Hôm nay, khai mạc Ngày thơ Việt Nam: Người về đây như hơi rượu nóng

24/02/2013 07:20 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Một không gian thơ tươi trẻ cho tất cả mọi người đã chảy đến, trào dâng trong Ngày thơ lần thứ 11 hôm nay, Rằm tháng Giêng (25/2), tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ngày thơ sẽ có màn chúc phúc cầu “quốc thái dân an” và đọc thơ của Đại đức Thích Trường Xuân, trụ trì chùa Long Đẩu (trong quần thể chùa Thầy).

Ngoài lễ rước thơ, thả thơ truyền thống, sáng nay, tại sân Thái Miếu nhiều nhà thơ đã thành danh sẽ đọc thơ về chủ đề Đất nước – Mùa Xuân gồm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Trần Cương, Dương Thuấn, Nguyễn Trọng Văn, Hải Đường, Trần Đăng Khoa, Đoàn Mạnh Phương, Trần Quang Đạo, Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Thị Mai.

Nhà thơ Phan Huyền Thư (phải) đang hướng dẫn nhóm Sân thơ trẻ tập luyện chiều 23/2/2013

Chuỗi hoạt động hướng tới ngày thơ

Tối 13 tháng Giêng (22/2), đêm thi thơ đầu tiên giữa các trường đại học diễn ra tại sân Văn Miếu – Quốc Tử Giám với sự tham gia nhiệt tình, sôi nổi của sinh viên các trường đại học. Đáng chú ý là tiết mục hát múa mở màn trích đoạn “Đất nước” trong trường ca Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm) của sinh viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem.

Những màn trình diễn của sinh viên HV Cảnh sát nhân dân mang lại những cảm xúc bất ngờ trước tình cảm của những chiến sĩ công an nồng nàn trước tình yêu biển đảo, tổ quốc. Đặc biệt là tiết mục trình diễn tác phẩm Khúc hát cho anh giàu tính biểu tượng cùng màn múa minh họa trên nền giai điệu của ca khúc Tự nguyện.

Ngày thơ tại Văn Miếu còn có các tiết mục của Nhật Trang, ca sĩ Sao Mai- Điểm hẹn với ca khúc Chuyện tình nhà thơ, bài hát Giai điệu Tổ quốc của nhạc sĩ Trần Tiến cũng sẽ vang lên qua phần thể hiện của nhóm nhạc Belcanto. Đặc biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và GS.TS Bruce Weigl sẽ đến giao lưu cùng những bạn trẻ và đọc những bài thơ mới nhất về tình yêu của mình.

Trong chuỗi hoạt động của ngày thơ, chiều 14 tháng Giêng (23/2), tại Thiên Quang Tỉnh đã diễn ra lễ cắt băng khai mạc triển lãm kỷ niệm 70 năm văn hóa cứu quốc. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN khẳng định: Một trong những điểm nhấn của Ngày thơ năm 2013 là triển lãm 70 năm văn hóa cứu quốc. Bởi đây là thời kỳ có ý nghĩa lịch sử, tập hợp các trí thức yêu nước, các lực lượng văn hóa cứu quốc đấu tranh cho độc lập, tự do và cho nền văn hóa mới của dân tộc. Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập tại Hà Nội, những hội viên đầu tiên của Hội như Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Đặng Thai Mai, Tô Hoài, Học Phi… đã trở thành lực lượng nòng cốt của các ngành văn hóa văn nghệ thủơ ban đầu.

“Bay qua biển Đông” ở sân thơ trẻ

Điểm “nóng” của ngày thơ năm nay chính là sự trở lại của Sân thơ trẻ. Bài hát Bay qua biển Đông của nhạc sĩ Lê Việt Khánh qua phần trình bày của ban nhạc M4U và tiết mục nhảy hip-hop của nhóm nhảy Mania (giải Nhất trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng Vietnet) sẽ mở màn Sân thơ trẻ 2013 vào sáng nay - Rằm tháng Giêng (25/2).

Nhà thơ Hữu Việt - phụ trách chương trình, nội dung kịch bản Sân thơ trẻ hé lộ chương trình sẽ gồm có 2 phần. Phần thứ nhất là trình diễn thơ của các trường đại học. Đây là những tiết mục đã đoạt giải cao trong cuộc thi trình diễn thơ vừa qua. Phần thứ hai là trình diễn thơ của 9 nhà thơ do Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn VN tổ chức và dàn dựng. Chương trình gồm 2 tổ khúc: Tổ quốc & Tình yêu với sự tham gia, phụ hoạ của các nghệ sĩ và ca sĩ nổi tiếng do các nhà thơ: Vũ Thiên Kiều, Thụy Anh, Nguyễn Minh Cường, Miên Di, Nguyễn Quang Hưng, Lữ Thị Mai, Du Nguyên, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Anh Vũ trình diễn với phần đệm đàn của nghệ sĩ piano Nguyễn Đức Trường và nghệ sĩ violon Đoàn Phương Thảo.

Nhạc sĩ Lê Việt Khánh (tác giả bài hát Bay qua biển Đông) tâm sự: Bài hát này xin gửi tặng anh linh những người chiến sỹ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Trường Sa nói riêng và bảo vệ toàn vẹn mọi miền biên cương tổ quốc VN nói chung; gửi những chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ hải đảo cũng như trên miền biên giới đất nước từ địa đầu phía bắc đến đất mũi cực nam. Gửi đến các anh lời nhắn nhủ của thế hệ trẻ VN hôm nay được sinh ra, lớn lên và học tập trong hòa bình, có được cuộc sống yên ấm sẽ không bao giờ quên gửi tới các anh những tình cảm, sự quan tâm và sẻ chia. Thanh niên VN không bao giờ quên lòng tự hào dân tộc và nghĩa vụ đối với tổ quốc.

Nóng hổi “Đồng hương Trường Sa của tôi”

Tối 14 tháng Giêng (24/2) nhạc sĩ Lê Tâm cũng có mặt trong buổi luyện tập trình diễn của nhóm thơ 9 người của Sân thơ trẻ. Nhà thơ Phan Huyền Thư “bật mí” Lê Tâm là một người yêu thơ và nhiều năm gắn bó với sân thơ trẻ. Lê Tâm vừa từ Trường Sa trở về, đầu tóc vẫn còn thơm sóng biển và sẽ trình bày tại sân Thái Học với ca khúc mới nhất Đồng hương Trường Sacủa tôi do anh sáng tác, thể hiện cùng nhóm Belcanto.

Trao đổi với TT&VH, nhạc sĩ Lê Tâm cho biết ca khúc Đồng hương Trường Sa của tôi được Lê Tâm viết trong đợt công tác Trường Sa vừa qua. “Hãy mang đến trong khu vườn tôi một cụm phong ba/ Đồng hương của tôi ơi/ Biển Đông của tôi ơi/ Tuần tra vượt sóng gió/ Vì con trai ngày mai/ Tôi đứng ở nơi đây/ Vững chãi Trường Sa ơi!” (Lời ca khúc Đồng hương Trường Sa của tôi).

Ca khúc kể về những câu chuyện có thật của lính đảo, nhân vật trong bài là Tuấn và Giáp là hai người lính đảo.

Lòng bất chợt nao nức, chộn rộn khi nghĩ đến câu thơ của Nguyễn Quang Hưng “Người về đây như hơi rượu nóng”. Sóng gió cuốn lên rồi, lời của nhà văn Gogol khi nhắn gửi đến những người trẻ vẫn vang động: “Hãy mang theo tất cả để lên đường, khi từ những năm niên thiếu dịu dàng bước vào tuổi trưởng thành khắc khổ, hãy mang theo tất cả những xúc cảm của tâm hồn nhân loại, đừng bỏ nó lại dọc đường để rồi sau đó lại nhặt lên”.

Mọi xúc cảm, thể nghiệm, mọi cách tân, những góc nhìn mới, những giọng nói mới luôn được vang lên kỳ diệu trong ngày thơ, nhưng có một điều không bao giờ thay đổi đó là tình yêu dân tộc, tinh thần dân tộc và truyền thống dân tộc.

Thi trình diễn thơ cho Ngày thơ: Phấp phỏng chờ kết quả trong đêm

Hai đêm qua, 22 và 23/2, sân khấu Ngày thơ VN đã sôi nổi với cuộc thi sáng tác và trình diễn thơ của sinh viên các trường hướng tới Ngày thơ Việt Nam năm nay. Các trường tham gia dự thi gồm: ĐH Văn hóa Hà Nội, Nhạc viện Hà Nội, HV Cảnh sát, HV Báo chí Tuyên truyền, Đại học Bách khoa, Đại học KHXH&NV, Đại học Sư phạm Hà Nội 1.

Sau khi kết thúc 2 đêm thi, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN đồng thời là Trưởng BGK đánh giá: “Toàn bộ các tiết mục văn nghệ, tác phẩm thơ do các bạn sinh viên sáng tác và trình diễn đã làm sống dậy cảm xúc lớn của tuổi trẻ với tổ quốc, đánh thức niềm tự hào dân tộc, kêu gọi trách nhiệm của mỗi người đối với sinh mệnh đất nước, nhân dân; tất cả các phần thi đều có chất lượng và có hiệu quả nghệ thuật”

Vì thời gian kết thúc đêm thi thứ hai muộn hơn dự kiến, và BGK còn phải họp để chấm điểm, cho nên kết quả cuộc thi chỉ được công bố vào sáng nay (24/2). Những tiết mục đoạt giải sẽ được tham gia trình diễn tại Sân thơ trẻ ngay trong buổi sáng. Chính vì vậy, tối qua, sau khi chấm xong, BGK đã “liên hệ trong đêm” với các đơn vị đoạt giải để có thời gian chuẩn bị. Thế là tối qua, sau khi thi xong, các bạn sinh viên “phấp phỏng” ra về chờ đợi “tin vui” đến từ các vị giám khảo.

Hoa Quỳnh


Đoàn Diệp Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm