27/09/2014 13:59 GMT+7 | Thể thao
Thethaovanhoa.vn) - Incheon nằm ở một vị trí địa lý chiến lược, Incheon có một vai trò quan trọng về mặt quân sự cũng như kinh tế của Hàn Quốc. Không có gì quá lời nếu nói rằng, khi ASIAD 17 tổ chức tại thành phố cảng này, Hàn Quốc đã mở rộng cánh cổng ra châu Á và thế giới.
Tham vọng của thành phố 3 triệu dân
Phần lớn du khách tới Hàn Quốc đều hạ cánh xuống sân bay quốc tế Incheon, một trong những sân bay tấp nập nhất thế giới, rồi mới di chuyển tới Seoul. Tuy nhiên, trong vòng hai tuần từ ngày 19/9 đến 4/10, các nhà tổ chức của ASIAD 17 hy vọng rằng, sự kiện thể thao lớn nhất trong năm tại châu Á sẽ giữ chân du khách ở Incheon, nếu không muốn nói là Incheon sẽ hút người từ Seoul về.
Chỉ cách thủ đô Hàn Quốc có 25km về phía tây, Incheon dường như đang có tham vọng thoát khỏi cái bóng của người láng giềng và muốn khẳng định đây như là một trong những thành phố lớn nhất, hiện đại nhất, đẹp nhất và giàu có nhất của Hàn Quốc.
Theo Peter Baek, Tổng giám đốc của Tổ chức đua mô tô Hàn Quốc và cũng là chuyên gia marketing thể thao, “Incheon đang nỗ lực trở thành một trung tâm kinh tế của khu vực Đông Bắc Á. Họ muốn thu hút đầu tư nước ngoài và với Đại hội thể thao châu Á, họ muốn Incheon được biết đến trên bản đồ”.
Đó thực sự là một tham vọng lớn với một thành phố chỉ có khoảng 3 triệu dân khi dám đứng ra đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất châu Á. Ước tính có khoảng 13.000 VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tranh tài ở 36 môn thi với 439 bộ huy chương được trao.
Đổi lại, năm 1986, ASIAD từng giúp Seoul có cơ sở để tổ chức thành công Olympic mùa Hè hai năm sau đó. Năm 2006, ASIAD Doha được xem là một bước chuẩn bị quan trọng cho Qatar trong nỗ lực giành quyền đăng cai World Cup 2022.
Nói như người phát ngôn của Uỷ ban tổ chức Đại hội châu Á là Yoo Ji-hyeon thì “Incheon là cánh cổng đưa Hàn Quốc ra châu Á và thế giới. Đây là một thành phố năng động và đa dạng. Incheon có cơ sở hạ tầng tốt để tổ chức ASIAD và điều này sẽ giúp thành phố thu hút đầu tư, khách du lịch”.
Dĩ nhiên thì cho đến khi chờ ngày hái quả, Incheon phải chấp nhận thực tế rằng, họ là thành phố có số nợ công lớn nhất trong số sáu thành phố lớn của Hàn Quốc. Vậy mà Incheon cũng chỉ đầu tư khoảng 2 tỷ USD cho ASIAD 17, bằng 1/10 con số mà thành phố Quảng Châu của Trung Quốc đã chi khi tổ chức ASIAD năm 2010.
Sau cùng thì trong thời buổi kinh tế thế giới đang khủng hoảng, tổ chức một sự kiện thể thao hiếm khi đem lại lợi nhuận cho thành phố hoặc quốc gia đó ngoài những lợi ích vô hình có giá trị về mặt tinh thần.
Rõ nhất là Yeongnam, một thành phố nằm ở tây nam Hàn Quốc và từng đứng ra tổ chức giải đua Công thức I trong 4 năm từ 2010. Trong khoảng thời gian này, ước tính Yeongnam đã thâm hụt khoảng 185 triệu USD và đây là một trong những lý do khiến Yeongnam Grand Prix rút khỏi lịch thi đấu F1 trong mùa giải 2014.
Theo Baek, việc tiếp thị thể thao tại Hàn Quốc có thể không khó nhưng để quảng bá ASIAD ra châu Á và thế giới lại là một vấn đề khác. Thậm chí, dù chỉ tập trung ở châu Á, không phải người châu Á nào cũng sẵn sàng bỏ tiền để tới Incheon du lịch.
Nghĩ xa hơn ASIAD
Bên cạnh đó, quyết tâm của Incheon là sử dụng ASIAD là cầu nối ra bên ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn bởi có cảm giác Hàn Quốc tỏ ra thiếu nhiệt tình với sự kiện thể thao chỉ mang tầm châu lục này. Đây là suy nghĩ của Chun Young-sub, một chuyên gia marketing thể thao khi ông cho rằng, “Đa số người Hàn Quốc quan tâm nhiều hơn đến những sự kiện thế giới, chẳng hạn như Olympic mùa Đông 2018 sẽ được tổ chức tại Pyeongchang. Olympic là một sự kiện rất hot và được người dân, chính phủ Hàn Quốc chú ý” - Chun nói - “Ngay cả khi chúng không mang lại lợi nhuận, Hàn Quốc có thể giành được những mục tiêu khác như tăng trưởng kinh tế, phát triển cộng đồng, thương hiệu quốc gia và đầu tư nước ngoài.”
Ít nhất thì về mặt chuyên môn, thành tích thi đấu tốt ở Incheon cũng có thể giúp khôi phục một số nhân tố lạc quan cho thể thao Hàn Quốc nói chung sau những kết quả nghèo nàn ở World Cup tại Brazil hồi tháng 6 và Olympic mùa Đông ở Sochi, Nga, hồi tháng 2.
Điều đặc biệt là một nhân tố đang giúp ASIAD 17 tại Incheon được nhắc đến nhiều hơn là sự hiện diện của CHDCND Triều Tiên, nước láng giềng đã cử 273 VĐV tham dự. Thực tế nhưng căng thẳng chính trị gần đây ở khu vực Đông Bắc Á khiến nhất cử nhất động của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên được chú ý đặc biệt.
Dĩ nhiên thì các nhà chính trị quan tâm đến ASIAD trên góc độ chính trị, còn người dân theo dõi Đại hội dựa trên bảng xếp hạng và số huy chương giành được. Ở đây, thứ hạng và số huy chương phản ánh phần nào công sức đầu tư của mỗi quốc gia cũng như cho thấy tiềm lực về thể thao, kinh tế của họ.
Với người Hàn Quốc, họ sẽ quyết tâm giữ vị trí là cường quốc thể thao ở châu Á, sau Trung Quốc. Họ biết rõ vượt qua Trung Quốc là không thể nhưng đứng thứ hai cũng đồng nghĩa họ đã vượt qua Nhật Bản.
Ngược dòng lịch sử thì đó không phải là giấc mơ xa vời với nước chủ nhà. Tại Đại hội thể thao châu Á năm 2002 tại Busan, các VĐV Hàn Quốc đã giành được 96 HCV, trong khi Nhật Bản chỉ giành được 44 HCV.
Tương tự như thế là năm 1986 khi Hàn Quốc lần đầu tiên tổ chức ASIAD ở Seoul. Với 93 HCV, họ không chỉ bỏ xa Nhật Bản (53 HCV) mà còn đe dọa đánh bật Trung Quốc khỏi vị trí dẫn đầu. Kết quả cuối cùng cho thấy Trung Quốc chỉ hơn Hàn Quốc đúng 1 HCV nhưng xếp sau nước chủ nhà về số huy chương, với 222 chiếc so 224 của Hàn Quốc.
Vì thế, nếu ai đó cảm nhận rằng, ở Hàn Quốc hay Incheon không có gì là không khí của ASIAD, nếu hỏi bất cứ người dân nào, họ cũng sẽ có chung một câu trả lời. “Chúng tôi sẽ đứng thứ hai trên bảng xếp hạng huy chương và chắc chắn đánh bại Nhật Bản” - một tài xế taxi nói - “Nhưng sẽ là vô nghĩa nếu chúng tôi đứng sau Nhật Bản ở môn bóng đá.”
Với các nhà lãnh đạo, ASIAD là cơ hội cho Incheon và Hàn Quốc cải thiện hình ảnh. Theo Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc, Đại hội thể thao châu Á có thể mang lại cho Incheon khoản tiền 12 tỷ USD với hơn 200.000 khách nước ngoài tới thành phố trong hai tuần diễn ra ASIAD.
Cải thiện mối quan hệ liên Triều Quan trọng không kém, ASIAD sẽ có vai trò quan trọng trong việc cải thiện mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Chỉ riêng sự tham dự của CHDCND Triều Tiên đã là một nhân tố lớn khiến ASIAD được chú ý đến và là nền tảng cho hai miền hướng tới hòa bình, hòa giải, thị trưởng của thành phố Incheon. Dĩ nhiên thì chẳng ai phủ nhận khả năng to lớn của thể thao là xoa dịu nhưng căng thẳng chính trị nhưng dựa vào đây để thay thay đổi hoàn toàn thái độ lại là một vấn đề không đơn giản. Thậm chí là không tưởng. |
Mạnh Hào
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất