22/09/2021 21:30 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Phố xá đông đúc đêm Trung thu tại Hà Nội không khỏi khiến nhiều người bàng hoàng, lo ngại nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại khi mà biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan rất nhanh. Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách sau thời gian dài áp dụng Chỉ thị 15 và 16. Nhưng để giữ được thành quả chống dịch, rất cần ý thức của mỗi người dân.
Tối 20/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị 22, cho phép áp dụng nguyên tắc Chỉ thị 15 trên địa bàn thành phố, không áp dụng kiểm soát giấy đi đường, đồng thời nới lỏng một số hoạt động dịch vụ.
Đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, phải bảo đảm khoảng cách 2m, cấm tụ tập hơn 10 người ở nơi công cộng, nhưng tối qua, 21/9, đúng ngày Trung thu, hàng nghìn người dân Thủ đô đổ xuống đường đi chơi, làm ùn tắc một số tuyến phố trung tâm như quanh Hồ Gươm, phố Huế, Hàng Bài...
Trong biển người hôm qua chỉ cần có một trường hợp F0, để dịch bùng lên lại thì rất khó truy vết, vô cùng tai hại. Chúng ta nới lỏng từng bước dần đi đến trạng thái bình thường mới, còn bây giờ vẫn phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 15, tức là người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Đừng xả hơi kiểu thiếu ý thức, sẽ làm cả xã hội thêm vất vả.
Hình ảnh này một lần nữa lại nhắc chúng ta cần nhớ lại bài học đắt giá của Ấn Độ, đó là bài học về hành vi cộng đồng, bài học về coi thường dịch bệnh. Gần 5 triệu tín đồ Hindu dự lễ hội Kumbh Mela bên bờ sông Hằng vào đầu tháng 4/2021 đã biến sự kiện tôn giáo lớn nhất thế giới nói trên trở thành sự kiện "siêu lây nhiễm".
Tương tự, nhiều “sự kiện cộng đồng” ở không ít quốc gia đã gây ra những ổ dịch lớn, chủ yếu cũng từ những đám đông, từ sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của con người như ổ dịch bùng phát ở nhà thờ Tân Thiên Địa (Hàn Quốc). Trong thời gian qua, trước diễn biến của đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, nhiều quốc gia đã ghi nhận các kỷ lục mới về số người mắc, số người tử vong cho nên phải tái áp dụng lệnh phong tỏa, giãn cách.
Điển hình như ở Pháp, trong làn sóng thứ 3 của dịch, đã phải phong tỏa trở lại 1/3 dân số cả nước. Nhiều thành phố ở các quốc gia như Tây Ban Nha, Mỹ, Australia… đã phải công bố tái phong tỏa vì lo ngại nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Còn ở Israel, sau một thời gian ngắn nới lỏng, Chính phủ nước này gần đây phải siết chặt lại các biện pháp kiểm soát, như hạn chế số lượng và đối tượng tham gia các sự kiện đông người. Đáng lưu ý, nước này có tỷ lệ tiêm vaccine đạt mức rất cao, thậm chí nhiều người dân đã được tiêm mũi 3.
Sau thời gian dài giãn cách, cách ly ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Hà Nội, do diễn biến dịch bất thường, khó lường với chủng virus mới, thì mới đây, sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và thành phố Hà Nội trong việc phòng chống dịch bằng nhiều biện pháp cụ thể, trong đó có việc xét nghiệm diện rộng và tiêm bao phủ vacccine toàn thành phố, Hà Nội đang từng bước trở lại cuộc sống “bình thường mới”.
Sau gần 2 năm chống dịch thì có lẽ đến bây giờ, không ai không biết về cơ chế lây lan chóng mặt của loại dịch bệnh này. Trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, các quy định về phòng chống dịch chỉ mới được “nới lỏng” chứ chưa hoàn toàn được “gỡ bỏ”, những người phải “ra đường” tối Trung thu tại Hà Nội có thực sự cần thiết? Ra đường chỉ để “giải tỏa” sau gần 2 tháng giãn cách, phong tỏa? Ra đường là vì cho rằng đã được tiêm phòng vaccine COVID-19 hay vì lý do nào khác?
Sự kiện trên khiến nhiều người, các chuyên gia không khỏi lo lắng. PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện khẩn cấp y tế cộng đồng (Bộ Y tế) cho rằng, nếu trong đám đông tối qua tại Hà Nội có một F0, với chủng Delta sẽ rất dễ lây lan sang những người khác. Khi đó, nhà chức trách khó truy vết, bởi không biết ai tiếp xúc với ai.
Chia sẻ với tâm lý người dân sau thời gian dài ở nhà, ai cũng háo hức muốn xuống phố, song các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần tuân thủ các yêu cầu của thành phố, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Nếu để dịch bùng phát diện rộng, Hà Nội lại phải giãn cách theo Chỉ thị 16 lần nữa sẽ gây tốn kém rất nhiều nguồn lực và ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, đời sống của tất cả mọi người. Theo ước tính của các chuyên gia, nếu Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, mỗi ngày Hà Nội mất khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nới lỏng trong bình thường mới không có nghĩa là buông xuôi, phải luôn kiểm soát tình hình dịch. Bởi nếu 1 ca F0 xâm nhập vào thành phố, dịch COVID-19 tại Hà Nội hoàn toàn có nguy cơ bùng phát trở lại và tạo ra nhiều chùm lây nhiễm nghiêm trọng. Nếu ra đường để đi làm, đi sản xuất thì có thể thông cảm, nhưng nếu để giải trí, đi chơi thì các cơ quan chức năng cần có các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn những hoạt động này tái diễn.
Đừng để sự việc như Trung thu vừa qua trở nên đắt giá hơn bao giờ hết. Đừng để mọi nỗ lực, hy sinh của chúng ta, của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân trong thời gian qua trở nên vô nghĩa. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nói, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch. Mà ý thức thì do mỗi người, không mất tiền mua.
Chúng ta không thể sống mãi trong tình trạng giãn cách xã hội. Nhưng muốn bình thường trở lại, phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của mỗi người. Đó cũng là liều vaccine hướng tới cuộc sống bình thường mới. Vào lúc này, muốn giữ được thành quả trong phòng chống dịch, chỉ có ý thức và 5K mới có thể giúp được điều này.
Đức Tuân/Theo Chính phủ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất