Đức trở lại mặt đất: Cái giá của sự cách tân

20/06/2010 11:12 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH)- Thất bại 0-1 trước Serbia không phải là một thảm họa với người Đức, bởi đó là một trận thua nói lên những hạn chế tất yếu mà họ buộc phải trải qua trong dòng chảy của cuộc cách mạng về tư duy chơi bóng được Klinnsmann khởi xướng cách đây 4 năm và Joachim Loew tiếp nối, với những cải tiến của riêng ông.

Lần thứ 98 của Klose

Khi Podolski sút hỏng quả phạt đền trong một trạng thái bị “cóng” về tâm lý rõ rệt do những pha sút bóng hỏng ăn liên tiếp trước khung thành Serbia đầu hiệp 2, rất nhiều người sẽ nhớ đến Michael Ballack. Vào khoảnh khắc mang tính thử thách thần kinh như thế (Đức bị dẫn, và chơi thiếu người), Ballack, nếu có mặt, luôn là người được trao sứ mệnh bắn phát súng quyết định.


Klose thất vọng rời khỏi sân- Ảnh Getty
Khi Klose nhận thẻ vàng thứ 2 và rời sân, Ballack vẫn là cái tên cần được nhắc đến. Tất nhiên là ông trọng tài Undiano Mallenco đã tỏ ra khá nặng tay (nhưng về lý mà nói, ông đã đúng), nhưng khó có thể tin được là một cầu thủ kỳ cựu của tuyển Đức như Klose lại thiếu kinh nghiệm như thế, với một pha phạm lỗi từ phía sau với Stankovic, trong bối cảnh đã dính một thẻ vàng trước đó. Ballack có lẽ sẽ không thiếu kinh nghiệm như thế. Nên nhớ, Klose là một tiền đạo, thế nên việc phải nhận thẻ đỏ vì những tình huống phạm lỗi như thế là quá lãng nhách!


Đó là lần thứ 98 Klose ra sân trong màu áo đội Đức, cân bằng số lần khoác áo “Mannschaft” với Ballack. Thế nhưng anh không thể “cân bằng” với Ballack về mặt kinh nghiệm và bản lĩnh. Cũng như đội Đức, với thế hệ trẻ nhất kể từ World Cup 1934, không thể chơi bóng một cách “già giơ” như đội Đức của những Matthaus, Kahn... trong quá khứ, hay gần nhất là Ballack, những thủ lĩnh sắt đá và lì lợm.

Cái giá của sự cách tân

Không phải ngẫu nhiên mà đội Đức với tuổi đời trung bình trên dưới 25 ấy đã dễ dàng để thủng lưới chỉ 1 phút sau tình huống Klose bị đuổi: Khả năng thích ứng với tình huống, cụ thể là việc siết chặt đội hình khi chơi thiếu người, của họ rất kém. Đội Đức được xây dựng bằng những “chất liệu” lì lợm như Ballack, Matthaus, sẽ không mong manh như thế. Và đó là hạn chế tất yếu của cuộc cách tân về lối chơi mà HLV Loew đang hướng đến.

Tư duy chơi bóng của người Đức đã thay đổi từ cách đây 4 năm, với cuộc cách mạng bóng đá tấn công mà Klinsmann là người khởi xướng. Thế nhưng điểm tựa cho triết lý tấn công mà Klinsi theo đuổi vẫn là những cầu thủ mang đầy chất thép như Ballack, hay tiền vệ thủ Torsten Frings. HLV Loew phiêu lưu hơn thế rất nhiều: Ông trao băng thủ quân cho Lahm, đội trưởng trẻ nhất (vào thời điểm nhận băng thủ quân khi Đức dự World Cup) trong số 11 thủ quân dẫn đầu tuyển Đức qua 15 kỳ World Cup, loại bỏ những tiền vệ thủ thuần túy, tin dùng đội ngũ trẻ và áp dụng một lối đá tấn công rất ngẫu hứng bằng những đường chuyền ở cự ly ngắn và trung bình, chứ không phải những pha bóng dài và đậm chất máy móc, lập trình trong quá khứ.

Nếu Klose bị đuổi khỏi sân vì những pha phạm lỗi không đáng có, thì thủ môn Harald Schumacher đã từng đạp gãy nguyên 4 chiếc răng cửa của Patrick Battiston (anh thậm chí còn bị vỡ xương hàm, và chấn thương nặng cột sống) ở trận bán kết Đức - Pháp năm 1982 mà không phải nhận chiếc thẻ nào! Những pha phạm lỗi kín và sự lạnh lùng đến tàn nhẫn ẩn chứa trong nó là một phần không thể thiếu trong lối chơi của đội Đức trong quá khứ, là mặt tối của thứ tinh thần chiến đấu vốn đã gắn liền với bản lĩnh thép của người Đức truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Đội Đức của Loew là một phiên bản đi ngược hoàn toàn truyền thống ấy: Dữ dội, đam mê, nhưng cũng ngây thơ hơn và vẫn run rẩy khi đứng trước những thời khắc quyết định, những “thuốc thử” mạnh, như Serbia chẳng hạn. Đó là hạn chế tất yếu mà họ phải nếm trải khi muốn thay đổi hoàn toàn về tư duy chơi bóng, và thất bại này nói lên rằng cuộc cách mạng ấy vẫn chưa đi đến đích. Song, khi đội ngũ trẻ trung hiện tại trưởng thành hơn, một trang sử mới cho bóng đá Đức sẽ thực sự được mở ra?

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm