- Một điều thật thú vị, nếu chúng ta ví Truyện Kiều như là một kho báu, thì tôi sẽ khai thác kho báu theo cách của mình, các bạn sẽ có cách của các bạn. Thậm chí mỗi con dân nước Việt cũng sẽ khai khác theo cách riêng của họ, nhưng lạ thay, kho báu ấy chẳng những không bị vơi đi, mà lại mỗi ngày một giàu có, đầy đặn thêm...

Cũng xin nói thêm, cho dù chúng tôi đã hết sức cố gắng, nhưng với tầm vóc công trình này, chắc chắn không thể tránh khỏi sai sót, mong quý vị rộng lòng lượng thứ vậy.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Một số hình ảnh bộ lịch "Truyện Kiều":


Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm