14/11/2015 11:15 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Nhậu đâu cũng là uống rượu, song ở Hà Nội, uống rượu mà “đối ẩm” với Ô Quan Chưởng vẫn được coi là “đặc sản” với nhiều người sành nhậu. Mỗi khi có dịp, khá nhiều khách nhậu tới đầu phố Đào Duy Từ vừa để hồi cố vừa tỏ ra hãnh diện trước những vị khách phương xa.
Khi chúng tôi đến nơi, quán rượu cháo lòng trên phố Đào Duy Từ đã nêm chặt khách. Lúc mới vào, bà chủ không cho khách lên gác ngồi nhưng Đ.B cứ lên. Chiều khách, bà tủm tỉm cười rồi dọn bàn ra lan can.
Thực tế, bà sợ lan can sập. Mà cái lan can trong ngôi nhà cũ cũng choãi ra nguy hiểm thật. Song, cái chông chênh, nhếch nhác luôn có hấp lực mạnh với những “ẩm sĩ” Hà Thành. Nhất là trong những cuộc rượu với người phương Nam như cuộc rượu của chúng tôi.
Bạn Đ.B, anh H.N, là một người gốc Bắc, vào Nam kinh doanh gần chục năm và đã định cư hẳn trong Nam. Hai người vừa là bạn từ hồi Đại học, vừa là đối tác nên hiểu rõ về sở thích, tâm tính của nhau. Tỉ như đã uống rượu ở Hà Nội là phải ngồi ở đây rồi đi đâu sẽ tính tiếp. Sau những phút vồn vã ăn uống, "ẩm sĩ" ngẩng đầu lên, phóng tầm mắt ra, sẽ thấy được toàn cảnh Ô Quan Chưởng.
Những câu chuyện “chém gió” được truyền miệng về đủ thứ trên đời và cả lịch sử Ô Quan Chưởng nơi cả chủ và khách đang ngồi đối ẩm. Đ. B vừa kể lể rất dài, vừa khéo rót đầy ly rượu những người xung quanh và khẽ khàng rót vào ly mình. Anh uống rất nhanh chiếc ly chỉ có vài giọt rượu của mình trong khi bạn nhậu vẫn đang cầm ly nhìn Ô Quan Chưởng và hình dung về quá khứ xa xôi. Cứ thế, hết chuyện này tới chuyện khác, trầm tích lịch sử như tấm bình phong khổng lồ để Đ.B chuốc rượu mọi người lắc lư.
2. Sau nhậu khai màn, khách phương Nam trở về thói quen cố hữu: nhậu âm nhạc như vốn vừa nhậu vừa nghe đờn ca tài tử đất phương Nam. Tính tiền xong, chủ khách đi taxi tới ngõ Tạm Thương. Nơi mà tiếng đàn hát lúc nào cũng tràn trề như những cốc rượu tắc kè, bìm bịp sóng sánh trong ánh đèn chạng vạng.
Chúng tôi ngồi ở một quán nhậu rộng chừng 10m2, nơi có một nhóm sinh viên đã đàn hát từ trước. Các quán ở Tạm Thương không phong phú về mồi nhậu, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có: nem chua rán, tóp mỡ xào dưa, hoa quả. Nhưng Tạm Thương làm người phương Nam tạm quên đi những quán nhậu chỉ “chém gió phần phật”. Tạm Thương khiến người xa xứ tìm được cốt cách rộn ràng của những lời ca, tiếng đàn cùng tinh thần trẻ trung.
Dù món nhậu Tạm Thương ít ỏi nhưng âm nhạc ở góc phố như một nồi lẩu thập cẩm. Từ nhạc The Beatles tới nhạc Trịnh, nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc Sơn Tùng MTP... đều lần lượt vang vang. Một người đàn và cả quán cùng hát. Một người mời và cả bàn cùng uống. Nhạc hay, không khí rôm rả nhưng ai cũng hiểu với nhau rằng nói thật nhiều, hát thật to là kỹ nghệ uống rượu của những ẩm khách Tạm Thương khi rượu đã tới mà ngày vui chưa dứt.
“Sương giăng mờ trên ngõ Tạm sương / Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm/ Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm / Thương một đời đâu phải tạm thương?”. Đ.B lẩm nhẩm đọc những câu thơ của Chế Lan Viên vừa để khỏa lấp sự im lặng vừa để “phả rượu” khi người chơi đàn tạm nghỉ để uống.
Thơ hay, nâng cốc. Món mới, nâng cốc. Vì sức khỏe, nâng cốc. Tay chơi đàn trở lại, nâng cốc... Những lời mời liên tục của dân nhậu trở thành một hợp âm bất tận cho đến đêm khuya...
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất