Béo phì gây thiệt hại kinh tế nặng nề tương đương xung đột vũ trang

21/11/2014 16:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Với gần 30% dân số thế giới, tương đương khoảng 2,1 tỷ người, đang phải đối mặt với tình trạng thừa cân, bệnh béo phì đang trở thành một "đại dịch" mới của thế kỷ 21, đe dọa sức khỏe người dân cũng như gây thiệt hại kinh tế ngang ngửa các cuộc xung đột vũ trang.

Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey thực hiện và công bố ngày 20/11, tình trạng béo phì đang ngày càng gia tăng "phi mã" cùng với những hệ lụy về sức khỏe và gánh nặng bệnh tật mà nó mang lại. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu xu hướng này tiếp diễn, hơn nửa dân số trưởng thành trên thế giới sẽ bị béo phì hoặc thừa cân vào năm 2030.

Báo cáo cho biết khoảng 5% số ca tử vong trên thế giới là do bệnh béo phì và chi phí điều trị y tế cho các bệnh nhân béo phì là 2.000 tỷ USD/năm, tương đương 2,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tổn thất kinh tế do béo phì gây ra được đánh giá tương đương với hút thuốc lá và xung đột vũ trang.


Tình trạng béo phì đang ngày càng gia tăng

Nguyên nhân của vấn đề này là do bệnh béo phì thường làm gia tăng các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim, đái tháo đường hay ung thư, khiến chi phí chăm sóc y tế cho những đối tượng này tăng mạnh trong khi năng suất lao động của họ lại sụt giảm.

Trong số các nước đang phát triển, Anh được ghi nhận là nước có tình trạng béo phì cao và là một trong những nguyên nhân kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế sau việc hút thuốc lá. Theo thống kê, mỗi năm nền kinh tế Anh thiệt hại 3% GDP do béo phì khi chi phí điều trị y tế hàng năm cho những đối tượng mắc bệnh này cùng năng suất lao động sụt giảm là 73,8 tỷ USD.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Alison Tedstone đến từ Viện Y tế công của Anh, hiện có khoảng 25% dân số Anh bị béo phì và 37% người đang thừa cân. Nếu chính phủ tích cực vận động, tuyên truyền và người dân nâng cao ý thức để tỷ lệ béo phì giảm xuống còn 15% như hồi năm 1993, điều này không những giúp giảm 5 triệu trường hợp mắc bệnh mà còn giúp Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) tiết kiệm khoảng 2,3 tỷ USD vào năm 2034.

Trước thực trạng này, bản báo cáo kêu gọi sự phối hợp của chính phủ các nước, các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp thực phẩm và giải khát, đồng thời nhấn mạnh việc hành động kịp thời có thể giúp 20% người béo phì trở lại trọng lượng bình thường. Báo cáo đề xuất kiểm soát chặt khẩu phần các loại thực phẩm đóng gói, khuyến khích các bậc phụ huynh tăng cường giáo dục cho trẻ về chế độ ăn uống lành mạnh cũng như xây dựng thực đơn cân đối trong các nhà trường và công sở.

Thừa cân, béo phì có thể xảy ra với bất kỳ người nào. Nguyên nhân chính của căn bệnh này là do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Những người béo phì có cân nặng "quá khổ" không những phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật cao hơn người bình thường mà còn thường mất tự tin trong giao tiếp.

Bên cạnh đó, gánh nặng xã hội và chi phí điều trị cho bệnh nhân béo phì là rất lớn, bởi căn bệnh này thường kéo theo các bệnh lý nguy hiểm khác.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm