Nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm: "Cần sự mạch lạc và đồng bộ trong chính sách tiền tệ"

02/11/2010 16:45 GMT+7 | Thế giới

Trong cuộc trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đang diễn ra tại Hà Nội, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh khi đất nước cân đối ngân sách giỏi, ổn định, bền vững thì vốn tích lũy sẽ tăng lên.


 Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm. (Nguồn: aodongkhoi.com.vn).

"Nếu chúng ta đi vay vốn mà không sử dụng hiệu quả thì dẫn tới việc chứa đựng nhiều rủi ro khi phải nợ quá hạn. Cho dù hiện tại ta đang ở trong mức an toàn cho phép nhưng trong tương lai khi tiến hành trả nợ thì kinh tế lại không an toàn nữa," ông Kiêm nói.

- Chính sách tín dụng, chính sách tiền tệ hiện đang điều chỉnh không xác thực, khiến cho giá USD hay là giá vàng liên tục lên xuống thất thường, ông nghĩ sao?

Tiến hành điều chỉnh về mặt định hướng, chủ trương thì hoàn toàn đúng, theo đúng nguyên tắc cung, cầu thị trường. Nhưng theo tôi, việc cụ thể hóa chủ trương bằng những chính sách và cách điều hành  lại chưa khớp. Sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đôi khi chưa mạch lạc và chưa đồng bộ.

Kiểm soát lạm phát của chúng ta hiện đang ở mức dưới hai con số. Còn tăng trưởng kinh tế thì đến thời gian này có thể khẳng định rằng sẽ đạt được mục tiêu đề ra là 6,7% năm 2010.

- Ông có cảnh báo nào về tăng trưởng kinh tế 2 tháng cuối năm?

Như chúng ta đã xác định được 6 khuyết điểm của Chính phủ thuộc về vĩ mô, dài hạn như sức cạnh tranh, hiệu quả nền kinh tế, hệ số ICOR, quản lý môi trường, khoáng sản, đất đai, vấn đề thể chế kinh tế, chất lượng nguồn lực, vấn đề về hệ thống cơ sở hạ tầng.

Những vấn đề tồn tại này, theo tôi, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Nếu không được khắc phục thì nó sẽ làm chậm lại chỉ tiêu phát triển kinh tế và làm cho chúng ta rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình.

Vì những vấn đề vĩ mô còn chưa được giải quyết triệt để, bên cạnh đó lại còn nhập siêu, bội chi ngân sách và những nút thắt của nền kinh tế như điện, nước, than, ách tắc giao thông..., tất cả đang nghẽn lại. Hậu quả là những năm tới sẽ xảy ra bất trắc, tiềm ẩn rủi ro sẽ lớn lên. Và khả năng xảy ra những vấn đề không an toàn cho nền kinh tế là có.

- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, lãi suất có thể lên tới 16, 17%. Trong khi đó Chính phủ vẫn tiếp tục phát hành trái phiếu thì rất khó cho việc giảm lãi suất xuống?

ây là một điểm yếu mà tôi vừa phân tích, đó là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Ví dụ như chúng ta đang muốn kéo lãi suất xuống để cứu sản xuất, cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa thì lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi phải thấp xuống.

Nhưng hiện nay trái phiếu Kho bạc Nhà nước khi huy động vào và trái phiếu Chính phủ vẫn đang giữ ở mức từ 11- 13% thì chắc chắn số vốn sẽ phải dồn về một phía, không vào sản xuất kinh doanh mà lại đi chỗ khác. Vốn của ngân hàng tụt đi thì làm sao đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Trái phiếu nếu không sử dụng thì lại đem gửi vào kho bạc, và thậm chí khi bán đi thì một số cá nhân có vốn lại mua. Mua nhưng vẫn không đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà lại mang vào thị trường liên ngân hàng... Thế là số vốn này cứ chạy lòng vòng, giữa mấy "ông" ngân hàng với nhau trong khi vốn dùng để đưa vào sản xuất kinh doanh, phục vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì lại không có. Khả năng sử dụng đương nhiên là kém hiệu quả.

Điều quan trọng lúc này là Chính phủ phải điều hành làm sao giảm bội chi ngân sách, giảm nhập siêu càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng hay. Thứ nữa là phải tập trung giải quyết kinh tế tư nhân, vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tháo gỡ cho họ về vốn, về mặt bằng sản xuất, thể chế và phải giảm được chi tiêu công, sắp xếp lại doanh nghiệp quốc doanh. Phải quản lý kinh tế, quản lý con người một cách chặt chẽ, gắn nghị quyết với hành động, gắn quyền lợi kinh tế với quyền lợi xã hội. Phải gắn liền giữa nói và làm.

- Trên diễn đàn Quốc hội, có nhiều ý kiến cho rằng các công ty phải công khai tài chính, minh bạch tài chính như các công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, ý kiến của ông như thế nào?

Đây là một vấn đề cần thiết, có lợi cho cả doanh nghiệp và cho cả xã hội. Doanh nghiệp muốn có thương hiệu, muốn tồn tại được thì phải có được sự tín nhiệm, có được lòng tin của khách hàng, của đối tác.

Doanh nghiệp nào còn tồn tại thì phải tập trung sửa chữa, nếu che giấu thì nó như cái nhọt bọc, đến một lúc nào đó nó bung ra thì vô phương cứu chữa.

Tôi cho rằng Luật về kinh doanh vốn nhà nước là cần thiết, nhưng để xây dựng được nó thì cũng cần phải có thời gian., trước mắt, các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch hóa vấn đề tài chính.

Đối với vấn đề Vinashin, sau khi phát hiện ra và trước thực trạng đáng buồn này thì phải quy trách nhiệm và xử lý. Việc này dứt khoát phải làm. Nếu cứ để tiếp tục thế này thì không ổn. Phải phân rõ trách nhiệm ra từng cấp, cấp tập đoàn quản lý đến đâu, cấp lãnh đạo đến đâu...

Nếu ta nhận khuyết điểm cho người khác thì cũng không được. Và nếu ta xuê xoa, cho qua nó đi thì cũng không được, càng làm cho doanh nghiệp khó khăn và giảm sút lòng tin của nhân dân.

Khi đi vào mổ xẻ vấn đề này thì phải theo trình tự pháp luật, phải có thực tế, phải có chứng lý, nguyên nhân rõ ràng. Không thể giải thích một chiều. Về việc có ý kiến đề nghị Quốc hội thành lập một ủy ban lâm thời giải quyết việc này, theo tôi, nếu Chính phủ chưa thể giải quyết một cách rõ ràng thì phải có một ủy ban ở cấp cao hơn là Quốc hội vào cuộc.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm