Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 lịch sử ở TP HCM: Niềm vui mang tên 'Vaccine phòng Covid-19'

01/07/2021 08:32 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục diễn biến phức tạp do biến chủng Delta gây ra, trong tuần vừa qua (từ ngày 21-27/6), thành phố đã thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ vừa thần tốc khoanh vùng, kiểm soát dịch vừa triển khai chiến dịch tiêm vaccine có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với số lượng hơn 800.000 liều.

Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện các chuỗi lây nhiễm Covid-19 có số ca mắc lớn  

Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện các chuỗi lây nhiễm Covid-19 có số ca mắc lớn  

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 25/6, Việt Nam ghi nhận thêm 305 ca mắc mới, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với 161 ca.

Nhìn lại một tuần chạy đua với công tác tiêm vaccine trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp, có thể nói, câu chuyện tiêm vaccine đã mang lại cho các tầng lớp nhân dân thành phố nhiều cảm xúc, sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ y, bác sỹ thành phố và các lực lượng hỗ trợ.

Mặt khác, qua đợt tiêm vaccine “thần tốc” chưa có tiền lệ này, Thành phố Hồ Chí Minh cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm để tổ chức các đợt tiêm quy mô lớn thời gian tới. Phóng viên TTXVN đã có chùm hai bài viết phản ánh về việc này.

Đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 lần này của Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai gấp rút cho các đối tượng ưu tiên theo quy định, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu (y tế, công an…), lực lượng công nhân trong các khu chế xuất, công nghiệp, người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hàng hóa thiết yếu. Đây được xem là “lá chắn” củng cố an toàn phòng dịch, giúp doanh nghiệp, người lao động yên tâm sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa liên tục kể cả trong thời điểm nước sôi lửa bỏng hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức tiêm vaccine đã được đông đảo người dân thành phố ủng hộ, doanh nghiệp vững tin hơn vào duy trì hoạt động sản xuất.

Chú thích ảnh
Người lao động xếp hàng chờ thực hiện các thủ tục khai báo y tế trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Công nhân hồ hởi

Ngay trong buổi sáng đầu tiên đã có khoảng 1.000 công nhân, người lao động Công ty Trách nhiệm hữu hạn phần mềm FPT và toàn bộ công nhân Công ty Nipro tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh được tiêm chủng. Trong ngày thứ hai, các lực lượng ngành Y tế thành phố đã tiến hành tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho hơn 5.700 công nhân người lao động ở Công ty cổ phần may Nhà Bè và Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7).

Ghi nhận trong ngày này, hầu hết công nhân, người lao động đều bày tỏ đồng tình và ủng hộ việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nhằm tạo sức đề kháng và hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng. Song nhiều người cũng thật sự hồi hợp, lo lắng trước khi mũi kim cắm sâu vào bắp thịt do các khuyến nghị của Bộ Y tế và thông tin trên mạng xã hội sau tiêm. Không giấu được cảm xúc đó, anh Nguyễn Đức Quỳnh, nhân viên Công ty FPT Software Thành phố Hồ Chí Minh (Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức), bộc bạch: “Bản thân mình thật sự vinh dự là một trong những người đầu tiên đại diện cho công nhân, nhân viên tại Khu công nghệ cao được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Mong muốn mọi người, nhất là các công nhân lao động đều được tiêm vaccine phòng COVID-19 để được an toàn trước dịch bệnh; hạn chế làm gãy đổ chuỗi sản xuất trong doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của thành phố. Đối với người đã tiêm chủng phòng COVID-19 cũng không được chủ quan, phải tiếp tục thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận cho biết, do đã tìm hiểu trước đó và được hướng dẫn, tư vấn đầy đủ trước và sau tiêm, nên bản thân chị cũng ý thức về phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế để giúp ích cho bản thân và cả cộng đồng, xã hội được an toàn.

Chị Hoa cùng các đồng nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận mong Thành phố Hồ Chí Minh sớm có thêm các nguồn vaccine để tất cả công nhân, người lao động, người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đều được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo thống kê của Sở Y tế Thành phố, trong đợt tiêm hơn 800.000 liều vaccine phòng COVID-19 lần này, tại khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã có 312.269 người được tiêm trong tổng số 330.162 người đến; có 24.510 người hoãn tiêm vì các lý do không đảm bảo an toàn tiêm, chiếm 7,84%.

Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong những ngày qua, công nhân, viên chức, lao động thành phố đều quan tâm và ủng hộ chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; đồng thời tin tưởng việc tiêm chủng sẽ giúp người lao động phòng tránh được dịch bệnh và yên tâm sản xuất kinh doanh.

Công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các đơn vị, doanh nghiệp cũng được tiến hành theo kịch bản “mẫu” như trong ngày đầu tiên ở Khu công nghệ cao đã thống nhất. Công nhân lao động phải đến từ sớm để khử khuẩn, đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế và cam kết theo mẫu chung được ngành Y tế chuẩn bị trước. Trước khi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, công nhân lao động còn trải qua quy trình 3 bước gồm khám sàng lọc đo huyết áp, nhịp tim, kiểm tra việc hoàn thành các thủ tục khai báo; tư vấn sức khỏe, dự báo các trường hợp sau khi tiêm và cuối cùng được giới thiệu chủng loại vaccine, thời hạn sử dụng…

Chú thích ảnh
Công nhân, viên chức lao động ở các lĩnh vực, ngành nghề cùng học sinh, sinh viên và người dân địa phương hoàn thành thủ tục khai báo chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Doanh nghiệp yên tâm

Trong đợt tiêm này, Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn đã có hơn 400 công nhân được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ nhất. Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cho biết, ngành lương thực thực phẩm luôn có nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đủ và liên tục cho nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. Vì vậy, việc người lao động trong các doanh nghiệp ngành thực phẩm được tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng giống như có thêm lớp áo giáp bảo vệ bản thân, giúp họ yên tâm làm việc, duy trì hoạt động sản xuất liên tục.

Theo ông Dũng, việc ưu tiên cho người lao động tại các khu công nghiệp được tiêm vaccine phòng COVID-19 là một trong những giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ hoạt động sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu kép.

Tại Khu Công nghiệp Cát Lái, thành phố Thủ Đức, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động cũng được tổ chức bài bản theo phương châm “thần tốc và an toàn”. Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, 80% trong tổng số 520 cán bộ, nhân viên, người lao động của công ty, đủ điều kiện sức khỏe đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn. Đây là nguyện vọng của lãnh đạo và người lao động công ty nhằm bảo đảm sức khỏe toàn bộ nhân viên, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong các công ty có nhiều lao động, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo ông Trần Việt Anh, việc tập trung ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân khu công nghiệp có ý nghĩa quan trọng, bởi Việt Nam đang là công xưởng sản xuất, lắp ráp của thế giới. Các đơn hàng từ Mỹ, Trung Quốc, EU đã gia tăng trở lại. Trong khi đó, người lao động trong các khu công nghiệp làm việc tập trung, chung một dây chuyền, ở trọ cũng tập trung với mật độ cao nên chỉ cần một ca nhiễm sẽ lây lan rất nhanh.

“Nếu để xảy ra các ổ dịch lớn trong khu công nghiệp thì không chỉ gây áp lực lên hệ thống y tế, mà còn khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa của thế giới. Ngược lại, càng có nhiều người lao động trong các khu công nghiệp được tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc và lây lan diện rộng, từ đó bảo vệ an toàn cho hoạt động sản xuất, tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi kinh tế”, ông Trần Việt Anh nói.

Dù đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 song lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết vẫn tiếp tục yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế tại nhà máy, nơi cư trú trong và ngoài giờ làm việc, không chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm từ nhà máy về gia đình và ngược lại.

Theo lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố ưu tiên tiêm chủng cho công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn nhằm bảo đảm duy trì chuỗi sản xuất, để vừa thực hiện chống dịch vừa thực hiện mục tiêu kép theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Hàng nghìn người nghèo, cận nghèo được tiêm vaccine

|Trong đợt tiêm này, theo ghi nhận của phóng viên, các lực lượng chức năng thành phố tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 1.200 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo của Quận 3. Tương tự, các lực lượng chức năng cũng đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho gần 4.000 người thuộc các hộ nghèo và cận nghèo quận Tân Bình; đồng thời tiêm cho khoảng 1.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật... từ 18 - 60 tuổi ở quận Gò Vấp.

Đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận Gò Vấp cho biết, đây là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, dễ bị tổn thương bởi những tác động của dịch bệnh. Việc tiêm vaccine sẽ giúp những người nghèo được an toàn hơn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước, minh chứng sinh động của chủ trương “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành đã lập danh sách khoảng 3.000 người là cán bộ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Sở; người làm công tác chăm sóc, quản lý trong các cơ sở bảo trợ, cơ sở cai nghiện do Sở quản lý; các bộ phận tiếp nhận hồ sơ, tiếp công dân; đồng thời lập danh sách khoảng 289.000 người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội (người cao tuổi, người tâm thần, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...), người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng để tiến hành tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Lê Minh Tấn cho biết, trước mắt trong đợt tiêm lần này, Sở lập danh sách tiêm cho khoảng 75.000 người, trong đó có gần 2.000 người thuộc diện chính sách, có công với cách mạng, 2.000 người thuộc diện bảo trợ xã hội ở cộng đồng và khoảng 4.000 giáo viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hơn 66.600 thành viên hộ nghèo và cận nghèo tuổi từ 18 – 60 để tiêm vaccine. Các nhóm này được tiêm tại các điểm tiêm ở quận, huyện nơi cư trú. Đồng thời, khoảng 1.400 cán bộ, công chức, người lao động thuộc 15 đơn vị cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội và các đơn vị sự nghiệp do Sở quản lý cũng được tham gia tiêm đợt này.

(Bài 2: Phối hợp tổng lực và đảm bao an toàn)

A.Tuấn – X.Anh – T.Vũ – Đ.Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm