Cảm ơn các em đã biết cúi đầu chấp lễ!

02/10/2017 07:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, video clip ghi lại hình ảnh các học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) “10 em thì đến 9” cúi chào bác bảo vệ khi bước vào cổng, nhận được hơn 2.000 lượt chia sẻ.

Cúi đầu, khoanh tay chào người lớn, đấy là chuyện bình thường, bất cứ đứa bé nào cũng được cha mẹ và thầy cô dạy dỗ từ nhỏ. Vậy mà, cộng đồng mạng lại nhiều con tim lại “tan chảy”, xôn xao cả lên.

Chỉ có thể giải thích: đấy là hiện tượng lạ, hiếm. Có thể hiếm trong ngành giáo dục, hoặc hiếm thấy ở nhiều trường trên toàn quốc trong bối cảnh chữ Lễ đang rất có vấn đề. Có đáng băn khoăn không khi đi khắp nơi, chúng ta không lạ cảnh khẩu hiệu quen thuộc được treo nơi mặt tiền các trường: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Tầm này năm ngoái, tại hội thảo “Xây dựng môi trường văn hóa trường học” do Bộ GD&ĐT tổ chức, nhiều đại biểu đã có đề xuất xem xét lại khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Chú thích ảnh
Học sinh cúi chào bác bảo vệ trước khi vào trường. Ảnh: Internet

Khẩu hiệu này xuất phát từ tư tưởng Khổng Tử (Ngũ thường), một trong 5 phẩm chất của một người quân tử: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Chữ Lễ, đứng thứ 3. Trong phạm vi khẩu hiệu trên, chữ Lễ như thông điệp căn bản của thầy lẫn trò - học (và dạy) làm người trước, kiến thức sau. Thầy phải là tấm gương sáng. Khẩu hiệu này đã theo suốt bao nhiêu thế hệ.

Thực ra, dạy chữ Lễ không chỉ gói gọn dạy trong nhà trường. Học sinh có “thành người” hay không phụ thuộc vào môi trường chung. Trong đó, tấm gương của người lớn, hiệu quả của việc dạy và các nội quy nhà trường, các định chế xã hội, nền tảng trí thức... dẫn dắt.

Trong khi dư luận xuýt xoa khen các em học sinh trường Lê Hồng Phong, thì mấy ngày nay, cũng có một cuộc “khẩu chiến” khá rầm rộ trên cộng đồng mạng, về bản nội quy của ngôi trường dân lập nổi tiếng - Lương Thế Vinh (Hà Nội), của Giáo sư Văn Như Cương. Một “phe” cho rằng bản nội quy quá hà khắc. Bên kia chiến tuyến ủng hộ phải nghiêm khắc như thế mới giúp bọn trẻ vào khuôn khổ, thẩm thấu được chữ Lễ, thành người. Nhân nói chuyện khẩu hiệu của ngôi trường này là: “Có chí thì nên”.

***

Cho nên, bàn về chữ Lễ ở môi trường giáo dục, điều chỉnh, thậm chí thay đổi các khẩu hiệu, thông điệp xơ cứng là cần thiết.

Năm ngoái, tôi có dịp tham quan trường Đại học Washington - Mỹ. Đứng trước ngôi trường Đại học xếp 17 trên 100 của thế giới, cứ tủm tỉm cười xen ngạc nhiên khi khẩu hiệu truyền thống của trường này thật đơn giản: “Qua chân lý, giành lấy sức mạnh”.

Lá đơn buồn về giáo dục

Lá đơn buồn về giáo dục

Đấy là một lá đơn gây sốc của người đã đứng trong hàng ngũ nhà giáo trong suốt 16 năm qua - anh Đoàn Hùng Cường, giáo viên trường PTDT Nội trú huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Anh không phải là một giáo viên bình thường.

Thấy thú vị, trong một bữa tiệc, tôi tò mò hỏi mấy đứa cháu chuyện khẩu hiệu của trường tiểu học, trung học, thì nhận được rất nhiều cái khẩu hiệu rất rất thú vị: “Học, cống hiến và thành đạt", “Luôn nghĩ sẽ làm được, học hành chăm chỉ, trở thành thông minh và hãy tốt bụng", "Nghĩ kỹ và mở mang đầu óc, hãy kết nối, và giữ tinh thần cao thượng", "Học để tự học, cống hiến cho vùng, quốc gia và toàn cầu"...

Khi chúng ta dạy dỗ con em “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng môi trường giáo dục từ nhiều phía đang đủ thứ vấn nạn làm đảo điên chữ Lễ, thật là đáng buồn. Dù sao, vẫn cảm ơn các em trường Lê Hồng Phong, đã biết cúi đầu chấp lễ, tạo một làn gió mát lạ về sự văn minh, tử tế. Chỉ mong các em khi cúi đầu chào cũng cần phải biết... thẳng cái lưng, như trẻ em Nhật Bản được dạy về nghi lễ này từ tấm bé!

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm