World Cup trên từng cây số: Trái bóng, trong cái nhíu mày của Chúa Jesus

09/07/2014 18:53 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Vị linh mục mỉm cười khi tôi hỏi ngài về việc những ngày trước trận đấu của đội tuyển Brazil, số người đi làm lễ và cầu nguyện Chúa phù hộ cho đội bóng của Neymar và Scolari có đông không. “Người Brazil rất sùng đạo”, cha nói, “những chủ nhật và lễ thánh nào cũng rất đông các con chiên đến làm lễ. Nhưng ta e là đợt World Cup này, Chúa cũng phải lắng nghe rất nhiều những lời thỉnh cầu từ fan các đội khác. Ta mong ngài hiểu được tiếng Bồ Đào Nha”…

Dưới áo chùng là chiếc áo vàng-xanh

…Hóa ra, vị linh mục ấy cũng là một người mê bóng đá và là một cổ động viên của đội tuyển Brazil. Tôi gặp cha trong nhà thờ Sao Jose, một trong những nhà thờ đẹp và cổ nhất của Belo Horizonte, trong một buổi mở cửa cho các con chiên vào cầu nguyện. Trong tiếng thánh ca vang lên từ mấy chiếc loa tân tiến gắn vào những hàng cột, nhiều người quỳ xuống những hàng ghế và cầu nguyện, trong đó có vài người mặc áo của đội tuyển Đức. Họ đến đây là để xem trận Brazil-Đức và ngoài những lời cầu nguyện cho riêng họ và gia đình, có lẽ có cả những từ như “chiến thắng”, “vô địch” hay “vinh quang” trong những mái đầu cúi gập trên đôi tay, hướng về đức Chúa bị đóng đinh câu rút ở ban thờ chính. Những hình ảnh tương tự có lẽ đã được thấy ở rất nhiều nhà thờ khác trên đất nước rộng lớn này trong một tháng World Cup. Chúa đã hy sinh để cứu chuộc thế giới, và trong những ngày trái bóng lăn trong nỗi khắc khoải chiến thắng của cả tỉ người hâm mộ, có lẽ Ngài cũng không đến nỗi tiết kiệm những ân sủng của mình cho tình yêu bóng đá của họ ngày càng lớn lên. Nhưng đáp lại khẩn cầu của tất cả thì lại là một chuyện khác.

Ở đâu đó, nhà thờ có thể đang khủng hoảng và các con chiên đến dự lễ thánh ngày càng ít đi, nhưng ở Brazil, nơi hơn người ta vô cùng sùng đạo, thì World Cup này là dịp để người ta chứng kiến sự hòa trộn đầy đam mê giữa đạo và bóng đá. Trong tháng World Cup, nhà thờ Sao Jose và nhiều nhà thờ khác ở Brazil mở thêm các buổi làm lễ bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, từ tiếng Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Arab, cho đến tiếng Đức, để phục vụ cho các con chiên-cổ động viên nói các thứ tiếng ấy đến xem các trận đấu của giải. Sau khi xác định được Đức vào bán kết với Brazil ở Belo Horizonte, nhà thờ Sao Jose đã tăng số buổi cầu nguyện với linh mục nói tiếng Đức để giúp các cổ động viên Đức tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn. “Ta tin rằng họ cũng sẽ cầu nguyện cho đội tuyển Đức giành Cúp vàng, nhưng họ phải hiểu đây là Brazil và Chúa chỉ phù hộ cho đội vàng-xanh”, vị linh mục tủm tỉm cười và nói như thế. Nhưng chắc gì cha đã dám nói thế trong thánh đường, với các cổ động viên đối địch kia? Thế còn Giáo hoàng, người đứng đầu Giáo hội của cả tỉ con chiên, một người Argentina?

Tất cả thừa biết, một người hâm mộ bóng đá như Giáo hoàng Francis I chắc chắn là sung sướng lắm với những chiến thắng của Argentina. Là một người Argentina, đam mê đội bóng San Lorenzo, chẳng nhẽ Đức Thánh Cha không mong muốn đội tuyển của đất nước mình vào chung kết và đoạt Cúp vàng? Nhưng có lẽ, Ngài không bao giờ thể hiện điều đó ra mặt, vì Ngài không thể thiên vị một cách quá đáng như thế. Trong thông điệp gửi Chủ tịch FIFA Blatter trước lễ khai mạc, Francis I đã hứa là sẽ giữ sự “trung lập” của mình trong suốt thời gian diễn ra giải. Nhưng ngài cũng nói thêm, rằng ngài nghĩ “Brazil và Argentina là những ứng cử viên lớn”. Phải chăng, người đại diện của Chúa trên mặt đất đang ám chỉ một trận chung kết Brazil-Argentina? Sau khi ngài được bầu làm Giáo hoàng, Messi đã viết trên trang Twitter của mình, rằng “tôi sẽ dâng tặng Đức Thánh Cha chiến thắng ở World Cup tới”. Ở Argentina, đất nước đang chìm trong khủng hoảng tài chính và không mong gì hơn là đội tuyển sẽ chiến thắng, người ta mặc nhiên coi Giáo hoàng là lãnh tụ tinh thần của toàn đội. Nếu Argentina đoạt Cúp, liệu Giáo hoàng có thể kìm được cảm xúc sung sướng để không viết chữ “Olé” vào trang Twitter của mình hay không?

Sức mạnh tinh thần tiếp sức cho những đôi chân

Sự sùng đạo kết hợp với mê tín đã tạo thành một phần quan trọng trong cuộc sống của những người yêu bóng đá Brazil. Không thiếu những câu chuyện về các đội bóng lớn của đất nước này, từ Vasco da Gama, Botafogo cho đến các đội bóng nhỏ cho đến thế kỉ 21 này vẫn “nhờ” các linh mục thực hiện các phép trừ tà và đuổi ma để họ chiến thắng. Vasco thậm chí còn xây cả một nhà nguyện to đùng trong sân bóng của mình. Ở các World Cup 1962 và 1966, đội tuyển Brazil cũng cần một thầy tu để xua đuổi quỷ Satan ám các cầu thủ. Tên của cha là Santana, một trong những người trừ tà nổi tiếng nhất ở Brazil. Cha được công nhận là một thiên tài, người tiến hành các nghi lễ giúp Brazil chiến thắng có tên “macumba”-kết hợp giữa Công giáo và các nghi lễ của Condomblé, tôn giáo của người da đen ở Brazil. Không biết bây giờ ai đang trừ tà cho đội Brazil của HLV Scolari, nhưng vị linh mục tôi gặp ở nhà thờ Sao Jose quả quyết rằng Brazil luôn đá với 13 người. Người thứ 12 là các cổ động viên và người thứ 13 là một linh mục trực tiếp làm lễ cho họ. Còn người thứ 14, tức là trọng tài, liệu Brazil có không? Vị linh mục-cổ động viên chỉ cười, không nói gì.

Nữ thánh bảo trợ cho đất nước Brazil là Đức mẹ của chúng ta ở Aparecida, ám chỉ đến việc Đức mẹ Maria đã hiển linh trong một bức tượng gốm được một ngư dân tìm thấy trong lưới đánh cá năm 1717. Người ta tin rằng, Đức mẹ đã phù hộ để sông Paraiba đầy cá sau đó. Nhà thờ Đức mẹ Aparecida bây giờ nằm trên con đường giữa Rio de Janeiro và Sao Paulo, với mái vòm khổng lồ nhìn như một nhà máy điện nguyên tử. Trước trận chung kết World Cup 1958, người Brazil đã kinh hoàng khi biết rằng người ta không thể mặc áo vàng của đội tuyển cho tượng Đức mẹ. Tuy nhiên, sự hoảng hốt của các cầu thủ chỉ tan biến sau ông Paulo Machado, trưởng đoàn đội tuyển Brazil năm ấy. bước vào phòng thay quần áo và thông báo, “Màu xanh là màu của Đức mẹ. Chúa đã gửi cho chúng ta một thông điệp”. Màu xanh cũng là màu của đội Brazil đá sân khách, chính là màu áo Brazil mặc khi thắng Thụy Điển 5-2 trong trận chung kết ấy. Ở nhà thờ Đức mẹ Aparecida, có một căn phòng của những Phép màu. Bóng đá chiếm một phần quan trọng trong những dòng chữ khẩn cầu chiến thắng cho đội. Không ngạc nhiên khi những ngày này, người ta hành hương về nhà thờ này để cầu xin Đức mẹ ban phép màu cho đội tuyển Brazil.

Chúng ta vẫn nói, bóng đá là một tôn giáo ở Brazil. Trên thực tế, bóng đá phản ánh sự ảnh hưởng của đức tin với người Brazil và hai thực thể sống động ấy, bóng đá và tôn giáo, dựa vào nhau để không ngừng phát triển. Và sự phát triển ấy không chỉ thể hiện ở trong nhà thờ và các sân vận động. Châm nến lên và đốt vài que hương trong những buổi cầu nguyện ở nhà theo tinh thần pha trộn giữa tôn giáo và sự mê tín, người ta hướng đến Chúa Jesus và rất nhiều các vị thánh khác để họ ban phước lành và giúp cho đội tuyển của họ vượt qua các đối thủ, tiến đến trận cuối cùng. Tiếc là Chúa chỉ có thể mỉm cười với một đội và chau mày với những đội còn lại. Và Ngài còn bận làm những việc khác nữa, phục vụ theo yêu cầu của các đối tượng cụ thể. Tôi bắt gặp ở Belo Horizonte gương mặt của Chúa trong một tờ bìa lớn dán đầy sticker mà người ta đang rao bán. Bao vây quanh Ngài là logo của các đội bóng địa phương Atletico Mineiro và Cruzeiro, hình của Siêu nhân và cả một cô gái hở ngực và rốn rõ khêu gợi như trong tạp chí Playboy. Ở một cửa hàng của mấy cô gái bán sinh tố tại trung tâm thành phố, Chúa và Thánh Antonio đang sánh vai nhau trên bức tường nhem nhuốc gần cửa.

“Các cô cầu Chúa phù hộ Brazil đoạt “Hexa”(chức vô địch thế giới lần thứ sáu)?, tôi hỏi, đầy vẻ tò mò. Một cô cười toét miệng trả lời: “Không, chúng tôi đang nhờ Ngài tìm hộ chồng”.

Khi nhà thờ giơ thẻ đỏ với chính phủ Brazil

Trên thực tế, World Cup này là một dịp quan trọng để nhà thờ ở Brazil thể hiện vai trò đạo đức của mình hơn là chỉ tạo điều kiện cho các con chiên-cổ động viên gìn giữ phần hồn. Chính Hội đồng Giám mục Brazil và dòng tu là những người đã lên tiếng phản đối chính phủ chi ra hàng tỉ USD cho các công trình liên quan đến phục vụ World Cup mà phớt lờ những đòi hỏi ngày càng lớn về xây mới trường học, bệnh viện và chăm lo cho đời sống của người nghèo. Tóm lại, họ nêu ra những bất công xã hội trong giai đoạn này. 

Trước World Cup, Hội đồng Giám mục Brazil đã đưa ra một thông điệp gửi chính phủ gồm 8 điểm, trong đó tố cáo chính phủ đã “gạt bỏ hàng triệu người dân khỏi quyền được thông tin liên quan đến quá trình xây dựng cho World Cup”, đã “xua đuổi các gia đình khỏi nơi sinh sống để xây dựng sân bóng và cơ sở hạ tầng cho World Cup”, “chi quá nhiều cho World Cup hơn là những ưu tiên sống còn như giáo dục, y tế, giao thông và an ninh” và “vi phạm một cách có hệ thống các quyền về môi trường, lao động và tiêu dùng”. Sau thông điệp được in trên một tấm thẻ nhìn như thẻ đỏ áy, các giám mục đưa ra một đề nghị 5 điểm có tên “Bàn thắng cho chiến thắng”, đòi hỏi chính phủ Brazil phải quan tâm hơn nữa đến quyền lợi của người dân, nhất là người dân nghèo.

Chính phủ không trả lời những thông điệp ấy, và khi giải đấu sắp kết thúc, Tổng thống Dilma và các phương tiện truyền thông ủng hộ chính phủ khẳng định World Cup 2014 là World Cup “thành công nhất trong lịch sử”.

Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN, từ Belo Horizonte)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm