19/08/2022 09:55 GMT+7 | Văn hoá
Với tôi, năm 1982 có nhiều cái đáng nhớ. Phim ảnh trong nước thì có một “thần tượng” vụt sáng, đó là Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa. Tôi lại mê thể thao nên không thể bỏ qua World Cup 1982 được tổ chức tại Tây Ban Nha (Espana 82). Và sự xuất hiện tờ Tin nhanh Espana 82 của TTXVN, tiền thân của báo TT&VH, là một nguồn sáng mới của tôi.
1. Năm 1982, tôi là cậu choai 13 tuổi, gia đình sinh sống trong một khu tập thể gần sông Đuống. Cũng giống như bao gia đình khác, điều kiện kinh tế chung lúc bấy giờ rất khó khăn. Bọn tôi dù nhỏ tuổi nhưng ngoài giờ đi học cũng phải tham gia nhiều việc phụ giúp gia đình. Nhà nuôi lợn thì đi vớt bèo, ra hồ lặn vớt rau tóc tiên, nuôi thỏ thì đi ra đồng cắt cỏ. Những đứa nào nhà nuôi gà, vịt thì sáng sớm phải vác cuốc đi đào giun, tối đến còn kiếm tìm lốp xe đạp cũ hỏng, cắt ra đốt lên làm đuốc đi bắt nhái, bắt rắn.
Nỗi ám ảnh lớn nhất khi ấy là không có nước sạch sinh hoạt, nấu ăn hàng ngày; hình ảnh quen thuộc là những hàng dài xô, chậu xếp hàng trước vòi nước công cộng khô rang. Đã thế lại không có điện để xem tivi. Buổi tối, trong khu tập thể tối om, vào những ngày nóng bức, mọi người còn trải chiếu ra trước cửa nhà ngủ cho mát.
Có một thói quen lúc ấy tôi vẫn nhớ, ấy là tầm chiều tối, mấy anh chị em trong nhà phải chia nhau lôi mấy cái đèn dầu ra lau bóng thông phong, kiểm tra dầu xem còn nhiều hay ít để thắp sáng buổi tối. Chất đốt giai đoạn này cũng khó khăn, tôi nhớ bố tôi và các bác trong khu tập thể vì mưu sinh đã mày mò, tìm và học công thức làm than tổ ong, vừa có cái đun nấu, vừa bán có tiền.
Cuộc sống thời kỳ ấy là như thế. Cho nên rất nhiều thứ phải mượn của nhau, phải “dùng chung”. Điển hình nhất là sách, báo. Phim ảnh khi đó, trừ những khi có chiếu bóng lưu động, còn hầu như phải trông chờ vào chiếc tivi công cộng đặt ở hội trường của khu tập thể. Khổ nỗi điện hầu như không có. Các thông tin khác thì chủ yếu nghe từ loa phường, phát buổi sáng từ 5h đến 8h, chiều từ 16h đến 22h30.
Bọn trẻ con thời chúng tôi mỗi khi Hè về rất hay lang thang ngoài sân khu tập thể, ngoài cánh đồng xung quanh trường học. Tuy rằng có nhiều trò để chơi nhưng cuối cùng chỉ có bóng đá là chúng tôi đam mê theo đuổi và tập luyện lâu dài, kể cả sau này khi đã trưởng thành ra ngoài công tác.
2. Xin nói thêm về bóng đá. Cá nhân tôi bắt đầu nghe tường thuật bóng đá trên đài từ năm 1978. Những hôm có tường thuật bóng đá, dưới chân cột treo loa phường luôn rất đông người ngồi...nghe. Còn bóng đá trên tivi thì trận giao hữu Thể Công - Thiên Tân (Trung Quốc) là lần đầu tiên tôi được ra bãi công cộng để xem. Đi xem tivi lần ấy, vì tôi còn nhỏ nên bị người lớn chen lấn, xô đẩy tranh chỗ, mất cả ghế ngồi, phải bỏ ra ngoài đứng...nghe bình luận.
Với bóng đá Việt Nam khi ấy, tôi thuộc tên hầu hết các ngôi sao, nhớ các anh đá ở vị trí nào, đội bóng nào, nhưng cũng chẳng được đọc bài bình luận nào trên báo, cũng không hề biết mặt các anh. Tất cả đều qua đôi tai, nghe anh Hoài Sơn giới thiệu. Đội bóng chúng tôi yêu thích lúc bấy giờ là Thể Công, trong đội hình Thể Công khi ấy có anh em Thế Anh - Cao Cường được khán giả cả nước rất hâm mộ, nể phục. Về sau này, khi đội trẻ Thể Công đăng tuyển cầu thủ, chúng tôi rất háo hức sang dự tuyển, tiếc là tôi và mấy đứa bạn bị loại. Tuy rằng cũng rất buồn nhưng điều đó lại trở thành động lực cho chúng tôi tiếp tục giữ được niềm đam mê bóng đá, khiến chúng tôi chịu khó rèn luyện thể lực hàng ngày.
Trong khu vực gia đình tôi ở hồi bấy giờ, những cửa hàng bán sách, báo không có nhiều. Mặc dù vậy, qua loa phường tôi vẫn luôn để ý theo dõi tin tức thể thao trong nước. Sách, báo tôi tìm kiếm giai đoạn này là những cuốn sách dạy cách chơi bóng đá, những tờ báo có thông tin nhiều về bóng đá, về các đội bóng hạng cao nhất trong nước, những cuốn sách kể về các ngôi sao thể thao. Sau này tôi cũng kiếm được cuốn sách dịch Nếu em muốn đá bóng giỏi của NXB Thể dục thể thao. Sách có hướng dẫn những bài tập luyện bóng đá, cách tập các động tác kỹ thuật, rất bổ ích.
Và cho đến năm 1986, lần đầu tiên tôi tìm thấy một tác phẩm viết về các danh thủ bóng đá Việt Nam, đó là cuốn Ba cuộc đời một trái bóng của nhà thơ quân đội Anh Ngọc.
Nhớ có một năm, đứa bạn tôi mua được cuốn truyện Hiệp đầu 0-1 của tác giả người Ba Lan Adam Bahdaj. Nội dung truyện kể về một đội bóng thiếu nhi ở Ba Lan, về tình yêu thể thao của những cầu thủ 13, 14 tuổi tên là Ma-nhut, Pê-rê-ca - cũng ở vào độ tuổi chúng tôi - về những trận thi đấu giữa các đội bóng thiếu nhi có tên “Cơn lốc”, “Nữ thần cá”. Chúng tôi rất khoái chí, thay nhau ngấu nghiến đọc và học tập cách tổ chức đội bóng mỗi khi ra sân. Rồi cũng bắt chước đặt tên đội bóng khi tham gia các giải trong khu tập thể.
Nhưng trong giai đoạn này, tôi nhận thấy rằng những thông tin thể thao quốc tế, những câu chuyện bên lề chủ yếu là về bóng đá của các nước trong khối XHCN. Khán giả yêu thích thể thao cũng như độc giả không có nhiều thông tin về những đội bóng lớn, về các ngôi sao như là Pele, F. Beckenbauer trong làng túc cầu thế giới. Đặc biệt là các giải thi đấu quốc tế, hầu như mọi người không được xem trực tiếp, đa phần nghe kể lại, cũng chẳng có tờ báo nào chuyên về mảng này để đọc.
3. Cho đến mùa Hè năm 1982, vào tháng Sáu, World Cup lần thứ 12 được tổ chức tại Tây Ban Nha. Vào buổi chiều trước ngày khai mạc Espana 82, một nhà thơ quân đội ở gần nhà tôi đem về một tờ báo. Ông chìa ra cho bọn tôi xem qua tiêu đề, đó là tờ Tin mới nhất Espana 82 của TTXVN. Thoạt nhìn, tờ báo in giấy đen đen, chữ nhòe nhòe, ảnh đen trắng cũng mờ mờ.... Nhưng đọc nội dung, chúng tôi ngay lập tức bị cuốn hút. Toàn là những tin tức về các danh thủ dự giải, các câu chuyện bên lề hấp dẫn, các ngôi sao bóng đá quốc tế lần đầu tiên chúng tôi được thấy mặt. Thật tuyệt vời. Nghe ông nhà thơ kể lại việc xếp hàng mua báo ra sao, chỗ nào bán báo, chúng tôi càng háo hức.
Chỉ có điều tôi và mấy đứa bạn chẳng có tiền để mua!
Sau đấy, tất cả các trận đấu của giải Espana 82 phát trên tivi,chúng tôi đều đón xem, không bỏ sót trận nào. Ban ngày, chúng tôi đi tìm những ai có tờ tin nhanh để mượn đọc, rồi ngồi bình luận với nhau. Ngoài ông nhà thơ có tờ báo này, chỗ tôi còn có ông chú là giảng viên Đại học Dược cũng mất công mất buổi xếp hàng mới mua được tờ tin nhanh hàng ngày. Còn tôi thì phải đến lượt trận thứ 2 vòng bảng mới có đủ tiền mua một tờ cũ về đọc lại.
Khi giải bóng đá thế giới Espana82 kết thúc, đội Italia lên ngôi vô địch lần thứ 3. Cuối tháng 8 năm ấy, tờ báo có cái tên Văn hóa, Thể thao Quốc tế xuất hiện (sau đổi tên là Thể thao & Văn hóa), được phát hành vào các ngày thứ Bảy hàng tuần. Khi biết được rằng, đây là ấn phẩm tiếp nối tờ Tin nhanh Espana 82, chúng tôi háo hức đón đọc. Và từ đấy, vào những ngày có các trận đấu bóng đá tranh giải vô địch quốc gia, nếu như vào sân Hàng Đẫy xem, kiểu gì chúng tôi cũng phải có tờ Thể thao & Văn hóa trên tay cùng với tấm vé. Một thói quen suốt nhiều năm.
Thấm thoắt cũng đã 40 năm với một tờ báo, nhanh thế đấy. Nhớ quá, ngày xưa ơi!
Cho đến những năm 1980, khi giải bóng đá A1 toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức, chúng tôi thỉnh thoảng mới có cơ hội được xem những trận đấu trên tivi. Còn lại hầu hết là nghe anh Hoài Sơn tường thuật trên loa phường. |
Đào Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất