Argentina mượn World Cup đòi quần đảo Falklands

15/06/2014 19:22 GMT+7 | Hậu trường World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Tuyển Anh đã chỉ đạo cấm các cầu thủ nói về Falklands tại Brazil Hè này. Còn Argentina thì ngược lại. Đội bóng của Lionel Messi sẵn sàng hứng chịu án phạt từ FIFA vì tội lôi chính trị vào bóng đá.

Chuyện xuất phát từ chiếc băng rôn mà cầu thủ Argentina trưng ra để chụp hình trước trận giao hữu với Slovenia, một tuần trước World Cup 2014. Với nội dung “Malvinas là của Argentina”, cầu thủ Argentina gợi lại cuộc chiến tranh chấp hòn đảo Malvines (phía Anh gọi là Falklands) giữa hai nước trong hơn 180 năm qua.

World Cup & duyên nợ Falklands

Năm 1982, khi chiến tranh Falklands xảy ra, các tài liệu mật cho thấy chính phủ Anh đã tranh luận về việc có nên rút khỏi VCK World Cup diễn ra vào ngày 13/6/1982 tại Tây Ban Nha.

Mặc dù, theo kết quả bốc thăm, Anh và các nước thuộc Liên hiệp Anh là Scotland hay Bắc Ireland đều không “đụng độ” với đội ĐKVĐ Argentina ở các trận vòng loại, nhưng một số quan chức Anh lo ngại rằng Scotland có thể sẽ gặp Argentina ở trận tứ kết và Anh có thể gặp đội này tại trận chung kết. Một số cầu thủ trụ cột của Tam Sư cho biết không muốn tiếp Argentina trên sân cỏ nếu cuộc chiến ở Falklands vẫn còn tiếp diễn.

Vào ngày 17/5/1982, Chánh văn phòng nội các Anh, Robert Amstrong đã viết kiến nghị gửi cho Thủ tướng Margaret Thatcher: “Sẽ không có nước nào theo chúng ta rút khỏi World Cup. Argentina chẳng những sẽ không cảm thấy áp lực gì từ việc Anh rút lui, mà còn thấy đây là cơ hội để tuyên truyền bêu rếu chúng ta. Anh, chứ không phải Argentina, sẽ là nước bị cô lập”. Gật đầu trước quan điểm của Robert Amstrong, bà Thatcher tuyên bố Anh vẫn dự World Cup.

Lo lắng của phía Anh đã không xảy ra ở World Cup năm đó. Nhưng từ khi chiến tranh kết thúc tới nay, có những duyên nợ rất kỳ lạ trong bóng đá giữa hai quốc gia này. Và Falklands (hay Malvines) luôn được coi là “xúc tác” trong những lần đối đầu nảy lửa.

Nổi tiếng nhất là trận tứ kết World Cup 1986, khi Diego Maradona thực hiện “Bàn tay của Chúa”, đấm bóng hạ thủ môn Peter Shilton, giúp Argentina hạ Anh dưới bầu trời đầy nắng của Mexico. 12 năm sau, Diego Simeone với màn lăn lộn điệu nghệ trên sân đã khiến David Beckham nhận thẻ đỏ oan nghiệt nhất trong sự nghiệp, để rồi Argentina giành chiến thắng sau loạt đá penalty.

Thắng Anh là khát khao dân tộc

Người Anh gọi Simeone là kẻ đồ tể, coi Diego Maradona là kẻ gian lận, nhưng ở Argentina, họ là những người hùng. Bốn năm sau khi đặt cột mốc khó quên trong sự nghiệp của Beckham, Simeone thừa nhận ông đã cố tình khiến tiền vệ tuyển Anh bị đuổi. “Khát vọng của cả dân tộc tôi là đánh bại người Anh”- Simeone, hiện tại là HLV của Atletico Madrid, nói.

Còn Diego Maradona, phải tới 18 năm sau trận tứ kết ở Mexico, mới hé lộ sự thật về bàn thắng mà ông gọi bằng cái tên mỹ miều “Bàn tay của Chúa”. Khi Maradona (chỉ cao 1,66m) nhảy lên cao hơn thủ thành Peter Shilton để dùng tay đấm bóng, ông nghĩ đến điều duy nhất: trả thù người Anh. Không hề có sự hiện diện của đấng siêu nhiên ở đó, bàn thắng hoàn toàn nằm trong dự tính của Maradona. “Trước trận đấu, chúng tôi đã nói là bóng đá chẳng liên quan đến cuộc chiến Malvinas. Nhưng chúng tôi biết có nhiều người Argentina đã chết, bị bắn rụng như những con chim nhỏ. Đây là một cuộc báo thù”- Maradona viết trong cuốn “El Diego: Tiểu sử của cầu thủ vĩ đại nhất thế giới”.

Sau trận cầu đó, người dân Argentina đổ ra đường ăn mừng như thể họ đã vô địch World Cup, đốt cờ Anh như một cách để trả thù cho trận chiến mà họ đã thảm bại ở nơi chỉ cách đất nước 483 km. Tinh thần dân tộc chủ nghĩa lên cao tới mức hầu hết báo chí Argentina lờ đi bàn thắng bằng tay của Maradona và chỉ tập trung ca ngợi tuyệt phẩm thứ hai của ông.

Hân Như
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm