16/01/2014 08:57 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Chứng kiến đám đông tập trung lại, tìm cho mình một chiếc vé xem bóng đá ở Cẩm Phả (Quảng Ninh), hẳn nhà tổ chức V-League cảm thấy rất ấm lòng trong ngày đông lạnh giá.
Từ tiếng vọng xứ Quảng…
Xứ Quảng ở đây là Quảng Ninh, cũng là Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi mà tình yêu bóng đá vừa lên cơn sốt. Từ vùng mỏ, xuôi Chi Lăng, thời điểm SHB.ĐN tiếp đón ĐT.LA và thu hút được gần 1,5 vạn khán giả, là một con số kỷ lục ở lượt trận đầu tiên. Còn tại Tam Kỳ, cơn sốt bóng đá thậm chí còn lớn hơn, sau 20 năm tách tỉnh, bóng đá chuyên nghiệp mới quay lại với xứ Quảng.
Nhà tổ chức gọi đấy là những niềm-tự-hào-V-League! Một số khác gọi đấy là hơi thở V-League, với ngày khai mạc bằng “những lời chào ấn tượng từ người hâm mộ”. Phải, chừng nào bóng đá còn sức hấp dẫn với khán giả, nó sẽ còn sống được. Vấn đề là nhà tổ chức và các đội bóng, sẽ hành động như thế nào để “nuôi” được CĐV, mới thật nhức nhối.
Năm ngoái, khán giả Đồng Nai luôn tìm đến sân với con số kỷ lục, để sát cánh cùng đội bóng con cưng lần đầu tiên lên chuyên, nhưng ở trận đấu với V.NB vừa qua đã thưa thớt hẳn. Một hiện tượng không khác mấy so với Thanh Hóa ở mùa giải 2009, rất đáng lo.
Người hâm mộ vốn bao dung, nhưng cũng rất khắt khe, nếu đội bóng hay nhà tổ chức khiến họ thất vọng. Tình yêu không phải bất tận và với đặc thù nền bóng đá xứ sở, nó thậm chí còn không bền. Yêu đấy, rồi chia tay ngay được, càng khi người hâm mộ có quyền (và có nhiều) lựa chọn người tình.
Thế mới nói, từ hiện tượng đến bản chất là quá xa. Không chỉ biết nuôi, mà còn phải biết cấy nữa, để tạo tính kế thừa cho bộ phận CĐV.
Đến tiếng thở dài V-League
Tại Hàng Đẫy, trong buổi chiều mà nhà vô địch HN.T&T hạ đo ván cựu vương B.BD, khán đài B chỉ thấy lác đác hơn trăm CĐV mang sắc phục vàng đánh trống thổi kèn. Không có bất thứ khái niệm gọi là bản sắc hay văn hóa cổ động nào.
Trong khi đó, ở Đồng Nai, như đã nhắc, khán đài B (cũng là khán đài chính) đã trở nên thưa thớt nhiều rồi, so với những trận đấu ở mùa giải trước. Với những gì đã và đang diễn ra, nhà tổ chức có lẽ cũng không nên kỳ vọng quá nhiều sự bùng nổ ở sân Long An hay Bình Dương, thậm chí cả Lạch Tray, kinh đô của phong trào cổ vũ bóng đá.
Khi các khán đài bắt đầu trở nên vắng hơn, một vài người đã kêu gọi, đừng đuổi nốt những người còn lại khỏi sân bóng, bằng lối chơi bạo lực và cả sự yếu kém trong điều hành của đội ngũ trọng tài. Nhưng liệu các đội bóng có sẵn sàng chơi đẹp, dù điều đó cần thiết, giúp họ được yêu mến nhiều hơn?! E là khó!
SLNA đã vô địch V-League 2011 bằng những toan tính rất bóng đá và cả những “võ sư huyền đai tam đẳng”. HN.T&T giờ cũng bớt đẹp nhiều rồi, khi sẵn sàng đá rắn và đá rát, với những đối thủ nào đem chủ ý ấy vào trận. Thanh Hóa và Hải Phòng thì vẫn thế, trận đấu giữa họ ở Lạch Tray vừa qua là cuộc chiến đúng nghĩa…
Không nên và đừng bao giờ so sánh giữa U19 Việt Nam vốn đang được thần tượng hóa và V-League, bởi nó rất khập khiễng, song rõ ràng cần phải có những rút kinh nghiệm khi cần để giải đấu tốt dần lên. Bóng đá đẹp chẳng bao giờ chết cả, bởi nó được sinh ra là để yêu.
CCKM
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất