29/08/2014 13:54 GMT+7 | Man United
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu như bạn đang ngồi thoải mái trong phòng khách của mình và lên mạng mua một cái phao cứu sinh giá 15 bảng, bạn sẽ đặt câu hỏi là 15 bảng là đắt hay rẻ. Nhưng nếu lúc đó bạn đang ở giữa biển khơi và sắp chết chìm thì sao?
Đó là một bài học kinh điển trong sách giáo khoa kinh tế học về tính tương đối của giá tùy theo hoàn cảnh. Nếu bạn đang tuyệt vọng, bạn sẽ sẵn sàng trả cao hơn hẳn cho một món hàng có thể cứu bạn thoát khỏi thảm họa.
Vì Di Maria là "cái phao"
Nhìn từ phía người mua là như thế, nhưng cũng có những yếu tố ảnh hưởng tới suy nghĩ của người bán. Nếu như tay bơi lội bất đắc dĩ đang vùng vẫy xin cái phao cứu sinh và hét toáng lên rằng hắn ta sẽ “trả bất cứ cái giá nào” để có nó chỉ là một kẻ làm công nhật tầm thường thì “bất cứ giá nào” có thể chỉ là vài mươi nghìn bảng. Mọi chuyện sẽ khác nếu đó là Bill Gates, Roman Abramovich hay Sheikh Mansour.
Những yếu tố đó giải thích tại sao Man United bỏ ra 60 triệu bảng cho Angel Di Maria từ Real Madrid.
Có thể giải thích mức giá đó khá đơn giản. Man United chưa đến nổi sắp chết chìm, nhưng họ đang tuyệt vọng sau khi để lỡ Champions League mùa này và chiến dịch hiện thời bắt đầu trong thảm họa. Vì thế, Di Maria trở nên đáng giá hơn nhiều với Old Trafford, do anh có thể thắp lại hy vọng chen chân vào Top 4 cho Man United, điều họ đã làm được trong phần lớn 2 thập kỷ qua.
Thêm vào đó, Man United là một trong những đội bóng kiếm được nhiều tiền nhất thế giới và họ càng bị Real bắt chẹt sau khi Phó chủ tịch điều hành Ed Woodward từng mạnh miệng tuyên bố hồi tháng 5 rằng đội bóng của ông có ngân quỹ chuyển nhượng lên tới 200 triệu bảng.
Tất nhiên, nếu có những nhân tố đẩy giá Di Maria lên, thì cũng có những nhân tố kéo giá anh xuống. Mới một tháng trước, tiền vệ người Argentina còn được rao với giá 50 triệu bảng, mà đội theo đuổi anh lúc đó, Paris Saint-Germain, chê là quá đắt. PSG không thiếu ngôi sao lớn trong đội hình, đang thống trị Ligue 1 và không có nhu cầu cấp thiết lắm. Trong khi Real ở cuộc thương lượng này lại đang trong thế yếu: họ muốn thu lại một phần khoản tiền, cũng như dọn dẹp đội hình để trống chỗ cho ngôi sao mới sắm James Rodriguez.
Thị trường chuyển nhượng cầu thủ, theo như thuật ngữ kinh tế, là một thị trường không hiệu quả, và bất cứ nhận xét nào về giá các thương vụ phải tính tới điều đó.
Di Maria chắc chắn là 1 trong 10 cầu thủ đắt giá nhất mọi thời, nhưng anh đứng ở đâu trong danh sách đó mới là điều gây tranh cãi. Vấn đề còn nằm ở chỗ các vụ chuyển nhượng cầu thủ không bao giờ đủ minh bạch. Báo chí Tây Ban Nha nói hợp đồng đưa tiền vệ người Argentina về Old Trafford còn có các hợp đồng cộng thêm có thể tăng giá trị của anh lên tới 12 triệu bảng nữa. Đó là còn chưa kể các vụ mua bán rối rắm như mê cung, Carlos Tevez hay Neymar.
Di Maria hiện 26 tuổi và ký hợp đồng 5 năm với mức lương 200.000 bảng mỗi tuần. Nhìn vào danh sách 10 vụ chuyển nhượng lớn nhất mọi thời, chúng ta sẽ rút ra một số kết luận thú vị. Một số cầu thủ khi đổi CLB trẻ hơn anh: Gareth Bale (24), Cristiano Ronaldo (24), James (23), Neymar (21). Một số lớn tuổi hơn: Luis Suarez (27), Edinson Cavani (27), Zinedine Zidane (29), Kaka (27), Zlatan Ibrahimovic (31). Việc đánh giá thành công hay thất bại là chưa thể với James và Suarez, hay ở chừng mực nào đó, Bale và Neymar.
Man United chỉ quan tâm chuyên môn
Từ lập trường của Man United, tranh luận không phải ở chỗ tại sao họ lại đưa về Di Maria, hay mức giá đó là đắt hay rẻ, mà giờ chỉ là anh sẽ chơi ở đâu. Tiền vệ người Argentina rất đa năng, nên thật kỳ lạ là một số người so sánh anh với Arjen Robben, vốn chỉ thành thục việc chạy cánh. Chính sự đa năng đó cũng góp phần khiến Man United chấp nhận trả cao hơn để có anh, vì họ cùng lúc mua về một tiền vệ trung tâm và một cầu thủ chạy cánh, tùy theo yêu cầu của các trận đấu và của HLV Louis van Gaal.
Có lẽ câu hỏi thích hợp hơn không phải là giá cả thuần túy của vụ chuyển nhượng, mà là chi phí cơ hội. Tiền bạc, ngay cả khi bạn rất giàu, là một nguồn lực có hạn. Chi 60 triệu bảng cho Di Maria đồng nghĩa với việc Man United sẽ không thể dùng số tiền đó cho các cầu thủ khác. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có nên dành nguồn lực đó cho những vị trí khác hay không.
Nói một chút về chuyên môn, mọi cầu thủ trong danh sách nói trên, ở một thời điểm nào đó, đều trở thành ngôi sao sáng nhất và là thủ lĩnh không thể tranh cãi ở đội bóng của họ. Di Maria chưa trải qua điều đó, một phần vì hoàn cảnh. Khi bạn là đồng đội của Lionel Messi ở ĐTQG và Cristiano Ronaldo ở CLB, bạn khó lòng trở thành ngôi sao sáng nhất.
Nhưng Man United đang mở ra viễn cảnh cho Di Maria thực hiện điều đó. Anh sẽ được kỳ vọng rất nhiều. Wayne Rooney đang đeo băng đội trưởng, nhưng vẫn với rất nhiều nghi ngờ và tranh cãi. Robin van Persie đã 31 tuổi, vắng mặt nửa mùa giải trước vì chấn thương và còn một năm nữa là hết hợp đồng. Darren Fletcher vật lộn với bệnh tật và chấn thương từ năm 2011 (chỉ đá chính 18 trận trong 3 năm). Phil Jones còn quá trẻ.
Như thế, Man United hy vọng ở Di Maria, họ sẽ có một thủ lĩnh mới, một ngôi sao mới, một tiền vệ cánh, một tiền vệ trung tâm, một cú hích về tinh thần, và quan trọng hơn hết, một tấm vé trở lại Champions League. Dễ hiểu vì sao họ sẵn sàng trả cao hơn gần như mọi đội bóng khác.
72 Theo tin từ báo chí Tây Ban Nha, ngoài 59,7 triệu bảng trao tay, Man United có thể trả thêm 12 triệu bảng cho Real Madrid trong trường hợp Angel Di Maria giành được một số thành tích. 400 Sau khi chiêu mộ Angel Di Maria, Man United đã sở hữu đội hình đắt giá nhất trong lịch sử Premier League với tổng giá trị chuyển nhượng vượt mốc 400 triệu bảng. Cụ thể là 401,2 triệu bảng. 40 Phía Juventus đòi 40 triệu bảng nếu Man United muốn mua cầu thủ người Chile Arturo Vidal. |
Trần Trọng (theo ESPN)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất