Hậu Roma - Napoli: Ngày pinsa đánh bại pizza

07/02/2014 13:32 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Đối với những người Roma và Napoli, cuộc đấu của họ ở Serie A và Cúp Italy mùa này cũng là một cuộc chiến lớn về ẩm thực. Roma có bánh pinsa truyền thống. Napoli có pizza. Pizza trở thành một biểu tượng của nước Ý trên toàn cầu và nổi chẳng kém tháp nghiêng Pisa hay đấu trường La Mã Colosseo. Nhưng trong đêm thứ tư Olimpico, pizza đã thua pinsa, trong hiệp đầu trên con đường đến chung kết Cúp Italy.

Bột mì, nước, bột nở, dầu oliu và muối. Đấy là năm thành phần cơ bản đã tạo ra thứ đồ ăn đưa Italy lên thành một cường quốc về ẩm thực, pizza, và Napoli là nơi đã sinh ra thứ đặc sản mà thực ra cực kì bình dân ấy.

Pizza đã đi vào những bài hát, những tiểu thuyết, đã theo chân những người Italy di cư sang Châu Mỹ ở thế kỉ 19, đã trở thành một thương hiệu toàn cầu của nước Ý mà không phải ai cũng hiểu, nơi sinh ra nó là Napoli, thành phố cảng bên bờ vịnh cùng tên, uốn cong mình như một nửa vầng trăng, một bầu ngực phụ nữ, một nửa chiếc pizza.

Còn pinsa? Ít nổi tiếng hơn, xuất hiện ở thủ đô hàng thế kỉ trước, cũng được làm từ bột mì và cũng nướng trong lò, cũng được ưa chuộng và trở thành một sản phẩm bình dân đậm nét Roma.

Một nhà phê bình ẩm thực (tiếc quá, tôi không phải như vậy, dù rất muốn) có thể nói cho bạn cả ngày về cuộc chiến trên bàn ăn ấy. Trong cuộc chiến ẩm thực giữa hai thành phố cách nhau hơn 200 cây số ấy theo chiều dài lịch sử và sự phổ biến của chúng trên thế giới, pizza đánh bại pinsa, nhưng trên sân Olimpico tối thứ tư, trong một trận đánh khác mà trái bóng là vật tranh chấp và chiến thắng là mục đích cuối cùng của các đội bóng, Napoli của pizza đã không thắng được Roma của pinsa. 

Pinsa, món bánh truyền thống của Roma

Điều gì đã xảy ra trong 90 phút mà cơn mưa lạnh của một đêm tháng 2 không thể dập tắt được ý chí chiến đấu của hai đội, và "derby Mặt trời", như người ta gọi trận đấu, trở thành một bữa tiệc tuyệt vời của những bàn thắng, tốc độ, sự bùng nổ của những người hùng như Gervinho hay Mertens?

Pizza Napoli có lẽ được làm bằng thứ bột hỏng, hơi chua do ngâm nước quá lâu và thiếu một bàn tay nhào bột giỏi, đã vỡ vụn từ đầu trong lò nướng Olimpico, nơi bánh pinsa thể hiện được vị ngon nhất của nó dưới tay của một đầu bếp người Pháp gốc Tây Ban Nha. Thứ pizza ấy ngon hơn sau khi tay đầu bếp điều chỉnh lại lửa và thành phần dinh dưỡng trong bánh, nhưng cuối cùng vẫn không thể trội hơn pinsa khi người làm bánh mang tên Garcia phủ lên trên miếng bánh một miếng mozzarella (pho mát bằng sữa trâu).

Pizza là món ăn nổi tiếng ở Napoli

Đấy là nói theo ngôn ngữ của dân sành ăn, và cách mô tả như trên cũng chỉ để nói về cách làm bánh. Nhưng thực ra dân sành ăn cũng chỉ ví von như thế sau những gì họ đã chứng kiến từ trận đấu. Hiệp 1, Roma đã ghi hai bàn thắng, và bàn nào cũng đẹp. Phút 13: một pha bật tường của Totti cho Gervinho (ở thế việt vị) tăng tốc sút tung lưới Napoli.

Phút 32: Strootman hạ gục Reina bằng một cú sút sấm sét từ cự li 30 mét. Roma vẫn thế, mạnh mẽ, tốc độ và đầy ngẫu hứng đến từng chi tiết. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên hàng thủ và hàng tiền vệ của Napoli chơi hớ hênh như thế, với khoảng trống mênh mông như mảnh đất không người phía trước cặp trung vệ.

Trong hoàn cảnh thiếu sức mạnh và khả năng lấp chỗ trống của Behrami, Benitez vẫn không từ bỏ sơ đồ 4-2-3-1 và hứng chịu hai bàn thua cay đắng. Bàn thua thứ ba quyết định số phận của họ ở lượt đi cũng theo cùng một cách: một pha phản công hai chạm của tam giác Florenzi-Destro-Gervinho và người dứt điểm đem đến cho Roma chiến thắng, Gervinho, giống như miếng mozzarella béo ngậy trên miếng bánh pinsa và làm cho vị của nó trở nên ngon hơn pizza Napoli trong hiệp đầu của cuộc chiến cho Cúp Italy này.

Một trận đấu đầy cảm xúc luôn cần một kết cục hấp dẫn theo cách ấy. Napoli gỡ liền 2 bàn trong hiệp 2 sau khi Roma giảm nhịp độ, và bàn chấm dứt cuộc thư hùng đỉnh cao của mảnh đất trung-nam nước Ý là một tác phẩm thực sự. Giống như cách mà người ta vẫn thưởng thức những món ăn ngon kiểu truyền thống ở Italy, hàng vạn khán giả trên sân Olimpico hét lên những tiếng sung sướng.

Gervinho là một người hùng của Roma hiện tại. Anh đã ghi 8 bàn thắng trong mùa bóng, với 5 ở Serie A và 3 ở Cúp Italy. Báo chí ở Roma viết rằng, khi không chơi bóng, trong thời gian rảnh rỗi, anh nhảy múa, hát ca và thậm chí vẽ kiểu cho quần áo thời trang. Nhưng thực ra, trong 90 phút của một trận đấu, ở một mặt trận mà Roma không muốn đánh mất để trở thành đội bóng đầu tiên của Ý đoạt 10 Cúp Italy và rồi được LĐBĐ Italy thêu lên trên áo một ngôi sao bạc, anh đã nhảy múa và hát ca như thể anh là một cầu thủ Brazil (nếu không biết Gervinho là một người Bờ Biển Ngà, có lẽ tất cả đều tin anh là một cầu thủ từ xứ samba, vì tên anh hết sức Brazil).

Nhưng những màn trình diễn của Gervinho chỉ có thể được tạo nền móng từ những con người không nhảy nhót và tăng tốc giữa hàng phòng ngự Napoli, mà chiến đấu với từng đường bóng. Chúng ta đang nói đến Strootman, người có thể được coi như miếng bánh thô làm đế cho chiếc pinsa.

Anh là người mà Napoli đã thương lượng và rồi bỏ cuộc vào mùa hè qua. Một tiền vệ sắt đá như cầu thủ người Hà Lan có thể sẽ rất có ích cho Napoli mùa này trong việc neo đậu tuyến giữa của đội, nhất là khi họ đang rơi vào cuộc khủng hoảng thành tích và phong độ trong hơn một tháng qua.


Gervinho đang có phong độ cao ở Roma - Ảnh: Getty

Lâu lắm rồi, sau bao nhiêu mùa bóng gây thất vọng, Roma mới giống như một miếng pinsa ngon đến thế. Mà quả thật, người ta nóng lòng chờ đợi Roma có ngày hôm nay sau bao lâu cũng chẳng khác gì việc đi tìm những nơi còn nướng pinsa ở Roma. Pizza rất sẵn. Có thể tìm thấy ở hầu như mọi ngõ ngách của Roma những nhà hàng bán pizza theo kiểu Napoli.

Người sành ăn sẽ bảo bạn hãy đến nhà hàng Sforno ở gần ga tàu điện ngầm Giulio Agricola hay Splendor Parthenopes ở phố Vittorio Colonna để ăn pizza đậm chất Napoli. Nhưng để ăn pinsa và đặc biệt là pinsa ngon, thì đôi khi phải tìm rất lâu mới thấy. Chẳng hạn nhà hàng La Pratolina ở khu Prati. Roma trong bóng đá cũng chỉ có thể đi lên được như hôm nay sau khi tìm thấy một người có tên Rudy Garcia, người thợ làm bánh, và những người như Gervinho, miếng mozzarella, hay Strootman, miếng bánh thô.

Totti vẫn còn đó và chưa mất đi những nét biến ảo đã biến anh thành một huyền thoại sống giữa lòng thủ đô. Và nữa, De Rossi. Mùa bóng này của Roma thật đặc biệt và lãng mạn. Nhưng Napoli chắc chắn chưa thôi hy vọng. Pizza có thể ăn không ngon chỉ vì người ăn không có tâm trạng tốt hoặc người thợ nhào bột làm ẩu. Nhưng những sai lầm không xảy ra liên tục. Pizza hôm sau, khi được nướng trong lò chuẩn, ở một cảm hứng khác, có thể sẽ khác. Cái lò ấy có tên San Paolo, và nhiệt độ của nó là hàng vạn khán giả điên rồ trong cơn say bóng đá. Trận lượt về ở Napoli sẽ không dễ dàng cho Roma.

Phải ở Ý mới hiểu được tại sao đôi khi một trận đấu bóng đá lại biến thành một cuộc đọ sức trên nhiều lĩnh vực khác nhau đến như thế. Vào cái thời mà Roma cạnh tranh Scudetto với Milan năm 2004 và với Inter nhiều năm sau đó, ở thời hậu Calciopoli, mỗi khi những cuộc đấu giữa họ diễn ra, các nhà báo hào hứng viết về sự đụng đầu của... các thương hiệu thời trang nổi tiếng của hai thành phố Roma và Milano. Rất đơn giản, các tifosi là những người sành điệu. Họ yêu bóng đá và rất biết cách ăn mặc và làm đỏm.

Bây giờ, khi người ta cảm nhận được sức nóng của những trận "derby Mặt trời", gọi theo tên của đường cao tốc A1 chạy từ Milano xuống Napoli, có đoạn rẽ gần Roma, không ít người nói đến ăn uống, đến pizza và pinsa. Đơn giản là vì các tifosi cũng thích ăn ngon và rất sành ăn.

Người viết bài này đã từng chứng kiến và thậm chí cũng tham gia ngồi gặm pizza với họ bên bàn của một quán ăn, vừa ăn vừa ngước mắt lên tivi treo cao trên tường, bình phẩm đủ thứ, đôi khi cãi nhau nảy lửa về bóng đá. Món pinsa, pizza và trái bóng có cùng chữ đầu là "P" ("pallone" là trái bóng).

Cuối tuần này sẽ là trận "derby thủ đô" mà không ít người đã gọi đùa đấy là trận "derby G.R.A" (tên viết tắt của đường vành đai chạy quanh Roma, có trêu rằng, romanista thường là những người sống trong vành đai, tóm lại là dân thủ đô, còn laziale là người sống bên ngoài G.R.A, kiểu như dân nhà quê!).

Nhưng tôi sẽ không viết về trận derby dưới góc nhìn về đường giao thông. Bạn chờ nhé...

Trương Anh Ngọc
(Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Roma)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm