15/01/2014 12:51 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Khi Phan Như Thuật, tiền vệ sáng tạo một thời trong màu áo SLNA, bay người lắc bóng tung lưới Than Quảng Ninh, đem lại chiến thắng cách biệt tối thiểu cho đội bóng quê hương ở ngày khai mạc V-League 2014, ngay cả những người không có mối quan hệ thân thiết nào với Thuật cũng phải bùi ngùi.
Cánh chim tự do thuộc về bầu trời, nhưng cũng có lúc phải thu mình về tổ ấm. V-League 2014 chứng kiến rất nhiều sự trở về của những người con xa xứ như Như Thuật, một biểu hiện cho thấy, V-League ngày càng trở về với giá trị truyền thống.
“Đời cầu thủ ngắn lắm”
Bóng đá Việt Nam thời buổi lên chuyên từng chứng kiến rất nhiều cuộc đào thoát khỏi cố hương hay ít nhất cũng là tìm cách rời khỏi cái nơi cho mình một sự nghiệp, một công việc, để bay đến những miền đất hứa.
Đấy là chuyện bình thường trong bóng đá đỉnh cao, nó xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, rằng đất lành thì chim đậu và bởi cái gọi là cơm-áo-gạo-tiền. “Đời cầu thủ ngắn, ngắn lắm. Chỉ một chấn thương có thể sẽ hủy hoại tất cả, nên phải tranh thủ”, lời giải thích nghe rất quen tai của dân “quần đùi áo số” thời bóng đá kim tiền.
Rõ ràng, cơ chế bóng đá chuyên nghiệp với sự tham gia rất tích cực của các ông bầu đã mở ra thiên đường cho cầu thủ và HLV. Phải nói luôn rằng, đó là tín hiệu tích cực, khi lực lượng lao động chính trong địa hạt bóng đá giờ đã có thể sống khỏe bằng nghề.
Nhiều người mua được nhà, mua được xe, giúp đỡ được người thân. Họ không những trở nên giàu có, mà một vài trong số đó đã trở thành những tỷ phú chân đất, theo đúng nghĩa đen của từ này. Ngoài tài năng, hay đơn giản là năng lực chơi bóng, cũng phải kể đến sự cổ vũ của cái vận nữa.
Đã có thời điểm, bóng đá Việt Nam rơi vào tình trạng cung không đủ cầu, khi hệ thống đào tạo trẻ bị lãng quên và các ông chủ chỉ lăm lăm vào thị trường chuyển nhượng, hòng có được những cầu thủ tốt nhất.
Những đội bóng có kinh phí eo hẹp kêu trời, trong khi các CLB nhà giàu lại hí hửng. Nhưng đó là vấn đề muôn thuở của bóng đá chuyên nghiệp. Cái gì không thể mua được bằng tiền, thì mua bằng nhiều tiền!
Một chốn đi về
Khi chứng kiến rất nhiều sự trở về, thậm chí là sự trở về hàng loạt của những thương hiệu cũ, không khó để nghĩ tới một cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng, mà địa hạt bóng đá đang phải hứng chịu.
Các ông chủ phải thu mình lại, không thể vung tay quá trán được nữa. Cùng với đó, việc hàng loạt các đội bóng đi đến giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động vô thời hạn, tạo ra một cuộc khủng hoảng thừa về lực lượng lao động chính. Thời buổi người đông việc khó, một cầu thủ ở hạng trung có được chỗ đứng đã là may mắn lắm rồi!
Trước khi trở về SLNA, Như Thuật đã từng có thời gian dài gắn bó với đội bóng hạng Nhất Bình Định. Thời gian qua, nghe đâu Thuật cũng có ý định tìm lên tận Đắc Lắk, không cần nhận phí lót tay, mà chỉ cần lương. Có chút xót xa cho “thần đồng” một thời của bóng đá xứ Nghệ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Vào phút cuối, cố hương một lần nữa lại dang tay với người con viễn xứ. Có thể thấy, Như Thuật giống như một phiên bản khác của Công Vinh ở mùa trước.
Khi Như Thuật tỏa sáng trở lại trong màu áo SLNA, Tài Em, Việt Thắng (ĐT.LA) hay Hữu Phát, Danh Hoàng Tuấn (Đồng Nai), Minh Nhựt (HV.An Giang)… cũng đã chăn ấm nệm êm khi quay về trong màu áo đội bóng cũ. Thế vẫn còn may chán!
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất