Câu chuyện di sản - du lịch: Trong lòng di sản động Phong Nha - Kẻ Bàng

31/05/2014 13:36 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2003, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Du lịch khám phá hang động trở thành thế mạnh của tỉnh Quảng Bình mà không phải nơi nào cũng có được.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng không thể phủ nhận, một câu hỏi lớn đặt ra cho những người làm du lịch Quảng Bình: trải qua 11 năm được vinh danh, du lịch hang động Phong Nha đã thực sự phát triển đúng với tiềm năng của nó?

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Ngoài sự đa dạng về hệ thống sinh học, khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng còn có một quần thể hơn 300 hang động lớn nhỏ phong phú, kỳ vỹ được mệnh danh là “Vương quốc hang động”. Đặc biệt, hệ thống động Phong Nha được xem là nơi tiềm ẩn nhiều điều kỳ lạ hấp dẫn, là thiên đường tham quan đối với khách du lịch.

So với 3 vườn quốc gia khác ở khu vực Châu Á đã được UNESCO công nhận là Vườn quốc gia Gunung Mulu ở Malaysia, Vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa ở Palawan của Philippine và Vườn quốc gia Lorentz của Indonesia thì Phong Nha - Kẻ Bàng của Việt Nam có lịch sử dài hơn, cấu tạo địa chất phức tạp hơn và hệ thống sông ngầm đa dạng hơn. Chính vì vậy, hiện nay vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một trong những điểm đến được yêu thích nhất của khách du lịch trong cũng như ngoài nước.


Du lịch hang động là thế mạnh của Quảng Bình nhưng lại chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Bà Dương Thị Lan (Hà Nội) đến thăm quan hang động đã không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú và hệ thống hang động với những kiến tạo địa chất vô cùng độc đáo: “Đây là lần đầu tiên tôi đến tham quan động Phong Nha, thiên nhiên thật kỳ diệu khi đã tạo ra một hệ thống hang động đẹp như vậy. Có lúc tôi ngỡ như mình đang tới Cao Bằng để chiêm ngưỡng hệ thống ruộng bậc thang của đồng bào, có lúc lại  như lạc vào thế giới thần tiên vậy...”

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình, từ đầu năm 2014 đến ngày 30/5, Quảng Bình đã đón được gần 1,5 triệu lượt khách, cao hơn cả năm 2013 cộng lại. Cao điểm nhất là dịp nghĩ lễ 30/4 và 1/5, số lượng khách du lịch đến tham quan đạt khoảng 54 nghìn lượt người, tăng 250% so với dịp nghỉ lễ năm trước, trong đó khách quốc tế khoảng 10 nghìn lượt. Đây là một con số chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của nền du lịch, đặc biệt là du lịch hang động tại Quảng Bình. Tuy nhiên, một thực tế cần ghi nhận, số lượng khách trong nước và quốc tế tới tham quan nhiều nhưng hệ thống cơ sở vật chất, các điểm lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí.... vẫn còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

Cũng vào dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, đoạn đường 20 Quyết Thắng qua Hang Tám Cô và Động Thiên Đường bị tắc cục bộ, bởi lượng khách tăng đột biến. Khu du lịch này chỉ có vỏn vẹn 18 cơ sở lưu trú đạt chuẩn chất lượng phục vụ khách, 1 khách sạn đạt chuẩn 2 sao. Số nhà hàng phục vụ khách ăn cơm trưa đếm trên đầu ngón tay khi chỉ phục vụ được 500 – 600 khách, số khách còn lại buộc phải về Đồng Hới hoặc các vùng lân cận.


Số lượng khách tới tham quan tăng đột biến nhất là sau khi động Tiên Sơn được đầu tư nâng cấp

30% khách du lịch đến khám phá hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng không lưu trú mà chạy thẳng vào Huế, Đà Nẵng hoặc ra Nghệ An. Haruki Furi là du khách đến từ Nhật cho biết: “Người dân ở đây thật gần gũi và mến khách, khung cảnh tuyệt vời. Ban đầu chúng tôi có ý định ở lại một đêm nhưng tìm một khách sạn ưng ý và điểm vui chơi thật khó, vì vậy chúng tôi thay đổi kế hoạch đi thẳng vào Huế”.

Ngược dòng thời gian cách đây gần 11 năm, khi Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới, có ít nhất 7 đơn vị vào đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ với tổng diện tích đất được giao 66,5ha. Tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Một mảnh đất vốn được xem là màu mỡ cho hoạt động du lịch nhưng không hiểu vì lí do gì hiện tại, chỉ một mình khách sạn Sài Gòn - Quảng Bình hoạt động với một diện tích hẹp, phần đất còn lại tuy được đăng ký nhưng bị các đơn vị bỏ không.

Giải bài toán khó cho ngành du lịch hang động

Trong thời gian qua, Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch như nâng cấp các hạng mục cơ sở hạ tầng, sửa chữa hệ thống cầu, đường và nhà hàng tại Suối Nước Moọc, khai trương nhà hàng Sơn Đoòng để phục vụ du khách thăm quan…  Đặc biệt, Trung tâm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch trên địa bàn, trong đó tập trung phát triển các loại hình dịch vụ tại Suối Nước Moọc, Sông Chày - Hang Tối, Trung tâm đón khách, Nhà chờ động Phong Nha.

Ông Lê Thanh Lợi, Giám đốc Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: “Đầu năm 2013, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để “đổi mới toàn diện” động Tiên Sơn, bao gồm các hạng mục: lắp đặt hệ thống sàn đạo, mái che sinh thái đường lên động Tiên Sơn...”.

Mặc dù vậy, cho đến giờ, rõ ràng hệ thống cơ sở hạ tầng tại vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình cho biết: “Để có được hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng hiện đại, đồng bộ phục vụ du lịch, tỉnh đang nỗ lực kêu gọi đầu tư, tạo ra những khu vực đầu tư thông thoáng, có chính sách ưu đãi... Theo tôi được biết, đang có một tập đoàn lớn đã tiến hành khảo sát, có cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các địa chỉ du lịch của địa phương, trong đó điểm nhấn là các hang động và những điểm du lịch khác”.

Phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình nói chung và du lịch hang động Phong Nha- Kẻ Bàng là một bài toán khó, muốn giải đúng đòi hỏi phải có thời gian và lựa chọn một phương pháp giải tối ưu nhất. Hy vọng rằng trong một ngày không xa, du lịch hang động Quảng Bình sẽ có sự hỗ trợ của một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Chắc chắn khi đó nền du lịch hang động sẽ cất cánh bay xa đúng với tiềm năng của nó.

Đón đọc bài tiếp theo: Sơn Trà mây nhuộm nắng vàng...

Ngô Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm