Hành xử với Hamlet như thế nào cho "phải phép"?

02/11/2009 08:53 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Đoàn kịch Thể nghiệm - Nhà hát Tuổi trẻ vừa ra mắt vở Hamlet của nhà viết kịch Shakespeare nhân Ngày Shakespeare trên toàn thế giới (23/10). Ấn tượng vì sự lạ lẫm là cảm giác chung của rất nhiều khán giả, khi câu chuyện về Hamlet và tấn bi kịch thuở nào hiện lên bằng ngôn ngữ kịch hình thể và múa đương đại. Suốt vở diễn không có một lời thoại nào mà chỉ có tiếng vọng từ hậu đài vang lên: “Tồn tại hay không tồn tại”.

Hamlet đã có nhiều bản dựng ở các nước, với nhiều loại hình sân khấu, nhất là kịch nói và ballet. Có những vở diễn chỉ trích đoạn rồi phát triển thành câu chuyện mới, thậm chí bằng ngôn ngữ mới... Có bản dựng Hamlet mà diễn viên diện trang phục đời thường và trang trí sân khấu cũng vậy. Diễn viên có khi chỉ 3-4 người, một người đóng hai, ba vai. Và bên cạnh những bản dựng dài 3-4 giờ, có bản dựng chỉ một giờ hoặc ít hơn thế. Đây là một trong những kịch bản của Shakespeare được dựng nhiều nhất, vì nhiều lý do, trong đó có ý nghĩa thời sự của nó mà ở nước nào, thời đại nào cũng có thể tìm thấy sự gần gũi trong đó...


Các nhân vật trong Hamlet xuất hiện trên sân khấu trong hình hài nguyên thủy

Bản dựng Hamlet của đạo diễn Lan Hương có lẽ mới mẻ với các nước, chứ không riêng Việt Nam, vì kịch hình thể và múa đương đại đều là những loại hình sân khấu ra đời sau này. Cái lạ và... cái liều ở chỗ tước đoạt mọi lời thoại của một vở bi kịch cổ điển. Nhưng không phải không làm được. Và Lan Hương đã làm, lại còn rút gọn cả thời lượng so với các vở kịch nói, nghĩa là chỉ còn 1 giờ, và rút gọn cả số lượng diễn viên xuống còn 10 người (như chị giải thích với báo giới là để thuận tiện lưu diễn trong nước và quốc tế). Diễn viên đều để trần nửa người (dĩ nhiên phụ nữ thì phải che chắn thêm), rồi chui ra từ trong những bao vải và mặc trang phục của nhân vật ngay trên sân khấu. Trang phục để nhảy, để múa nên cũng đơn giản hết mức. Có cảm giác còn sơ sài. Hầu hết là kiểu áo khoác mỏng tang xẻ tà...

Hamlet - kịch hình thể nhận được những phản ứng trái chiều. Khen táo bạo, sáng tạo... hay khen chung chung là lạ, ấn tượng... Chê cũng nhiều, như Hamlet đã bị tước đi sự đa nghĩa, chiều sâu triết học, để chỉ còn là người báo thù và hạnh phúc vì đã báo được thù... Nặng nề hơn, chê cách kể như một câu chuyện cổ tích dành cho trẻ con, bằng cách phân chia cuộc sống thành thật - giả, Hamlet “thành chính quả” khi báo thù xong... Đồng ý rằng ý nghĩa lớn lao của Hamlet ở sự hoài nghi và không ngừng nhận thức, và chân lý muôn thuở ấy không bao giờ cũ. Nhưng có bắt buộc bản dựng mới phải tiếp cận Hamlet ở góc cạnh như vậy?

Bản thân các kịch bản của Shakespeare được sáng tạo trên nền những câu chuyện cổ và được ông bồi đắp những thông điệp mới, ý nghĩa mới. Đến lượt dựng vở, các nghệ sĩ tiếp cận ở những góc độ khác nhau hay phát triển một tầng nội dung hay ý nghĩa nào đó. Tùy vào phong cách của mỗi đạo diễn cũng như mục đích dựng vở để tái tạo Hamlet theo cách phù hợp nhất. Kể cả những yếu tố được coi là “xương sống” của vở kịch như mâu thuẫn, xung đột kịch và hệ thống nhân vật kịch cũng có thể được phóng tác theo hướng mới. Dĩ nhiên, lúc đó gọi là kịch bản phóng tác. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Ngọc Cường nói: “Trên thực tế, kịch của Shakespeare đã có nhiều nước dựng, nhiều đoàn dựng và dựng ở nhiều thời đại khác nhau. Mỗi đạo diễn đều có quyền nhấn nhá những điểm nào, những vấn đề gì phù hợp với cuộc sống đương đại, miễn là giữ được cái hồn của tác phẩm đó”. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Việt Nam - NSND Trọng Khôi thì cho rằng, cùng một kịch bản, mỗi đạo diễn khai thác một khía cạnh khác nhau chứ không đòi hỏi phải thể hiện hết tất cả những ý tưởng của tác giả, không riêng với kịch cổ điển mà với thể loại sân khấu nào cũng vậy.

Với Lan Hương, chị muốn Hamlet đi tìm sự thật, dù rằng phải trả giá. Trên hành trình đi tìm sự thật ấy, có sự trả thù, có sự đánh đổi và dĩ nhiên có sự khám phá bản ngã, hoài nghi xã hội... Hành trình ấy còn có yêu thương, căm ghét, ngờ vực và cả sự nhầm lẫn... Chị đã để Hamlet vác lấy cây thánh giá trèo lên thiên đường để Chúa nhìn thấy rõ sự thật. Hamlet hay nhiều nhân vật khác luôn phải giằng xé giữa đen và trắng, thật và giả với biểu trưng là hai chiếc khăn lụa nghịch màu nhau. Lan Hương đã chia sẻ với báo giới, khi đưa những câu chuyện kinh điển lên sân khấu, dù là loại hình nghệ thuật nào, người nghệ sĩ cũng đều phải tìm được tính thời đại của nó. Thông điệp chính mà vở diễn gửi gắm là sự thật luôn phải trả giá. Đây chính là điểm được vở diễn khai thác khá kỹ, với những màn yêu đương nồng nàn giữa Hamlet và Ophelia, xung đột giữa mẹ và con, anh và em, chú và cháu... Dĩ nhiên, bằng ngôn ngữ không lời thì chuyển tải hết những tầng tầng lớp lớp ý nghĩa và những cung bậc tình cảm phong phú, phức tạp của nhân vật quả không dễ chút nào, cả cho người thể hiện và người xem...

Lan Hương nói rằng, chị muốn dựng vở nhẹ nhàng, thanh thoát, dù bi kịch nhưng không muốn sân khấu nặng nề, u ám. Dù cả kẻ lừa dối và người tìm ra sự thật đều chết, nhưng kết vở mở ra chứ không khép lại. Các nhân vật trở lại hình hài ban đầu cho thấy cái nhìn biện chứng về vòng tròn luân hồi, về sự tái sinh, dù tái sinh sau những vật vã, đấu tranh của mỗi con người với chính mình, với đồng loại, nhưng hành trình trở về đã mang cái mới. Cũng như khi bắt tay dựng lại những kịch bản cổ điển, mỗi nghệ sĩ trăn trở tìm sáng tạo, để không giẫm chân lên người đi trước. Và dĩ nhiên, có người vượt hơn hoặc chẳng bằng người trước. Thử nghiệm là chấp nhận thành công hoặc thất bại. Điều này còn thuộc vào đánh giá và cảm nhận của mỗi người.

Dựng kịch cổ điển nhưng chỉ mình đạo diễn tung tẩy thì chưa đủ. Sáng tạo vở diễn cần sự cộng hưởng của những thành phần sáng tạo khác, đặc biệt là diễn viên. Nhưng diễn viên mình chưa có nhiều thời gian để tập đánh kiếm cho ra một trận huyết chiến, nhảy múa thật điêu luyện; sân khấu chật chội, cũ kỹ... cũng ngăn cản các nghệ sĩ. Và, kinh phí eo hẹp, với mức 50 triệu đồng thì đã chi khoảng 20 triệu đồng cho phục trang và trang trí sân khấu. Còn lại dành cho hơn chục người tập luyện trong suốt một tháng, rồi làm nhạc... Thế là hết. Đạo diễn và biên đạo múa... nhịn cát-sê. Thông thường, khoảng trên 100 triệu đồng mới có thể dựng được một vở kịch kinh điển, không cần đến tiền tỉ nhưng 50 triệu đồng như với Hamlet của Nhà hát Tuổi trẻ được coi là “hẻo”.

Kịch kinh điển là một trong những cửa ngõ để sân khấu Việt Nam bước ra thế giới. Vở diễn chỉ một buổi, còn các buổi sau đang chờ xin tài trợ thì việc trau chuốt hay nâng cao thêm càng xa vời vợi. Cái khó bó cái... yếu của sân khấu phía Bắc bao năm nay vẫn vậy.

Hải Đông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm