Sao Mai Điểm Hẹn: Đã tới điểm dừng?

16/07/2014 16:00 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(Thethaovanhoa.vn) - SMĐH 2004 là người mở đường cho cuộc “cách mạng âm nhạc truyền hình” nhưng đáng tiếc, nó lại không phải là người dẫn đường. Suốt 10 năm qua, chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc này chưa bao giờ cho thấy họ muốn là người dẫn đầu.

Đâu rồi những giọng ca tầm vóc?

Khi BTC cuộc thi SMĐH 2004 phá luật để đưa thêm vào “format” một giải thưởng của Hội đồng nghệ thuật (bên cạnh giải thưởng do khán giả bầu chọn ban đầu vốn là giải thưởng duy nhất của chương trình), mở đường cho sự đăng quang của Tùng Dương (bên cạnh Kasim Hoàng Vũ - giải của công chúng bình chọn), dù có không ít tiếng ra tiếng vào của dư luận sau đó nhưng cho tới nay ai cũng thấy rằng đó là một quyết định hợp lý. Tùng Dương đại diện cho một mùa âm nhạc đẹp nhất của SMĐH. Tới nay chưa thấy nhân tố âm nhạc nào “lạ” như thế và cũng từ sau đó, SMĐH ngày càng đuối dần.

Những tên tuổi xuất thân từ SMĐH trong suốt 10 năm qua (5 mùa) đến giờ le lói chỉ vài người như Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ, Hoàng Hải, Phạm Anh Khoa, Hà Anh Tuấn… Những tên tuổi khác vẫn đang tìm lối đi sau cuộc thi. Tầm vóc âm nhạc của các giọng ca cũng ngày càng khan hiếm. SMĐH từ chỗ cung cấp cho thị trường những giọng ca đẹp giờ loay hoay để tìm thí sinh. Từ chỗ đang độc tôn giờ đẹp, sóng vàng thì bỗng nhiên SMĐH bị quy hoạch di dời ra chỗ khác.

Điều này tất nhiên có nhiều lý do, mà lý do đầu tiên là… cơ chế thích ứng.


Giọng ca phương Nam đăng quang tại SMĐH 2004 nhưng tại SMĐH 2014 duy nhất chỉ còn 1 thí sinh từ “trung tâm nhạc nhẹ cả nước” lọt vào vòng 12 thí sinh ở vòng chung kết - thí sinh Trần Ngọc Vũ trong liveshow đầu tiên SMĐH 2014

Ngay mùa đầu tiên, SMĐH đã sẵn sàng “chỉnh sửa” để phù hợp với tình hình mới. Điều này làm nhiều người nghĩ rằng chương trình này sẽ luôn cố gắng thay đổi để hút khách, và rằng đây là format của đài nên sẽ chẳng nề hà chuyện bó buộc cấu trúc kịch bản như các chương trình nước ngoài khác. Nhưng thực tế thì SMĐH chỉ thay đổi cơ cấu giải thưởng một lần trong 10 năm qua. Khi các chương trình nước ngoài có định dạng tương tự như Idol, X-factor… tràn vào màn hình ti-vi Việt thì SMĐH bị hụt chân. Sự hụt chân này là do chương trình, nói nhẹ là không có cơ chế thích ứng, còn nặng lời là bảo thủ. Sự thay đổi quá nhanh của thị trường truyền hình đã khiến thị trường âm nhạc thay đổi, tất cả các tài năng âm nhạc đều lao lên truyền hình để tìm vận may. Và như thế, từ chỗ đang độc quyền khai thác tài năng nhạc nhẹ, SMĐH phải chia quyền lợi cho nhiều chương trình khác được đầu tư lớn và có sức hấp dẫn hơn rất nhiều.

Nhưng phải đặt câu hỏi ngược lại: Nếu chương trình này không bảo thủ thì SMĐH sẽ như thế nào? Bởi với cấu trúc đào tạo, thi tuyển, biểu diễn, live show nhiều tuần…, nếu thay đổi cho hợp với thực tế, SMĐH có khác gì Idol hay The Voice? Vậy thì chỉ còn cách “tôi trung thành với cách làm của tôi”, bởi mỗi sân chơi có một đối tượng, có một tôn chỉ riêng. Muốn gây cấn, hãy xem Học viện ngôi sao, muốn chiêu trò hãy chờ Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt, Vietnam Idol… Mà thực tế cũng cho thấy, cả Vietnam Idol hay Giọng hát Việt cũng đang mất dần sức hút theo thời gian khi đấu trường thi hát ngày càng xuất hiện nhiều đối thủ mới, nhiều chiêu trò chơi mới.

Không tham gia vào “cuộc đua”, với những gì đã thấy, SMĐH đang lựa chọn kiểu “quay về”. Ở đó, SMĐH muốn duy trì một cuộc thi hát và ở đó có những thí sinh muốn tìm cơ hội trong một cuộc thi hát thuần túy. Họ muốn được tạo ra một nền tảng được công nhận về mặt chuyên môn rồi sau đó sẽ… đi thi những cuộc thi khác! Và như thế, ý nghĩa “can thiệp” vào thị trường để khuấy động như mùa đầu tiên của SMĐH (để tiếp sức cho “đàn chị” Sao Mai) đã “nhường” cho các chương trình âm nhạc khác. SMĐH trở thành một cuộc thi âm nhạc thuần túy chuyên môn.

Nhưng một nghịch cảnh sẽ lại xảy ra, những tài năng có chuyên môn thời điểm này chỉ muốn “chiến” ở những chương trình thời thượng khác. Nhìn vào danh sách thí sinh SMĐH năm nay, đa phần đều đang học tại các trường âm nhạc. Các thí sinh được đặc cách từ Sao Mai 2013 cũng không có nhiều dấu ấn trong năm qua.

Và như vậy, yếu tố quan trọng nhất của một cuộc thi âm nhạc tài năng ngày càng vắng bóng thì sức hút chương trình giảm là chuyện đương nhiên.

Cây nhà lá vườn

Một chương trình âm nhạc truyền hình thời thượng hiện phải có 3 yếu tố: Chiêu trò, công chúng và tài năng. Chuyện tài năng không phải là vấn đề cấp thiết của những chương trình thời thượng như Idol hay Giọng hát Việt nhưng đó là vấn đề cấp bách của SMĐH bởi chương trình này nói không với tiểu xảo, chiêu trò.

Và giờ đây, khi tài năng nở muộn thì liệu công chúng có quay lưng với SMĐH hay không?

Mùa đầu tiên (2004) đã đưa SMĐH trở thành chương trình vàng và là niềm tự hào của VTV3 nhưng suốt một thời gian dài niềm tự hào ấy được liên tục nhảy kênh, hết VTV3 lại sang VTV2, VTV4 và rồi về VTV6. Câu trả lời đã có sẵn, xã hội hóa truyền hình đã khiến những chương trình thuần Việt như SMĐH mất chỗ đứng cố định. Giờ vàng, sóng đẹp giờ dành cho những chương trình đem lại lợi nhuận khổng lồ.

SMĐH bây giờ đang tự hoạch toán, không có nhà tài trợ. Nhưng tại sao nó vẫn tồn tại?

Câu hỏi này sẽ làm bật ra hình ảnh của một thập niên trước. Lúc ấy, truyền hình có những gì? Chỉ duy nhất một SMĐH. Trong 10 năm qua, truyền hình đã phát triển như vũ bão, phân tán người xem, tán mỏng công chúng ra thành nhiều phân khúc.

Thêm nữa, cần nhìn lại một cách công bằng. Có những cuộc chơi như Bài hát Việt cho dù không ồn ào và đình đám trên thị trường nhưng vẫn được duy trì bởi có sức ảnh hưởng và mang lại cơ hội cho nhiều người trong cuộc (nhạc sĩ, ca sĩ). SMĐH có lẽ cũng vậy, đây vẫn là chương trình giữ được tinh thần của một cuộc thi hát. Khán giả thời thượng thì thích những chương trình mang nặng tính giải trí không có nghĩa sẽ không có lượng công chúng khác thích xem những chương trình kiểu SMĐH.

Bên cạnh đó, 10 năm trước SMĐH đứng trước áp lực rất lớn khi là người tiên phong còn bây giờ chương trình này lại chịu áp lực cũng lớn không kém để tồn tại. Áp lực này đến từ thương hiệu cuộc thi ca hát của một đài truyền hình quốc gia. Vì thế chương trình này có thể sẽ chỉ “biến mất” khi gánh nặng trên vai không còn, hoặc đến một lúc nào đó, Ban Văn nghệ Đài THVN đã tìm được một chương trình khác.

Nhưng xét cho cùng, dù tồn tại hay biến mất, thì những gì mà SMĐH đã làm được cho đến hôm nay, vẫn rất cần những cái nhìn trân trọng.

Cung Tuy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm