05/03/2015 22:08 GMT+7 | Bóng đá Italy
(Thethaovanhoa.vn) - "Quên được Cassano ư? Không bao giờ. Ngày xưa, khi còn bé tí, nó vẫn hay chạy ra phía nhà thờ lớn Bari, ngay trước cửa hàng của tôi", Francesco nói, tay chỉ những bậc thang đá của nhà thờ Bari phía trước mặt.
Ông thở dài: "Cassano là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử bóng đá ở thành phố này. Chúng tôi tự hào vì đã có anh, nhưng cũng cảm thấy buồn và tiếc cho anh".
Người chủ cửa hàng bán thịt nguội ở quảng trường nhà thờ lớn Bari ấy là một người hâm mộ bóng đá hết sức đặc biệt. Nhưng tình cảm mà ông dành cho Cassano, đứa con mà khu phố cổ trung tâm của Bari, Barivecchia, đã sản sinh ra, có thể khiến những người từ phương xa đến xúc động khi nghe câu chuyện mà ông kể về đội Bari của những năm cuối thập niên 1990, về HLV Eugenio Fascetti, người thầy đầu tiên và có ảnh hưởng lớn nhất trong đời của thần đồng ngỗ nghịch ấy.
Ngừng một lúc, mắt hướng đến khoảng sân quảng trường, ông nói với tôi: "World Cup mới rồi ở Brazil, cả khu Barivecchia này ủng hộ nó. Nhưng Cassano vẫn chỉ là một cậu bé. Sau EURO 2012, nó không còn là nó nữa. Cassano giống như một ngọn nến trước gió. Lúc sáng bừng lên một chút khi có gió, lúc leo lét và tắt chỉ vì nó chỉ sáng đến mức đó thôi".
Cassano - "ngọn nến trước gió"?
"Sáng đến mức đó thôi" là một cụm từ nghe có vẻ đau đớn, nhưng thực tế, và không chỉ Francesco nói như thế về Cassano. Ông già Roberto, một người bán đồ lưu niệm ở gần nhà thờ San Nicola, lắc đầu đầy tiếc nuối khi nói về anh: "Tôi vẫn nghĩ rằng, thằng bé (ông dùng từ "ragazzino" - thằng bé) là một tài năng lớn, có lẽ là lớn nhất mà bóng đá Italy đã sản sinh ra trong vòng 15 đến 20 năm qua. Nhưng nó vẫn chỉ là một thằng bé. Nó không thể lớn được. Và sau này, nó đã hóa thân mình vào Balotelli".
Balotelli là một cái tên được nhắc đến nhiều ở Bari này vào năm 2012, khi anh và Cassano trở thành bộ đôi tấn công của đội tuyển Thiên thanh ở giải EURO năm ấy. Họ, những "thằng bé ngỗ nghịch" của calcio là đề tài bàn tán trong các quán bar, các văn phòng, trên hè phố và cả phòng ngủ của các gia đình. "Chúng tôi nói đến họ nhiều hơn cả ái ân", Antonio, một người bán bar ở khu Barivecchia cười phá lên khi nhớ lại về mùa hè năm ấy. "Ở khu phố này, chúng tôi bảo nhau rằng, bọn trai hư Cassano-Balotelli đang tàn phá các mành lưới đối phương sau khi làm loạn chính đội mình".
Ở khu Barivecchia này, Cassano đã được sinh ra vào thời điểm mà đội tuyển Italy đăng quang trên đất Tây Ban Nha năm 1982. Khi BLV Nando Martellini hét vang ba lần "Italia, campione del mondo" ba lần, tượng trưng cho ba chức vô địch thế giới của những người Thiên thanh, thì cậu bé Antonio Cassano cũng khóc những tiếng đầu tiên để chào cuộc đời.
Không ai ở đây có thể hình dung được rằng, một ngày nào đó, chính cậu, con của một ông bố nghiện rượu và bỏ gia đình đi từ khi cậu còn bé, với một phụ nữ là lao công bình thường, lại có thể lớn lên trên những con phố của Barivecchia một cách lành lặn giữa đám thanh niên choai choai đầy ngỗ ngược và lưu manh, và một ngày, khoác lên mình chiếc áo xanh của đội tuyển quốc gia.
Mẹ của Cassano là một cái tên không xa lạ gì với cảnh sát thành phố, khi có lần bà đã bị triệu tập để trả lời những câu hỏi liên quan đến dăm ba gói ma túy được tìm thấy trong nhà bà. Bản thân cậu bé, ngoài những giờ tập bóng cho đội thiếu niên Casarano và đến trường, nơi cậu học rất kém, đã từng có một thời gian ngắn kiếm sống bằng nghề phục vụ bàn ở một quán ăn của khu Barivecchia.
Đấy là một nơi đẹp đẽ, thơ mộng, nhưng có những khu phố nhớp nhúa, với một cuộc sống trong bóng tối, những lời đe dọa của các băng đảng thuộc hệ thống Santa Corona Unita (mafia xứ Puglia), những cô gái đứng đường, những tên buôn lậu ma túy (bản thân anh họ của Cassano cũng đã bị bắt vì dính líu đến một băng mafia).
"Tài năng trẻ" Cassano trong những ngày còn ở Bari
Thế rồi Eugenio Fascetti đã đến với cậu và làm thay đổi cuộc đời cậu, đưa Cassano đến đội trẻ Bari sau hai lần cậu thử việc ở Inter và Parma không thành công. Antonio bảo, ở Bari này, người ta tin rằng, nếu như không có ông HLV to béo và trông bề ngoài không khác gì một giáo sư toán, có lẽ Cassano sẽ trở thành một kẻ xã hội đen.
Fascetti đôn Cassano lên đội lớn, dạy cậu những kinh nghiệm sống mà một thanh niên mới lớn cần phải biết và nghiêm khắc chỉ bảo cậu những điều cậu không được làm. Đến bây giờ, nhiều người ở Bari vẫn nhớ câu chuyện về việc Fascetti không cho Cassano hút thuốc khi cậu mới 15 tuổi và nghiêm cấm cậu chạy xe máy (không đội mũ bảo hiểm) mỗi lần đến sân tập, khi cậu tròn 17 tuổi.
Chính ở tuổi ấy, trong một trận đấu vào cuối năm 1999, sân San Nicola đã nổ tung vì bàn thắng tuyệt đẹp của Cassano trong trận thắng Inter 2-1, sau một cú chạy nước rút từ giữa sân, vượt qua Panucci, Blanc và sút tung lưới của thủ môn Ferron. Một ngôi sao lớn của calcio đã ra đời từ lúc ấy, và ánh sáng của truyền thông bắt đầu soi rọi mảnh đất phương Nam từ lâu đã bị lãng quên này.
Những bức tường ở khu Barivecchia viết tên anh. Người ta bàn tán không dứt về anh trong những quán bar. Báo chí khai thác mọi khía cạnh liên quan đến cái tên Antonio Cassano, lúc ấy có mệnh danh "el pibe de Bari" ("Cậu bé Bari", nhại theo biệt danh "el pibe d'oro", tức "Cậu bé vàng", để chỉ Maradona). Cậu bé 17 tuổi bị bủa vây trong một niềm hâm mộ và tò mò lớn lao của tất cả.
Francesco bảo: "Lúc Cassano tỏa sáng cũng là lúc chúng tôi tin là sẽ mất thằng bé. Bóng đá phương Nam là nơi ươm mầm cho những tài năng và chỉ đợi đến một lúc nào đó, một đội bóng lớn sẽ rước họ đi. Ở đây, chẳng ai ngạc nhiên khi Cassano đến Roma". Vậy, người ta có ngạc nhiên khi anh đến Real Madrid? "Thằng bé xứng đáng với những đội bóng lớn như thế", Roberto nói, "Đấy là sân khấu của đời nó. Tiếc thay, nó chưa bao giờ tự coi mình là một diễn viên chính".
Tháng 1/2006, khi Cassano sang Real, báo chí Italy đã làm một chiến dịch thông tin rầm rộ chưa từng có đối với một ngôi sao của họ: thực hiện các chương trình truyền hình trực tiếp liên tục từ Madrid và Bari, các phóng viên bủa vây lấy mẹ anh, các tay bút ùa vào khu Barivecchia phỏng vấn từ trẻ con trở đi, những đồng đội cũ của anh được hỏi han tỉ mỉ từng tí một, và HLV Fascetti, người rất ghét báo chí, cũng không được buông tha.
Nhưng những năm tháng của anh ở Madrid là một thảm họa. Cassano vẫn chỉ là một đứa trẻ thích được nuông chiều, không chịu được kỉ luật và sự cô đơn trong một dàn sao đã khiến anh chết chìm trong cái tôi quá lớn của mình. Có lần, khi nhắc đến Real, anh bảo: "Ở đấy, hình như người ta không thích tôi". Nhưng ở Bari này, ít người nghĩ như thế. Antonio: "Cậu ấy không hợp với những nơi như thế. Cậu ấy là một người thích vui vẻ, đùa cợt và không có được một nền giáo dục tương xứng để sống trong một môi trường như thế".
Cassano mang nhiều duyên nợ với Sampdoria
Những người Bari vẫn dõi theo Cassano trong những năm tháng ấy, khi anh rời Real Madrid, trở về và thăng hoa cùng Sampdoria, đội bóng mà trên thực tế anh mắc nợ rất nhiều, khi họ dang tay ra đón anh về, cứu vãn anh khỏi một sự nghiệp đứt gánh giữa chừng, khi anh mới chỉ 24 tuổi. Nhưng rồi, một cuộc cãi lộn và những lời sỉ nhục anh dành cho chủ tịch quá cố Garrone đã khiến "mối tình" của anh với Sampdoria đứt gãy mãi mãi.
Những năm tháng sau đó của anh ở Milan và Inter chỉ là những chút lóe sáng ít ỏi còn lại của một cầu thủ tài năng lớn, nhưng không thắng nổi cá tính của mình. Mùa bóng 2013/14 của anh ở Parma là một sự hồi sinh lớn lao, khi người ta tưởng rằng, anh đã tìm lại được mình, đã trở nên chín chắn hơn và sự trở lại của anh ở đội tuyển Thiên thanh cho World Cup 2014 là một sự tưởng thưởng xứng đáng cho sự hồi sinh ấy.
Nhưng anh, cũng như đội tuyển Italy, chết chìm trong mùa Đông Brazil và mùa bóng mới của anh ở Parma chỉ diễn ra được một nửa, khi Parma rơi vào vòng xoáy của phá sản. Cassano là người đầu tiên rời khỏi con tàu đắm để trở thành một cầu thủ tự do.
Anh đã muốn trở lại Bari, nhưng đội bóng cũ, hiện đang chơi ở giải hạng 3, không thể đáp ứng nổi những yêu cầu về mặt lương bổng của anh. "Chúng tôi đã rất mong đợi Cassano trở lại. Cũng từ lâu rồi, anh ấy không trở lại Bari", Antonio nói. "Kết thúc sự nghiệp ở đội bóng đã đưa anh ấy lên đỉnh cao là điều mà nhiều người ở Bari muốn. Điều ấy đã không xảy ra".
Thế là bây giờ, ở tuổi 33, Cassano đang thất nghiệp. Không ai, và có lẽ chính anh, cũng không biết được sự nghiệp của anh đã chính thức kết thúc chưa, và nếu chưa, sẽ kết thúc thế nào, ở đâu và khi nào. Mới rồi, trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi sau khi rời Parma, anh bảo anh đã 4 lần từ chối Juventus. "Đội bóng ấy chưa bao giờ khiến tôi quan tâm", anh khẳng định (còn Juventus thì cũng khẳng định, họ chưa bao giờ muốn mua Cassano - lời của trùm Luciano Moggi).
Nhưng không ít người ở khu Barivecchia lại bảo rằng, nếu anh đến Juve, có lẽ đời anh sẽ khác, rằng đội bóng ấy sẽ giúp anh trưởng thành và trở thành một ngôi sao lớn của bóng đá Italy. Điều ấy cũng không xảy ra và có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Không trở thành một ngôi sao thực sự xứng tầm với tài năng của anh là một sự nuối tiếc lớn lao của nhiều người Bari, nhưng xét cho cùng, như ông già Francesco khẳng định, phải lêu lổng, nghịch ngợm, lấc cấc và thậm chí mất dạy mới là Cassano ("Điều đó cũng tương tự như với bản sao của Cassano. Đấy là Balotelli", ông nói thêm).
Thế còn câu chuyện về việc Cassano tuyên bố, anh đã lên giường với 800 cô gái trong cuốn tự truyện của mình? Antonio cười lớn: "800 phụ nữ đã lên giường với cậu ta ư? Ở Bari này, chẳng ai tin điều ấy. Có ai ở Bari là không biết nói khoác?".
Tương lai nào cho anh?
Điều duy nhất Cassano không thể nói khoác được chính là về sự nghiệp và tương lai của mình. Điều duy nhất mà những người Barivecchia khẳng định là sự tiếc nuối của họ về anh. Cũng chẳng ai ngạc nhiên khi ảnh và tên của anh không được đề cập đến trong một triển lãm về các ngôi sao và huyền thoại của bóng đá Italy đang diễn ra ở trung tâm thành phố Bari.
Đứa con của thành phố, một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của calcio trong gần 20 năm qua, với rất nhiều dấu ấn để lại trên sân cỏ và cả ngoài đời, thậm chí không có lấy một chỗ nhỏ nhoi trong cuộc triển lãm này. Nhưng họ, cũng như bản thân Cassano đủ chín chắn để hiểu rằng, vị trí của anh là ở đâu. Trong tim những người hâm mộ, như Francesco, Roberto và Antonio, những người hàng xóm của anh, những người biết rất rõ và hiểu anh, cũng như nhiều người Bari khác.
Trong những trang báo dày đặc viết về anh và "Cassanate" (những trò lố của Cassano). Trong đời sống của gia đình và các con anh (có lần, anh bảo, "tôi muốn trở thành một tấm gương tích cực cho các con tôi"). Đời vẫn phải trôi, mây vẫn bay, khu Barivecchia vẫn sống cuộc sống bình thường của nó, dù có Cassano hay không.
Còn Eninnaya, cầu thủ trẻ người Nigeria đá cặp với Cassano, cũng là tác giả của một bàn thắng trong chiến thắng 2-1 tháng 12/1999 ấy, bây giờ đang ở đâu? Chẳng ai biết đến điều đó nữa. Giữa cuộc sống vô vàn điều đáng phải lo nghĩ và bon chen, số phận của những người như anh không đáng để quan tâm nữa. Có một bài báo viết về anh trên tạp chí Panorama cách đây 11 năm, rằng sau chiến thắng ấy, anh lay lắt ở Bari một thời gian, bị bán ra nước ngoài, chơi ở những đội bóng hạng dưới, và sau đó, vô tình nhiễm virus HIV...
Trương Anh Ngọc
Từ Bari, Italy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất