21/11/2015 08:31 GMT+7 | Real Madrid
(Thethaovanhoa.vn) - Sự hấp dẫn của El Clasico thực sự nằm ở đâu? Đó có vẻ là một câu hỏi thừa. Sẽ có nhiều đáp án, chung, và ngắn gọn, kiểu như: chất lượng của siêu sao; khác biệt văn hóa vùng miền của TBN; bề dày lịch sử của hai CLB; tinh thần bóng đá tấn công của Barca và Real…
1. Sẽ có người cho rằng tại hai đội bóng đó gần như thống trị tuyệt đối Liga, nên cuộc cạnh tranh trở nên nhàm chán, và càng nhàm chán hơn khi mỗi mùa họ gặp nhau nhiều lần quá, có mùa thậm chí còn gặp nhau tới hơn 4 lần. Cái gì vừa đủ thì ngon, thừa quá thì ngấy, bóng đá cũng vậy, như món ăn mỗi ngày.
Song, có một thực tế rằng, dù có nhiều siêu sao thế nào đi nữa, El Clasico không thể hấp dẫn nếu như thiếu đi tinh thần thù địch, một đặc sản của El Clasico. Tinh thần thù địch sẽ tạo ra câu chuyện tranh cãi. Mà bóng đá hấp dẫn cũng nhờ tranh cãi. Và nếu mỗi trận El Clasico đều có một câu chuyện thấm đẫm sự thù địch khác nhau thì kể cả 1 mùa, dù Barca và Real gặp nhau tối đa 7 trận (1 siêu cúp, 2 chung kết lượt đi về Copa del Rey, 2 trận ở Liga, 2 trận ở Champions League) đi nữa, người hâm mộ cũng không bao giờ cảm thấy nhàm chán. Dễ hiểu, hận thù chồng thêm hận thù, từ một câu chuyện thù địch này sẽ dẫn đến phỏng đoán đầy mong đợi cho những câu chuyện thù địch khác sẽ diễn ra ra sao.
Thời đầu thế kỷ 21, khi Barca có những ngôi sao tầm cỡ như Rivaldo, rồi sau đó là Ronaldinho…, còn Real có Zidane, Backham…, sức hút của El Clasico không chỉ đến từ chất lượng trên sân mà còn đến từ cái đầu lợn được ném xuống sân khi Figo chơi El Clasico trong màu áo Real. Đó là câu chuyện đầy hấp dẫn, giàu cảm xúc, gây nhiều tranh luận, khen-chê; chỉ trích-ca ngợi… nhất chứ không phải là một pha bóng cụ thể nào. Đến thời kỳ Mourinho, câu chuyện HLV Bồ Đào Nha móc mắt Tito cũng để lại những sức hút nhất định của nó, thứ mà bây giờ không còn ở El Clasico nữa.
2. Sẽ có người cho rằng, bóng đá không phải trận đánh, chơi thôi mà, làm gì mà thù địch nhau kinh khủng thế; bóng đá cần những cái bắt tay hơn là cần những pha đánh nguội nhưng đó chỉ là ngụy biện theo thói đạo đức giả. Đúng, bóng đá cần những điều tốt đẹp như cái cách tuyển Anh và Pháp đan xen vào nhau hát La Marseillaise trong tình bằng hữu nhưng nó cũng cần cả những tiểu xảo như cái cách Pepe lao vào ‘chém’ tung người Dani Alves ngày nào. Đơn giản, câu chuyện đẹp hay câu chuyện xấu cũng được, miễn là phải tạo cảm xúc mạnh mẽ, tạo ra tranh luận đa chiều để trận cầu luôn được nhớ tới. Và tạo ra câu chuyện thù địch thì luôn dễ hơn là tạo ra những câu chuyện thấm đẫm tình bằng hữu. Dễ hiểu, bóng đá dù sao cũng là môn đối kháng và cạnh tranh quyết liệt.
3. Giả sử ngày xưa, Van Gaal không bị Barca sa thải mà thay vào đó, ông rất thành công với Barca và rồi giải nghệ, để Mourinho thay ông lên tiếp quản đội bóng (như Tito lên thay Pep), biết đâu chừng Mourinho sẽ yêu Barca đến vô cùng và ông sẽ móc mắt một HLV Real chứ không phải một HLV Barca??? Sự thù địch mà Mourinho có với Barca chắc một phần đến từ kỷ niệm không vui với đội bóng đó lúc ông còn là trợ lý cho Van Gaal và nó đã được kích hoạt mạnh mẽ khi ông cầm quân ở Real. Và không thể phủ nhận, dù Real ghét cách hành xử của ông, cho rằng ông hủy hoại thanh danh và hình ảnh đội bóng đi nữa, ông vẫn tạo nên màu sắc cực hấp dẫn cho El Clasico, thứ màu sắc hôm nay Benitez và Enrique không tạo ra được.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất