Những kỵ sĩ chân trần trên cao nguyên Bắc Hà

20/06/2010 11:34 GMT+7 | Du lịch đời sống

(TT&VH) - Dưới cái nắng chói chang của cao nguyên Bắc Hà, những chú tuấn mã không cần thắng yên, những kỵ sĩ người chân trần, người dép lê rạp mình trên lưng ngựa lao băng băng về đích trong tiếng reo hò phấn khích của hàng vạn người xem. Đó là những hình ảnh làm nên một lễ hội đua ngựa độc đáo, hồn nhiên và nguyên sơ bậc nhất trên cao nguyên Bắc Hà trong ngày hôm qua 19/6.

Kỵ sĩ chân đất, ngựa nghe… nhạc sàn

Đúng 9 giờ, sau lễ khai mạc và diễu hành, các kỵ sĩ “chân đất” nhảy lên lưng ngựa theo phong cách rất riêng, không yên, tay cầm dây cương vào vị trí xuất phát. Trang bị của các tay đua ngoài chiếc mũ bảo hiểm và bộ trang phục truyền thống có gắn số ra chẳng có gì khác. Ngay từ khi hiệu lệnh xuất phát được phất lên, các tay đua đã cúi rạp trên lưng ngựa lao vun vút, để lại những đám bụi phía sau. Cuộc đua càng trở nên quyết liệt bởi những tiếng hò reo tán thưởng vang trời của hàng nghìn người dân quanh đường đua.

Đua ngựa ở Bắc Hà có từ bao giờ, tới nay chưa có ai trả lời chính xác. Theo lời kể của những cao niên địa phương, khi lớn lên họ đã thấy Bắc Hà có đua ngựa rồi. Trước kia, hội đua ngựa có điều khác bây giờ là được tổ chức mỗi năm một lần vào dịp đầu xuân; đường đua là đường thẳng hoặc đường tròn đi quanh các bản chừng khoảng 5 đến 7km.


Băng về đích
Giải thưởng có khi chỉ là những chàng vỗ tay tán thưởng của người dân trong vùng và quan trọng nhất là được “cái tiếng”. Sau này kinh tế khá hơn thì có thưởng bằng vật chất, có năm thưởng bằng đôi khăn mặt, bộ quần áo hay dăm ba bao thuốc lá, vài túi kẹo... Nhưng điều chắc chắn, con ngựa về nhất sẽ được nhiều người hỏi mua với giá đắt và được chọn nhân giống cho nhiều con trong bản.

Theo phong tục trước kia, khi các kỵ mã phải thực hiện rất nhiều bước như: Cưỡi ngựa phải bắn cung, sau đó phải lấy linh vật rồi quay lại nơi xuất phát mới trở thành người thắng cuộc.

Đua ngựa Bắc Hà những năm gần đây đã có những thay đổi nhưng vẫn giữ được dư âm, sự hồn nhiên xưa kia. Ngựa đua là những chú ngựa vốn được nuôi để phục vụ sản xuất và đi lại. Theo kinh nghiệm của kỵ sĩ Vù Seo Lâu, xã Bản Phố: Để chọn được ngựa đua tốt thì hình dáng phải cao to, thịt săn, chân thẳng, răng trắng đều, bờm dày. Phải xem tính nết của các chú ngựa nữa, bởi ngựa cũng có con dữ, con hiền, có con biết nghe lời và có con bướng bỉnh.

Vù Seo Lâu kể: “Nhiều con ngựa đang chạy trong cuộc đua bỗng dưng đứng xững lại mặc cho chủ quát mắng. Còn có những chú ngựa đua khác thì rất sợ người lạ và những nơi đông người, chúng rất ít khi được tiếp xúc với đám đông và những tiếng reo hò như ngày hôm nay”. Đặc biệt, theo quan sát của chúng tôi, năm nay có một chú ngựa hai tai đeo 2 chiếc loa nhỏ. Khi hỏi chủ của con ngựa này thì mới hay chú đang nghe... nhạc sàn, vì chú sợ các âm thanh khác, ngoài tiếng nhạc sàn.

Giải nhất trị giá 20 triệu đồng


Kỵ sĩ Lý Seo Áo và chiếc cúp vô địch

Đương kim vô địch của giải đua năm ngoái là kỵ sĩ Vàng Văn Thức ở xã Na Hối. Thức biết cưỡi ngựa từ năm 7 tuổi, bác ruột Thức là ông Vàng Văn Rởi, một tay đua ngựa nổi tiếng ở Bắc Hà cũng là tay buôn, chọn ngựa giỏi.


Ông đã huấn luyện Thức trở thành kỵ sỹ giỏi. Thức bảo rằng cưỡi ngựa ở đây không thắng yên, muốn giữ được thăng bằng cần phải biết cách ngồi vào đúng điểm lõm gần vai ngựa, hai chân phải kẹp chặt vào bụng ngựa. Phải biết nhịp của ngựa đua để khi đua nhún mình lên xuống theo nhịp phi của ngựa, ngựa sẽ phi nhanh hơn.

Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà mở rộng năm 2010 nằm trong Tuần lễ du lịch Bắc Hà. Giải năm nay, ngoài 60 kỵ mã đến từ các xã, thị trấn trong huyện Bắc Hà còn có sự góp mặt của đội tuyển đua ngựa huyện Si Ma Cai với 7 kỵ mã và huyện Sín Mần, tỉnh Hà Giang với 4 kỵ mã.

Sau từng đợt đua vòng loại, Ban tổ chức chọn những con có thành tích cao tính theo giờ để vào bán kết và chung kết. Kết quả trận chung kết, anh Lý Seo Áo cưỡi ngựa số 143 của xã Bản Phố đã về nhất; anh Thào Seo Phừ cưỡi ngựa số 168 của xã Tả Văn Chư về nhì và anh Vàng Văn Huỳnh cưỡi ngựa số 198 của xã Na Hối về thứ ba. Giải nhất cá nhân trị giá 20 triệu đồng, giải nhì trị giá 8 triệu đồng và giải ba trị giá 7 triệu đồng.

Giải nhất toàn đoàn thuộc về xã Na Hối, đây là năm thứ tư liên tiếp xã Na Hối dẫn đầu cuộc đua, giải nhì toàn đoàn cho đội đua xã Bản Phố và giải ba toàn đoàn cho đội đua xã Tà Chải. 3 xã đều của huyện Bắc Hà, Lào Cai.

Ông Ngô Xuân Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Bắc Hà: Đây là giải đua ngựa thật sự gay cấn và hấp dẫn nhất từ trước đến nay. Cuộc đua thể hiện tính thượng võ và lòng dũng cảm của những người dân vùng cao nơi đây cũng như của đồng bào dân tộc Việt Nam.

Lục Văn Toán - Bùi Thanh Hải

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm