12/07/2021 21:25 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong ngày 12/7, Việt Nam ghi nhận 2.383 ca mắc mới, gồm 16 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 2.367 ca trong nước.
Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có số mắc cao nhất với 1.764 ca, tiếp đó là Bình Dương 128 ca, Tiền Giang 118 ca, Đồng Nai 82 ca, Khánh Hoòa 58 ca, Đồng Tháp 40 ca…; trong đó 2.096 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 19h ngày 12/7, Việt Nam có tổng cộng 30.259 ca ghi nhận trong nước và 1.940 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 28.689 ca, trong đó có 6.557 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Cả nước đã thực hiện tiêm chủng 4.051.585 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó số người đã được tiêm 1 mũi là 3.774.138 người, đã được tiêm đủ 2 mũi là 277.447 người.
Trong ngày có 56 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, Việt Nam đã có 9.331 ca mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh; 123 ca tử vong do liên quan đến COVID-19.
Trước thực tế ghi nhận nhiều ca mắc trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, Thành phố Hồ Chí Minh cần xem lại mật độ giãn cách tại đây và phải giãn tối đa mật độ để đảm bảo phòng, chống dịch. Hiện, công suất các khu cách ly tập trung đã đạt khoảng 70%, vì vậy, thành phố cần tính đến phương án mở rộng cách ly F1 tại nhà. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc giao ban trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch diễn ra sáng 12/7, tại Trụ sở Chính phủ.
Theo phản ánh của người dân, chuyên gia, nhà khoa học, việc cách ly F1 tại nhà là “bước tiến” trong công tác phòng, chống dịch nhưng cần tiếp tục xem xét việc điều chỉnh tiêu chí, điều kiện, quy định hiện nay. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng đã giao cho Bộ Y tế cùng Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào tình hình thực tế để thảo luận, đưa ra hướng dẫn mới phù hợp hơn, trên tinh thần “hiệu quả là trên hết”.
Cũng trong chiều 12/7, tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 12/13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, với việc xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19, nhiều chuỗi lây nhiễm phức tạp trong cộng đồng, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là. Tất cả người trở về từ vùng dịch phải khai báo y tế trung thực để các lực lượng điều tra dịch tễ, xét nghiệm, cách ly phù hợp.
Dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải tập trung cao độ trong điều hành trực chiến. Từng địa phương phải chủ động rà soát tình hình, số lượng máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị, đội ngũ lấy mẫu, xét nghiệm…
Việc thực hiện khoanh vùng, phong tỏa rộng hay hẹp phải đảm bảo làm nghiêm, không được để tình trạng “ngoài chặt trong lỏng”, dẫn đến lây nhiễm chéo, mất kiểm soát; đồng thời giữ bằng được các khu vực an toàn. Khi phát hiện ca mắc COVID-19 phải lập tức khoanh vùng gọn nhất có thể. Trong trường hợp chưa đủ thông tin, có thể khoanh vùng rộng, khẩn trương truy vết, điều tra dịch tễ để thu gọn lại nhưng “thực hiện nghiêm khoanh vùng, tuyệt đối không được lơi lỏng”.
Về việc triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai thí điểm thực hiện trên tinh thần triển khai an toàn. Liên quan đến nhiệm vụ này, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các phần mềm công nghệ giám sát để hỗ trợ nhưng các địa phương cần phát huy vai trò giám sát của các Tổ COVID-19 cộng đồng, lực lượng y tế, công an địa phương…
Trên tinh thần giữ bằng được an toàn cho các bệnh viện, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng tần suất xét nghiệm sàng lọc tại đây; khẩn trương kích hoạt hệ thống theo dõi, giám sát, nắm bắt thông tin người có triệu chứng để đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm; tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm mẫu gộp. Các địa phương sớm có phương án tổ chức lại hệ thống điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo mô hình “tháp 3 tầng” (không có triệu chứng hoặc nhẹ; có triệu chứng; bệnh lý nặng) nhằm hạn chế ca bệnh chuyển biến nặng và trường hợp tử vong.
Tại cuộc làm việc chiều 12/7 với Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và công tác phòng, chống COVID-19 trên địa bàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không được chủ quan, lơ là, tỉnh phải đảm bảo đủ nguồn lực, cơ sở vật chất để phòng, chống dịch như: bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, trang thiết bị, các sinh phẩm phòng, chống dịch… Nêu cao vai trò của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, đoàn kết, thống nhất, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu tỉnh chủ động các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, thực hiện đúng hướng dẫn của các Bộ Giao thông Vận tải, Công an.
Rút kinh nghiệm từ các tỉnh có nhiều khu công nghiệp trên địa bàn cả nước, lúng túng khi có nhiều công nhân dương tính với SARS-CoV-2, Phó Thủ tướng Thường trực nhắc nhở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần có các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động nâng cao ý thức và hợp tác phòng, chống dịch bệnh...
PV - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất