Cần hiểu lại ý nghĩa của việc xin chữ

25/02/2014 07:45 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện đầu năm đi xin chữ sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không có sự đột biến về số lượng người xin chữ và cả người cho chữ. Đó là hiện tượng đáng mừng khi dân ta giàu chữ nghĩa, ham văn hóa, hay là đáng lo vì người ta đang chạy theo tâm lý đám đông?

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Hán-Nôm Lê Phương Duy, giảng viên Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) xung quanh câu chuyện chữ nghĩa.

* Thời gian vừa qua, dường như báo chí nói khá nhiều về câu chuyện ông đồ ra bờ tường Văn Miếu hay ngồi yên ở Hồ Văn mà gần như không nói nhiều đến chất lượng các ông đồ. Phải chăng có gì đó khó nói?

- Tôi cũng thấy đã tới lúc chúng ta cần phải mang câu chuyện “chất lượng ông đồ” ra để bàn, cũng như một số chuyện có liên quan tới vấn đề này, để không chỉ nhiều ông đồ phải nhìn nhận lại mình mà ngay cả người đi xin chữ sẽ không phải thất vọng hay nhận lấy những điều đáng tiếc khi xin chữ về nhà.

Thực ra nói về chất lượng hay giá trị thì vô cùng nhưng việc cho chữ cũng rất cần phải có một tiêu chuẩn nhất định. Không thể cứ biết một số chữ Hán, viết quen một vài chữ thông thường là có thể đem bút nghiên ra cho chữ là đã được gọi là ông đồ.


Thư pháp gia trẻ Lê Phương Duy

* Có nghĩa chúng ta đang có những người đọc được chữ, cho chữ nhưng không phải là ông đồ?

- Có thể nói thế này: Anh có thể đọc được chữ Hán nhưng những tầng lớp văn hóa cổ ẩn sau đó như thế nào, anh có thấu hiểu không, lại là vấn đề khác. Ví dụ, khi vào đình chùa nào đó, anh có thể đọc được hết một bức hoành phi bốn chữ và cắt nghĩa được từng chữ trong đó. Nhưng liệu anh có hiểu và cắt nghĩa suôn sẻ được cả bức hoành phi đó không? Công việc đó không hề dễ dàng. Tất nhiên, ngoại trừ một số câu chữ đơn giản, chung chung mà ai biết chữ Hán cũng có thể hiểu được. Có những câu đặt trong hoàn cảnh này thì có sắc thái ý nghĩa này, nhưng dùng trong hoàn cảnh khác thì mang sắc thái ý nghĩa khác. Nếu chỉ đơn thuần cho chữ Phúc, chữ Lộc, chữ Tài… thì cũng không có gì để nói nhiều.

* Có một ông đồ trẻ nói rằng, các ông đồ có râu viết “rất tốt”. Tất nhiên ý của anh ta là họ có đông khách, bán được nhiều chữ.

- Nếu ra Văn Miếu, để tìm người viết chữ tốt hiện nay thì không có nhiều lắm. Nếu nói về người viết chữ tốt, thì nên chú ý đến giới thư pháp trẻ. Họ được đào tạo căn cơ, có vốn cổ văn khá tốt và công phu tập luyện thư pháp dày dạn. Trong số họ, có những người có thể sánh tầm với những thư pháp gia của Trung Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản...

Nói như vậy, không có nghĩa rằng, trong số những người có tuổi viết chữ không có người viết tốt, và không phải trong giới thư pháp trẻ ai viết chữ cũng tốt cả. Tuy nhiên, dường như những thư pháp gia trẻ “không có uy tín lắm” trong mắt người đi xin chữ. Đi một dọc phố ông đồ ngoài vỉa hè Văn Miếu trong những ngày Tết để thưởng lãm thư pháp, phần nhiều tôi không được ưng ý lắm (cả về nội dung và hình thức). Hoặc có thể do sự cảm nhận của tôi còn chưa được tinh tế?

Ông đồ đã ra ngoài cho chữ thì điều bắt buộc là phải đảm bảo cả hai yếu tố: Văn hay và chữ tốt. Vậy trình độ Hán học của đa số những người cho chữ bây giờ thế nào? Chữ nghĩa ra sao? Có những người vừa viết vừa tra từ điển. Tất nhiên, biển học vô bờ, chữ nghĩa vô cùng. Nhưng ít nhất mức độ để đảm bảo là một ông đồ thì phải có tiêu chuẩn nhất định, chứ không thể để như tình trạng hiện nay được. Chưa nói đến chuyện nhiều người viết đi viết lại một câu chữ nào đó một cách máy móc mà không hiểu đúng ý nghĩa, xuất xứ của câu chữ đó là như thế nào, nên dùng trong hoàn cảnh nào... Tôi từng đi một vài nơi tổ chức viết thư pháp, được thấy nhiều thầy đồ viết những câu rất hay. Nhưng khi hỏi thì họ không giải thích được.

* Tết này có quá đông người xin chữ, thậm chí đông đột biến. Anh nghĩ sao trước hiện tượng này?

- Tôi thấy vừa đáng mừng, vừa có điều đáng ngại. Mừng bởi nét văn hóa truyền thống của ngày Tết Việt vẫn đang được duy trì và tái hiện. Nhưng đáng ngại thì nhiều hơn. Văn hóa xin chữ đầu năm thực sự đang có vấn đề. Tôi rất thấm thía câu các cụ vẫn nói: “Văn hay chữ tốt”, tức là ngoài việc viết chữ đẹp ra thì anh phải có một vốn chữ nghĩa phong phú và một nền tảng văn hóa cổ sâu rộng. Và ngược lại.

Tôi đi qua Văn Miếu nhiều lần, thấy các bạn trẻ đi xin chữ rất đông. Nhưng dường như việc đi xin chữ của các bạn ấy có vẻ là một hiệu ứng đám đông. Thậm chí họ hiểu rằng đi xin chữ giống như đi xin một lá bùa để biến mơ ước của mình thành hiện thực. Có những người đi xin chữ và hỏi cuối năm có phải hóa đi không (giống như hóa vàng mã vậy) hay treo hướng nào để hợp tuổi..., chứ không phải xin chữ để tạo nên một động lực tu dưỡng, phấn đấu nhằm hướng đến cái đích người ta cần đạt được.

* Phải chăng đang có những niềm tin sai lệch trong việc xin chữ?

- Tôi chỉ ví dụ thế này: Dường như ở Việt Nam, Khổng Tử đã trở thành một vị thần linh, hơn là một nhân vật lịch sử, một danh nhân văn hóa. Họ thắp hương, cúng tế, cầu xin ông… Thực tế Khổng Tử và những vị tiên hiền, tiên nho được thờ tự, không phải là những vị thần linh có quyền năng ban phúc giáng họa, chiêu tài tiếp lộc hay cho quyết định việc thi đỗ, thi rớt. Ngay đến bây giờ, nhiều người vẫn nhầm lẫn, không phân biệt được Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Văn Miếu là nơi thờ tự Khổng Tử cùng các vị tiên hiền, tiên triết theo quan niệm của Nho giáo. Nhiều người tưởng ở đó giống như ngôi miếu, ngôi đền, ra đó để cầu thần thánh ban phước, ban lộc. Khổng Tử không có quyền năng như thế. Vì những hiểu nhầm như vậy nên dẫn tới việc hiểu nhầm ý nghĩa của việc xin chữ là điều dễ hiểu.

* Trở lại với chuyện chữ nghĩa, có một câu chuyện mà tôi từng chứng kiến. Một cô gái trẻ xin chữ của một cụ trong Hồ Văn. Cụ cao tuổi, tay run, viết chữ không được đẹp. Cô gái không chịu, bắt cụ phải viết lại. Dù chữ cuối cùng cũng được viết xong nhưng cô gái đã tỏ ra rất khó chịu.

- Như tôi đã nói, ở đây câu chuyện không chỉ là với ông đồ cho chữ mà còn với cả những người đi xin chữ. Điều này thể hiện văn hóa ứng xử. Họ cần biết, xin chữ là xin cả phúc đức của người viết chữ. Hay đừng chỉ nghĩ tôi bỏ tiền ra mua chữ là xong.

Việc xin chữ ngày xưa không chỉ diễn ra đầu năm và cũng không chỉ để cầu phúc, cầu lộc. Khi nhà người ta có việc hiếu hỷ, tân gia, sinh con, đỗ đạt... thì đều cần đến chữ nghĩa. Yêu cầu và hoàn cảnh của người xin rất phong phú và đa dạng. Có khi lại gặp phải trường hợp vô cùng oái oăm. Vì vậy người cho chữ cần có đủ vốn chữ nghĩa để có thể tư vấn và đáp ứng nhu cầu xin chữ của người xin. Ngày xưa khi cả xã hội cùng chung một nền văn hóa, nên nếu anh viết sai, viết dở, thì sẽ bị người khác chê trách, châm biếm…

* Vậy có nên chọn lọc, quy chuẩn lại các ông đồ vào dịp cho chữ đầu năm để tránh tình trạng lộn xộn đó không?

- Tôi nghĩ quan trọng vẫn là các ông đồ phải tự ý thức và nâng cao trình độ, khả năng của chính mình. Và người dân, nhất là các bạn trẻ cũng cần hiểu đúng được ý nghĩa của văn hóa xin chữ. Như vậy, thì mọi việc có thể tự điều chỉnh được.

* Xin cảm ơn anh.

Bài và ảnh: Cao Mạnh Tuấn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm