Muốn thành công, Arsenal phải học Chelsea

21/02/2017 14:28 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều năm qua, dù đã đạt được sự ổn định, Arsenal vẫn chưa bao giờ được đánh giá là một thế lực ở nước Anh lẫn châu lục. Để làm được điều đó, họ cần phải học hỏi kình địch cùng thành phố Chelsea.

Vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, bóng đá vẫn còn chưa chịu sự tác động của truyền thông và các trang mạng xã hội. Một trong số những người được hưởng lợi từ điều đó là HLV Arsene Wenger.

Chờ đợi gì nếu Wenger ở lại?

Wenger, một mẫu HLV hòa nhã và lịch thiệp, biết rất rõ tầm quan trọng của sự hợp tác với báo giới. Ông dễ dàng chấp nhận những đòi hỏi, bởi chiến lược gia người Pháp không chỉ là mẫu người cầu tiến, ham học hỏi, mà còn luôn dành sự trân trọng cho cánh phóng viên.

Sẽ không khó để hình dung Wenger giống như một ông giáo, luôn lịch thiệp chào hỏi tất cả mọi người. Thật khó bắt lỗi bất cứ hành vi nào của chiến lược gia người Pháp. Không như Sir Alex Ferguson, người có thể biểu lộ sự tức giận qua cái miệng thường trực kẹo cao su, Wenger chưa bao giờ phòng vệ bản thân mỗi khi báo giới muốn chĩa mũi dùi về phía mình.

CẬN CẢNH thủ môn 'béo nhất thế giới' nhai ngấu nghiến chiếc bánh trong trận đấu với Arsenal

CẬN CẢNH thủ môn 'béo nhất thế giới' nhai ngấu nghiến chiếc bánh trong trận đấu với Arsenal

Cộng đồng mạng tỏ ra rất thích thú với hình ảnh thủ thành béo nhất thế giới "ngấu nghiến" chiếc hambuger trong trận gặp Arsenal.

Nhưng không phải lúc nào cách tiếp cận ấy cũng hiệu quả. Sự bình tĩnh của Wenger rất đáng được ghi nhận trong cơn bão chỉ trích hướng về phía ông sau thất bại 1-5 của Arsenal trước Bayern Munich ở lượt đi vòng 1/8 Champions League. Mặt khác, đó là một khoảnh khắc cay đắng để tất cả nhận ra sự thật đằng sau mục đích của Arsenal là gì. Triết lý của Wenger khá tương đồng với một câu châm ngôn nổi tiếng: “I think, therefore I am” (tạm dịch: Tôi tư duy tức là tôi tồn tại).

Nhiều người đã mường tượng ra tương lai u ám dành cho Wenger ở Arsenal. Thực tế, những phát biểu gần đây của chiến lược gia người Pháp lại chỉ ra khả năng ông có thể gia hạn hợp đồng thêm hai năm nữa vào thời điểm tháng Ba hoặc tháng Tư. Chiếc ghế huấn luyện ở sân Emirates có thể sẽ không thuộc về một ai khác ngoài Wenger, bất chấp thất bại tủi hổ ở Champions League, cũng như việc kém Chelsea tới 10 điểm trên bảng xếp hạng Premier League.

Dẫn dắt Arsenal kể từ năm 1996, Wenger biết rất rõ sự đổi thay của thế giới bóng đá, bao gồm sự đi xuống của những tờ báo chính thống và sự nổi lên của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Instagram, yếu tố tác động tới suy nghĩ của nhiều người. Khi Wenger giành 3 chức vô địch Premier League và 4 Cúp FA trong 9 năm đầu tiên ở Arsenal, thử thách duy nhất dành cho ông là Man United.

Muốn thành công, hãy học sự tàn nhẫn của Chelsea

Bây giờ, nước Anh đã có thêm nhiều ứng viên cạnh tranh bao gồm Chelsea, Man City, Tottenham và Liverpool, cùng với đó là nguồn tài chính ngày càng dồi dào. Bất cứ ai cũng có thể thách thức ngai vàng nếu họ sở hữu nguồn lực cần thiết. Hay như trường hợp của Man United, thậm chí đội bóng này có thể cạnh tranh danh hiệu kể cả khi gánh trên mình món nợ khổng lồ.

Wenger bây giờ không còn thoải mái phát biểu như trước. Chiến lược gia người Pháp hiểu rõ vì sao lại có những mong muốn về sự thay đổi ở Arsenal. Ông ta dẫn dắt Arsenal, một đội bóng ưu tú nhưng lại đang đánh mất vị thế cần phải có. Suốt 12 năm qua, kể từ khi chuyển đến sân Emirates, Arsenal mới chỉ giành hai chiếc Cúp FA. Tham vọng của đội chủ sân Emirates đang dần bị hạ thấp, khi thầy trò Wenger hài lòng với một vị trí trong Top 4 mỗi mùa giải, đủ để cho một suất dự Champions League. Đáng buồn thay, Arsenal luôn lập trình rất chính xác để dừng bước ở vòng 1/8 trong những mùa giải gần đây. Wenger biết cách làm hài lòng ông chủ Stan Kroenke khi giúp đội bóng giành vé dự Champions League, nhưng chừng đó có đủ cho một đội bóng nuôi tham vọng như Arsenal?


Những tiếng kêu gào Wenger ra đi ngày càng lớn hơn, chẳng hạn như phát biểu của cựu cầu thủ Arsenal Paul Merson: “Arsenal bây giờ giống như một cỗ máy kiếm tiền dưới trướng Stan Kroenke. Ông ta sở hữu nhiều đội thể thao khác nhau, và Arsenal giờ giống như một thương vụ nhượng quyền”. Áp lực dành cho Wenger và Arsenal ngày càng lớn hơn, khi nhìn sang câu chuyện cổ tích của Leicester mùa trước cũng như những gì Chelsea đang làm mùa này.

Hãy nhìn sang Chelsea để thấy sự khác biệt trong tư duy của Arsenal. Roman Abramovich sẵn sàng đưa ra những quyết định khắc nghiệt với kể cả những HLV danh tiếng. Carlo Ancelotti, bất chấp cú đúp danh hiệu Premier League và Cúp FA ở mùa giải 2009-10, vẫn phải nói lời chia tay. Roberto Di Matteo, chiến lược gia giúp cho Chelsea giành chức vô địch Champions League lần đầu tiên ở mùa giải 2011-12, cũng không miễn nhiễm khỏi trát sa thải sau chuỗi trận tệ hại ở đầu mùa kế tiếp. Abramovich có thể bị chỉ trích khi ông biến Chelsea thành lò xay HLV, nhưng điều này cũng đem đến sự ổn định về kết quả. Chelsea luôn đòi hỏi thành công, trong khi Arsenal chỉ dám thắp lên hy vọng mà thôi.

Thay vì ngồi mơ mộng, Arsenal cần phải học sự cứng rắn của Chelsea để bước lên đỉnh cao.

Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm