08/06/2022 08:01 GMT+7 | Văn hoá
Nghệ thuật phản ánh đời sống xã hội là một hình thức phổ biến của nghệ thuật đương đại. Bản thân Đỗ Tuấn Anh cũng dành quá nửa chặng đường sáng tác nghệ thuật của mình (tính đến thời điểm hiện tại) để phản ánh những vấn đề đó.
Sau gần 10 năm kể từ triển lãm cá nhân cuối cùng ở Hà Nội, anh trở lại với Sự phản chiếu của cảnh quan kép. Anh đã gặp một biến cố hoặc một cơ hội để được nhìn tập trung vào nội giới của mình và thể hiện ra nghệ thuật cách tinh khiết?
Triển lãm này đang diễn ra tại Hanoi Studio Gallery (13 Tràng Tiền, Hà Nội), kéo dài đến hết ngày 15/6/2022.
Tiến dần vào bên trong
Chỉ cần quan sát Đỗ Tuấn Anh từ chủ đề và cách thể hiện những đối tượng nghệ thuật của anh cũng đã thấy một chặng đường tìm tòi, nhiều thay đổi. Chặng đường đó đi từ những hiện tượng xung quanh của đời sống mà anh chứng kiến, rồi cô đọng trừu tượng dần vào văn hóa và trở về bên trong nội giới cá nhân.
Đỗ Tuấn Anh đã từng được nhắc đến từ những năm 2000 với cụm từ “họa sĩ chuyên vẽ chân dung người nghèo”. Triển lãm đầu tiên của anh xoáy vào những cảnh đời nghèo khổ, lầm lũi trong một đô thị. Đó là một bà cụ nhặt vỏ lon bia trong thùng rác, một người thợ vá xe sau một ngày lao động mệt mỏi, bà cụ bán bánh mì… Các tác phẩm của anh lúc này mang phong cách hiện thực biểu hiện.
Cho đến triển lãm Ồ! Thành phố năm 2009, đối tượng nghệ thuật đã chuyển đổi, tiến rộng hơn sang những hiện thực của sự phát triển cả một đô thị. Và tiếp đó trong các triển lãm Xa năm 2012, Kể chuyện phương Đông năm 2014 là hàng loạt các tác phẩm táo bạo, phản ánh đời sống, văn hóa bằng ngôn ngữ siêu thực.
Tác phẩm Sự phản chiếu trong triển lãm Xa, vẽ những người nông dân trên cánh đồng giả tưởng, hình ảnh ngôi đình làng phản chiếu trong mảnh gương vỡ bên cạnh mũi súng… Không gian của cánh đồng, của ngôi đình trong tác phẩm được trình bày kiểu hình ảnh giả lập. Ý niệm về văn hóa chỉ còn trong ảo ảnh, giữa bối cảnh nông thôn tượng trưng, được thể hiện rõ qua tạo hình tranh.
Sau một sự thay đổi lớn trong cuộc sống cá nhân, Đỗ Tuấn Anh chuyển sang Đức định cư, nghệ thuật của anh chuyển trực tiếp sang những câu chuyện của đời sống cá nhân. Năm 2015, anh tham gia triển lãm nhóm Nhập cư và bản sắc tại Viện Goethe Hà Nội. Hàng loạt tác phẩm được trình bày trong khổ giấy lớn, nhưng đối tượng tạo hình thì được thu nhỏ vào trung tâm. Đó là những chiếc hộp hoặc lồng, bên trong diễn tả đời sống cá nhân - có lẽ của chính tác giả - ở các khoảng thời gian trong ngày. Các tác phẩm được đặt tên như Bữa sáng, Bữa trưa, Bữa tối, Tối muộn, Nửa đêm… Nhân vật gói gọn trong căn phòng của ngôi nhà gỗ kiểu châu Âu, với cái đầu được che kín, không còn nhận ra danh tính. Có thể thấy, câu chuyện nhập cư và bản sắc của cá nhân đã ám ảnh Đỗ Tuấn Anh nhiều như thế nào qua loạt tác phẩm này.
Đỗ Tuấn Anh sinh năm 1979 tại Thanh Hóa, Việt Nam. Tốt nghiệp khoa Đồ họa, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2000. Hiện sống và làm việc tại Đức. |
Hai nửa văn hóa trong cảnh quan kép
Sau Nhập cư và bản sắc, Đỗ Tuấn Anh có một số triển lãm tiếp theo tại Đức. Những triển lãm này đi về ngôn ngữ trừu tượng, dần mất đi những dấu vết của hình hài cuộc sống, cũng dần vắng bóng nét phương Đông. Tuy nhiên, cho đến Sự phản chiếu của cảnh quan kép tại Hà Nội hôm nay, người xem lại thấy được sự kết hợp và hòa hợp của hai miền văn hóa Đông-Tây.
Trong chia sẻ của mình, Đỗ Tuấn Anh kể về sự ra đời của loạt sáng tác này: “Loạt tranh này tôi vẽ từ cuối năm 2020 cho đến hết năm 2021. Đây là lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở châu Âu. Khi đó, tôi sống một đời sống cô lập, cách ly với các hoạt động xã hội. Nơi tôi ở là một thành phố nhỏ, trung du, miền Tây nước Đức, với phong cảnh đặc trưng là các hồ nước, rừng cây và các tàn tích còn sót lại thời trung cổ… Mỗi mùa trong năm tôi đều dành rất nhiều thời gian tản bộ để quan sát, cảm nhận sự lạnh lẽo khôn cùng của tự nhiên”.
Trong chia sẻ của mình, anh cũng thể hiện niềm vui khi bước đầu hòa nhập được với nền văn hóa Đức sau nhiều năm của hành trình vật lộn với cuộc sống nhập cư và câu hỏi về bản sắc.
Các tác phẩm trong loạt tranh Sự phản chiếu của cảnh quan kép lần này được thể hiện qua ngôn ngữ bán trừu tượng, với các sắc thái của màu xám. Các bức tranh diễn tả cảnh vật đa dạng từ mặt nước mênh mông cho đến những dấu vết nhỏ bé của sự vật đang tan rã.
Tác phẩm V.I.D 07 giống như tất cả các tác phẩm khác được vẽ bằng chất liệu mực, acrylic trên giấy với màu xám đơn sắc. Tác phẩm diễn tả một vỏ ốc xoắn, choán hết bố cục tranh. Trên đó là những vết nứt, những giọt nước chảy xuống, lỗ thủng trên vỏ báo hiệu sự hủy hoại, trong lỗ thủng lớn có một cụm hoa ưu đàm mọc lên. Bao quanh vỏ ốc là những lớp vỏ nứt xếp chồng tỏa ra tứ phía. Ở một tác phẩm khác diễn tả một đoạn thân cây chắn giữa tranh, bên cạnh là mặt nước đang gợn một vòng sóng tròn từ dưới phun lên những tia bụi trắng…
Những mô-típ xuất hiện trong các tác phẩm pha trộn cả sắc thái tạo hình và ý nghĩa văn hóa phương Đông và phương Tây. Sự hoang hủy của đời sống vật chất đã được thể hiện thành cả một phong cách tranh Vanitas trong hội họa phương Tây, nhắc nhở con người về tính thoảng qua của cuộc sống. Các mô-típ tạo hình trong loạt tranh của Đỗ Tuấn Anh như những chiếc gai đâm xuyên qua tấm vải voan mỏng mảnh, chiếc lông rơi cùng mảng tuyết trắng, diêm cháy bay trên không trung, sự phân rã của tự nhiên ở thân cây, lá… cho thấy sự diễn tả những ý tứ của dòng tranh Vanitas.
Bên cạnh đó, mô-típ những giọt nước trên bề mặt mọi sự vật mang âm hưởng phương Đông. Nước trong đạo mang nhiều ý nghĩa. Nước lợi cho vạn vật, không bị trở lực, bất tranh, ở bầu thì tròn ở ống thì dài, mà không bao giờ mất thể tính. Giọt nước nhỏ bé trong những bài thơ haiku của văn hóa Nhật phản chiếu được cả thế giới. Nước thể hiện một sự linh hoạt ứng biến của con người ở mọi hoàn cảnh. Bên cạnh đó, hình ảnh sóng nước lan tỏa, hoa ưu đàm, chiếc lông đều gợi nhớ đến những hình tượng trong đạo Phật của văn hóa phương Đông.
Sự phản chiếu của “cảnh quan kép” thể hiện một sự chuyển đổi trong tư duy nghệ thuật của Đỗ Tuấn Anh khi hình tượng trong loạt tác phẩm này khác biệt so với cả những triển lãm gần đây ở bên Đức. Đỗ Tuấn Anh đã trăn trở nhiều năm bên trời Tây về danh tính và bản sắc cá nhân. Và có lẽ trong triển lãm này, người xem đã thấy được sự mượt mà uyển chuyển trong ngôn ngữ nghệ thuật, mà anh không phải gồng mình hoặc gắng gượng. Hoặc ở một khía cạnh khác, qua triển lãm này và câu chuyện cá nhân của Đỗ Tuấn Anh, có thể ta sẽ phải suy nghĩ về một câu hỏi: Con người hoặc một nghệ sĩ khi bị tách ra khỏi đời sống xã hội liệu có còn cảm hứng/nhu cầu phản ánh những hiện tượng xã hội? Hoặc điều gì còn lại khi ta đứng trước thiên nhiên mênh mông?
Các mô-típ tạo hình trong loạt tranh của Đỗ Tuấn Anh như những chiếc gai đâm xuyên qua tấm vải voan mỏng mảnh, chiếc lông rơi cùng mảng tuyết trắng, diêm cháy bay trên không trung, sự phân rã của tự nhiên ở thân cây, lá… cho thấy sự diễn tả những ý tứ của dòng tranh Vanitas. |
Huyền T. Trần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất