NHẬN ĐỊNH: Bước chuyển lớn trong chính sách Syria của Mỹ

07/04/2017 14:10 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định ra lệnh tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ không quân Syria vào tối ngày 6/4 đánh dấu một bước chuyển lớn trong chính sách của Mỹ đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngay sau khi Lầu Năm Góc và Nhà Trắng thảo luận về một kế hoạch triển khai hoạt động quân sự toàn diện ở Syria, tối ngày 6/4, quân đội Mỹ đã phóng ít nhất 50 quả tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân ở Ash Sha’irat thuộc tỉnh Homs. Chính quyền Washington cho rằng máy bay tấn công hóa học tại Syria ngày 4/4 xuất kích từ căn cứ không quân này, và động thái trên nhằm “trừng phạt” máy bay Syria.

Tổng thống Donald Trump khẳng định đã ra lệnh tấn công quân sự vào căn cứ không quân ở Syria đồng thời cho rằng Mỹ có lợi ích an ninh quốc gia quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng phổ biến và sử dụng các vũ khí hóa học.

Theo kênh truyền hình CNN, quyết định sử dụng biện pháp quân sự chống lại Syria đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách của ông Trump đối với chính quyền Damascus. Năm 2013, ông Trump luôn lên tiếng chỉ trích kế hoạch của người tiền nhiệm Barack Obama về các cuộc không kích ở Syria.


Ông Trump (phải) thay đổi thái độ với Tổng thống Syria Assad sau vụ tấn công vũ khí hóa học ngày 4/4

Bày tỏ suy nghĩ trong một dòng trạng thái Twitter, ông Trump viết: “Đánh bom Syria mang lại gì cho chúng ta ngoại trừ nhận thêm nhiều món nợ và nguy cơ một cuộc xung đột dài kỳ?”. Thậm chí trong suốt thời gian vận động tranh cử 2016, ông Trump còn khăng khăng cho rằng cựu Tổng thống Obama chỉ quan tâm đến việc thay đổi chính quyền ở Syria thay vì nhiệm vụ chống chủ nghĩa khủng bố.

Vậy điều gì đã làm thay đổi suy nghĩ của Tổng thống Trump? Dựa vào những phát ngôn mà ông tuyên bố gần đây, có lẽ vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria ngày 4/4 đã thực sự “có tác động rất lớn” đối với ông.

Trả lời phóng viên khi đang trên chiếc Không lực Một tới Florida để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump ngầm ám chỉ Mỹ sẽ không ủng hộ ông Assad duy trì vị trí lãnh đạo Syria. Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Quốc vương Jordan Abdullah II bin Al-Hussein trong ngày 5/4, ông Trump nhấn mạnh, vụ tấn công hóa học đã “vượt quá lằn ranh đỏ” và vì thế, thái độ của ông đối với Syria và ông Assad đã thay đổi “rất nhiều”.

Không chỉ có vậy, nhiều phát ngôn từ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong hai ngày qua cũng cho thấy sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với chính quyền Damascus.

CẬP NHẬT: Mỹ tuyên bố chưa có kế hoạch leo thang quân sự ở Syria

CẬP NHẬT: Mỹ tuyên bố chưa có kế hoạch leo thang quân sự ở Syria

Sau khi Không quân Mỹ bắn loạt tên lửa nhằm vào căn cứ không quân của Chính phủ Syria, ngày 7/4, giới chức quốc phòng Mỹ tuyên bố chưa có kế hoạch cụ thể về leo thang hành động quân sự tại quốc gia Trung Đông này.


Theo tờ Thời báo Tài chính (Financial Times), Ngoại trưởng Tillerson tiết lộ chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu những nỗ lực nhằm lật đổ ông Bashar al-Assad khỏi vị trí tổng thống. Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ thiết lập một liên minh quốc tế dọn đường nhằm lật đổ Tổng thống Assad, Ngoại trưởng Tillerson khẳng định: ‘Việc đó đang được tiến hành”. Ngoại trưởng Tillerson cho rằng “không còn nghi ngờ gì nữa” khi chính quyền ông Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công – vụ việc ông miêu tả là “vấn đề nghiêm trọng” cần một “phản ứng nghiêm túc”.

Tuyên bố trên gần như “trái ngược hoàn toàn” với lời bình luận của ông tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước. Lúc đó người đứng đầu Bộ ngoại giao Mỹ đã nói Washington “từ bỏ việc lật đổ ông Assad” và “số phận của ông ấy phải để người dân Syria quyết định”.

Diễn biến mới trong cuộc can dự của Mỹ ở Syria đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Nga. Sáng 6/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng chỉ trích sự phản đối toàn cầu chống lại chính quyền Assad vì vụ tấn công hóa học và cáo buộc Washington đã không công bằng khi đổ trách nhiệm lên chính phủ Syria.

Tuyên bố trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu diễn ra cùng ngày, Tổng thống Putin cho rằng: “Thật không thể chấp nhận được việc đưa ra bất kỳ lời buộc tội phe phái nào mà không tiến hành điều tra khách quan”. Theo Điện Kremlin, vụ tấn công hóa học ngày 4/4 là kết quả của một cuộc không kích từ quân chính phủ Syria nhằm vào một kho vũ khí hóa học của phiến quân.

Theo Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm