ĐT Italia: Nhớ Cannavaro!

11/06/2008 09:12 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Trước khi giải đấu bắt đầu, người ta nhất trí với nhau rằng hàng thủ vắng Cannavaro sẽ là tử huyệt của Italia tại EURO lần này, nhưng không ai ngờ nó lại mỏng mảnh, yếu đuối và vô tổ chức đến thế.

Chỉ cần vài đường bóng dài của Hà Lan là đủ khiến cái danh “phòng thủ kiểu Italia” vỡ tan như bong bóng xà phòng.

Rắn mất đầu

Tại World Cup 2006, Italia mất trung vệ Nesta ở trận cuối cùng của vòng bảng, và được thay thế xuất sắc bởi Materazzi. Sự thành công đó khiến người Italia tin rằng chấn thương bất ngờ của đội trưởng Fabio Cannavaro cũng sẽ được bù đắp bằng một gương mặt khác, thậm chí lại một lần nữa là Materazzi, cho dù cầu thủ này đã già hơn 2 tuổi và đang có phong độ kém cỏi. Nhưng quả “đời không như là mơ”. Materazzi chỉ có thể làm thay Cannavaro một việc: ra sân cho đủ người. Cái mà người ta mong đợi ở anh, là kinh nghiệm, là khả năng dẫn dắt đồng đội thay cho Cannavaro, đã bị phụ bạc.

Hai năm trước, Azzurri mất Nesta, nhưng họ vẫn còn đó Cannavaro, một bộ óc tổ chức tài ba, người có thể chỉ huy cả một hệ thống phòng thủ đứng vững trước sức công phá của Đức, của Pháp. Không Nesta, chẳng Cannavaro, hàng thủ Italia ở giải đấu này rơi vào tình trạng rắn mất đầu, khi không ai đảm đương được vai trò thủ lĩnh. Materazzi không thể là thủ lĩnh khi luôn chơi thiếu gương mẫu. Barzagli đã từng thất bại trong vai trò này ở cấp CLB. Chiellini còn quá trẻ. Zambrotta và Grosso chạy cánh, không thích hợp cho vai thủ lĩnh. Chỉ còn lại Panucci, giàu kinh nghiệm nhất đội. Nhưng tố chất thủ lĩnh ở cầu thủ này cũng hết sức mờ nhạt (ở Roma, anh từng xỉ vả đồng đội vì không thông báo cho anh vị trí của tiền đạo đối phương, trong khi nếu là một thủ lĩnh, chính anh phải là người làm việc đó).

Cannavaro và người đồng đội tại Real Madrid Van Nistelrooy
 
Và vì thiếu một thủ lĩnh, hàng thủ Italia trước những người Hà Lan thực chất không thể gọi là một “hàng thủ”, bởi 4 cầu thủ chơi không hề gắn kết, mỗi người một phách. Panucci và Barzagli thường xuyên đứng sai vị trí và chuyền hỏng. Materazzi quá chậm và yếu. Zambrotta chỉ mải dâng lên. Điều đó dẫn đến việc cứ mỗi khi Hà Lan tổ chức tấn công hay phản công là hàng thủ ấy trở nên hỗn loạn và mất phương hướng. Điển hình là ở bàn thua cuối, khi 5 cầu thủ áo Xanh không khống chế nổi 2 cầu thủ đối phương trước cầu môn đội nhà, thậm chí không ai đứng gần Van Bronckhorst hơn... 5m khi anh này nhảy lên đánh đầu. Trước đó là cả tá lần bẫy việt vị bị phá đơn giản, mà nếu không có sự xuất sắc của Buffon và sự trợ giúp của trọng tài, tỷ số hẳn sẽ không chỉ là 3-0.

Thân bại, danh liệt

Không có vai trò thủ lĩnh của Cannavaro, Italia đã thua chóng vánh 2 bàn sau có nửa giờ thi đấu. Và từ hai bàn thua quá nhanh, quá sớm ấy, họ đã không thể gượng dậy nổi dù đã chơi tấn công không đến nỗi nào. Chỉ trong 90 phút, tất cả những khái niệm “mặc định” về Azzuri như “phòng thủ xuất sắc”, “bản lĩnh”, “kinh nghiệm”, “tinh thần vượt khó” đều đã tiêu tan.
 
Nói đến bản lĩnh Italia lúc này sẽ khiến người ta phì cười. Sau 2 bàn thua, các cầu thủ áo Thiên thanh không còn giữ được vị thế ĐKVĐ thế giới của họ, chơi với một tâm lý sợ hãi rõ rệt và thể hiện sự luống cuống, run rẩy một cách tội nghiệp. Ai đó đã có lý khi nói rằng, dẫu chỉ cần phát huy 1/10 bản lĩnh và sự tự tin mà các bậc tiền bối của họ đã từng thể hiện ở trận bán kết EURO 2000 thắng Hà Lan, thì rất có thể họ đã làm nên được cuộc lội ngược dòng.

Lần cuối cùng người ta được thấy bản lĩnh ấy là ở loạt sút penalty ở sân Berlin ngày 9/7/2006, trên khuôn mặt lạnh như tiền của Fabio Cannavaro.

Bách Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm