Cảnh báo nồng độ CO2 trong khí quyển tăng kỷ lục trong vòng 56 năm

11/03/2016 11:55 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tốc độ gia tăng lượng phát thải khí các-bon đi-ô-xít (CO2) vào khí quyển đã lên mức kỷ lục trong năm 2015, cho thấy tính cấp bách của các giải pháp giảm thải lượng khí độc hại gây hiệu ứng nhà kính này - nguyên nhân dẫn tới tình trạng nóng lên trên toàn cầu, băng tan nhanh và mực nước biển dâng cao.

Trong một báo cáo về mức độ CO2 trong khí quyển được công bố ngày 10/3, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng hàng năm của nồng độ CO2 trong khí quyền là 3,05 phần triệu (ppm), mức tăng hàng năm lớn nhất trong vòng 56 năm qua. Năm ngoái cũng được ghi nhận là năm thứ 4 liên tiếp lượng khí CO2 tăng hơn 2 ppm. Báo cáo cũng cho biết nồng độ khí CO2 trung bình hàng tháng trên toàn cầu đã đạt 402,59 ppm vào tháng 2 vừa qua.


Nhận định về vấn đề này, các nhà khoa học của NOAA cảnh báo nồng độ CO2 đang ngày càng tăng nhanh hơn so với hàng nghìn năm trước. Theo họ, hai nguyên nhân chính dẫn đến sự nhảy vọt của nồng độ CO2 trong khí quyển là do hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino và việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Các chuyên gia cho rằng tác động của El Nino đối với sự tích tụ nồng độ CO2 là một hiện tượng tự nhiên mang tính chất tạm thời, trong khi nguyên nhân chủ yếu và lâu dài chính là sự gia tăng của lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hậu quả từ các hoạt động của con người. Họ khuyến cáo chính phủ các nước cần triển khai những hành động khẩn cấp để giảm thiểu lượng khí CO2 nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 2 độ C. 

Hồi năm ngoái, Viện nghiên cứu Liên minh Trái Đất đã dự đoán có tới 1 trên 10 khả năng nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng lên 6 độ vào năm 2100 nếu lượng khí thải không được cắt giảm, từ đó thúc giục các cường quốc hàng đầu trên thế giới nhất trí về một "ngân sách khí thải" - giới hạn mức khí thải vào khí quyển ở một nửa mức hiện nay. Ngoài ra, Liên minh Trái Đất cũng kêu gọi chấm dứt tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, phát triển các công nghệ không làm ảnh hưởng đến khí hậu, nhân rộng các cơ chế xử lý khí thải an toàn và bền vững như tăng cường trồng rừng.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm