21h ngày 18/8, QPR – Swansea: Cuộc chiến của cá nhân và tập thể

18/08/2012 12:15 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH Online) - Chúng ta đang nói về những đội bóng có xuất phát điểm và tham vọng hoàn toàn trái ngược trong mùa giải trước. QPR có một ông chủ giàu có, được bổ sung nhân sự rầm rộ và sở hữu tham vọng lớn lao. Swansea là một tân binh (từ mùa trước), thăng hạng thông qua cửa play-off, có lực lượng yếu vào bậc nhất ở giải Ngoại hạng và không mong gì khác hơn là trụ lại ở giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới.

Vậy mà sau 38 vòng đấu, vị trí của họ đã khiến tất cả bất ngờ. QPR chỉ xếp hạng 17, vật lộn trong cuộc chiến trụ hạng và chỉ chắc chắn an toàn ở vòng đấu cuối cùng. Swansea xếp hạng 11, gây được ấn tượng mạnh mẽ, được miêu tả như “Barca của Premier League”, sở hữu lối chơi tiqui-taca quyến rũ và có một HLV đầy tài năng. Bàn đạp tại Swansea thậm chí còn đưa Brendan Rodgers đến với Liverpool, một ông lớn đích thực của bóng đá Anh. Vị trí thứ 11 trên BXH khiến chính các CĐV Swansea ngạc nhiên, vị trí thứ 17 khi giải đấu kết thúc đã làm BLĐ QPR điên tiết.


Swansea khó tiếp tục màn trình diễn của năm ngoái - Ảnh: Getty

Không ai hiểu được tại sao một đội bóng được đầu tư và kì vọng nhiều tới vậy lại thất bại thảm hại? Không ai hiểu được tại sao một tân binh mới lần đầu dự Premier League lại thành công đến thế? Câu trả lời chính nằm ở cách thức xây dựng và tổ chức đội bóng, tính đoàn kết và sự kỉ luật.

Hãy nhìn QPR, họ có một HLV tên tuổi: Mark Hughes, một dàn hảo thủ xuất sắc, được hậu thuẫn bởi sức mạnh tài chính đáng nể. Tóm lại là đủ mọi điều kiện để dẫn tới thành công. Cái thiếu duy nhất của họ là tinh thần tập thể, ý thức tổ chức và niềm tự hào truyền thống. CLB đổi chủ quá nhanh, các tân binh được đưa về quá vội vã, bản sắc bị quên lãng, các cầu thủ chiến đấu vì tiền thay vì niềm tự hào. QPR phiên bản 2011/2012 giống như một đội quân ô hợp được lắp ghép vội vã. Ví dụ điển hình cho sự khiên cưỡng ấy: đội trưởng Joey Barton, “bad boy” của giải Ngoại hạng. Anh đá người nhiều hơn là đá bóng, gây chuyện nhiều hơn là bảo vệ đồng đội. Anh tài năng nhưng cục tính, có đủ mọi tố chất nhưng thiếu sự kiên nhẫn. Barton là hình ảnh tiêu biểu đại diện cho QPR: hỗn độn, thiếu định hướng, nghèo cá tính, không bản sắc và cực kì bất ổn. QPR gợi cho chúng ta nhớ tới hình ảnh của Bayern Munich tại Bundesliga, theo nghĩa tiêu cực. Khi các ngôi sao cùng thăng hoa, đội bóng đó có thể chơi cực hay, như trong thắng lợi 3-0 trước chính Swansea hôm 11 tháng Tư. Nhưng chỉ 3 ngày sau, họ lại thảm bại trước West Brom.

Tính tập thể lỏng lẽo, ý thức cá nhân quá cao khiến QPR không thể lột xác dù đã có những trận đấu cực kì ấn tượng. Họ có thể đánh bại Arsenal, Liverpool nhưng cũng dễ dàng gục ngã trước bất kì đối thủ yếu nào khác.

Trái ngược với QPR là Swansea. Nếu QPR là Bayern thì Swansea chính là Dortmund. Cá nhân đối đầu với tập thể, cái “tôi” đối đầu với “chúng ta”, vị kỉ đối diện với hi sinh, chia rẽ đối mặt với đoàn kết. Không khó để tìm ra người chiến thắng trong trận đánh này.

Điểm đáng ngại duy nhất của Swansea là họ đã mất quá nhiều trụ cột trong mùa Hè. Rodgers và Joe Allen tới Liverpool, Gylfi Sigurdsson đến Spurs, Scott Sinclair sắp đi theo tiếng gọi của Man City. Lối chơi tiqui-taca sẽ không mất đi trong một sớm một chiều, nhưng những con người để hiện thực hóa hệ thống đó giờ không còn nữa. Hành quân tới sân bóng mà họ đã để thua 4/5 trận gần nhất, một kết quả hòa cũng sẽ là thành công với Swansea.

TT&VH Online dự đoán: 1-1

Minh Chiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm