28/10/2018 22:46 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha
(Thethaovanhoa.vn) - Trong rất nhiều năm, kể từ ngày Messi bừng sáng trên sân cỏ thế giới, và Ronaldo đến Real Madrid vào năm 2009, Barca-Real đã trở thành cuộc chiến nội địa ở cấp CLB được chờ đợi nhất thế giới.
* Link xem trực tiếp Barcelona vs Real Madrid (22h15, 28/10):
Theo dõi diến biến trực tiếp tại đây:
1. Người ta nói về nó, bàn tán về nó, tranh cãi về nó, và việc ngồi trước màn hình tivi ở bất cứ góc nào của thế giới để dõi theo các trận El Clasico đã trở thành một việc rất quen thuộc, ít nhất mỗi năm hai lần.
Đấy không chỉ là một cuộc đối đầu về ý thức hệ chính trị như người ta vẫn viết trong các cuốn sách về lịch sử bóng đá Tây Ban Nha. El Clasico đã trở thành sự đối đầu của các phong cách, trường phái của hai đội bóng giành nhiều Champions League nhất trong các năm qua, và kể từ 2009 đến nay, là cuộc đọ sức cá nhân giữa Messi và Ronaldo, những người trở thành đối thủ của nhau trên sân và trong cuộc chiến giành giật Quả bóng Vàng trong suốt những năm ấy. Những bàn thắng mà họ ghi, những kỷ lục mà họ lập, cả những tuyên bố của họ trước và sau các trận Kinh điển đều tạo ra sự hấp dẫn đặc biệt cho một trận đấu mà thế giới ngóng đợi.
Sức hấp dẫn của Kinh điển lớn đến mức, kể từ mùa trước, để phục vụ cho nhu cầu xem của người hâm mộ ở châu Á, lần đầu tiên trận đấu này diễn ra vào đầu giờ chiều ở Tây Ban Nha (1 giờ chiều), thay vì giờ ăn tối truyền thống như trước (9 giờ tối). Thay đổi thói quen thưởng thức Kinh điển là điều chưa từng có trước đây trong lịch sử Liga, nhưng những người tổ chức không muốn giải đấu của họ đứng ngoài “công cuộc” kiếm tiền mà giải Premier League đã làm rất tốt trong những năm qua. Đưa Kinh điển đến châu Á là đến một thị trường mà Premier League đã bá chủ các màn hình tivi, trong một cuộc chiến tranh giành khán giả mà La Liga đang lép vế, là một điều không thể không làm.
2. Không có gì tuyệt vời hơn là đem chính Barca-Real đến đó qua truyền hình. Cũng không có gì hay hơn là đưa họ đến đất Mỹ để thi đấu, có thể cả đấu Kinh điển, cho khán giả tại đó được chứng kiến tận mắt các siêu sao của hai trong số những đội bóng lớn, giàu truyền thống, chơi cống hiến và có nhiều thành tích quốc tế nhất trong những năm qua. Nhật báo tài chính Financial Times ước tính trận Kinh điển cuối năm ngoái ở Bernabeu đã thu hút gần 700 triệu lượt khán giả trên toàn cầu, một con số khổng lồ ở quy mô của bóng đá Tây Ban Nha, và con số rất lớn ấy có được một phần chính nhờ ảnh hưởng về truyền thông của Messi và Ronaldo, với tổng cộng có hơn nửa tỉ người theo dõi họ trên các mạng xã hội.
Đêm Chủ nhật này, khi Barca đá với Real Madrid trong một trận Kinh điển tiếp tục vào giờ phù hợp với khán giả châu Á, họ không còn ở đó nữa. Ronaldo đã sang Juventus từ mùa Hè, để lại phía sau một Real đầy rắc rối ở thời hậu Zidane. Messi chấn thương khá nặng trong trận thắng Sevilla và có thể phải vắng mặt ít nhất 3 tuần. Lần đầu tiên kể từ tháng 12/2007, trận Kinh điển không có ít nhất một người trong số họ, điều gì sẽ xảy ra, sẽ có bao nhiêu triệu lượt khán giả rời bỏ tivi và không muốn chứng kiến một trận Kinh điển không còn hai siêu sao lớn ấy nữa? Khi bắt đầu thay đổi thói quen xem Kinh điển để hướng đến châu Á, và quyết định đưa hai đội bóng hàng đầu ấy đến Mỹ, liệu BTC Liga có bao giờ tính đến một cuộc “rã đám” siêu sao chóng vánh đến thế không? Và sự vắng mặt ấy sẽ khiến họ thiệt hại bao nhiêu vì Kinh điển mất giá?
3. Không ai rõ, nhưng tất cả đều biết, như một điều rất tự nhiên không cưỡng được, một ngày nào đó cả Messi lẫn Ronaldo đều sẽ không còn ở đây nữa, phần vì già nua mà phải giải nghệ, như những ngôi sao già vỡ tan thành ngàn mảnh trước khi chìm vào bóng tối, nhường chỗ cho những vì tinh tú mới được sinh ra, trên chính vũ trụ Kinh điển Barca-Real ấy. Và chính họ sẽ lại khiến trận đọ sức lớn ấy có giá. Ai sẽ là những tinh tú ấy, ngay đêm Chủ nhật này?
Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất