VPF hay chuyện về quả xanh chín ép

31/01/2012 12:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Từ khi VPF còn chưa đi vào hoạt động, một bộ phận không nhỏ những nhà chuyên môn đã tỏ ra lo ngại về việc VPF ra đời trong hoàn cảnh chưa có sự chuẩn bị đầy đủ sẽ khó có thể đảm đương thật tốt trọng trách tổ chức 3 giải đấu cao nhất ở cấp độ CLB của bóng đá VN (Super League, hạng Nhất và Cúp QG). Những gì đã diễn ra trong khoảng gần 1 tháng kể từ khi mùa giải 2012 chính thức khởi tranh đã chứng tỏ sự lo ngại kể trên là hoàn toàn có cơ sở.

Timothy (trái) trong vụ lộn xộn trên sân Ninh Bình ở trận V.NB-Hà Nội

cũng trong khuôn khổ Cúp QG 2012. Ảnh: VSI

Trước Tết Nhâm Thìn, đã có một CĐV từ TP.HCM gọi điện ra Tòa soạn TT&VH ở tận Hà Nội chỉ để bày tỏ nỗi bức xúc và lo lắng vì sợ rằng bóng đá VN sẽ đi xuống dưới sự điều khiển của VPF, bởi lý do “lãnh đạo VPF có mấy người thì 1 ông bầu có đội bóng chỉ lên rồi xuống hạng suốt gần chục năm qua, còn 1 ông bầu khác thì vừa chứng kiến CLB của mình rớt hạng ở mùa trước”. Theo quan điểm của CĐV này, bóng đá VN vẫn cần có sự cải tổ và đổi mới, nhưng nên giao nhiệm vụ khởi xướng cho những người khác chứ không phải các ông bầu vừa kể.

Suy nghĩ này không phải không có lý, bởi để bóng đá VN rơi vào hoàn cảnh như hiện tại thì không thể chỉ là trách nhiệm của riêng VFF mà phải có cả vai trò không nhỏ của các ông bầu. Ai nghĩ ra phong trào mua bán đội bóng, thay tên đổi chủ để trụ hạng? Ai khởi đầu cho phong trào nhập tịch cho ngoại binh để làm héo mòn các tài năng trẻ bản địa? Ai đã nghĩ ra chính sách dùng tiền để lôi kéo ngôi sao hoặc tài năng của đội khác từ khi bóng đá VN còn mới chập chững tiến lên chuyên nghiệp và để hậu quả kéo dài đến tận bây giờ? Tất nhiên, câu trả lời không thể là ai khác ngoại trừ các ông bầu.

VFF đã có phần trách nhiệm rất lớn khi để bóng đá VN dù đã qua 11 năm chuyên nghiệp hóa nhưng vẫn còn nguyên những căn bệnh thâm căn cố đế từ thời “bao cấp” như nghi vấn dàn xếp tỷ số, bạo lực sân cỏ…, nhưng để xây dựng nên 1 ngôi nhà hoàn hảo và đẹp đẽ cho bóng đá VN thì cần phải có sự chung tay đóng góp của tất cả các bên, bao gồm các ông bầu, đội bóng, cầu thủ và cả CĐV, còn nếu chỉ 1 hoặc một số bên muốn xây dựng nền móng một cách nghiêm túc, còn số khác lại tìm mọi cách lách luật theo kiểu “đi tắt đón đầu” để mưu cầu lợi ích cho mình càng sớm càng tốt thì “ngôi nhà” bóng đá VN có diện mạo xiêu vẹo như thế nào là điều có thể thấy trước.

Thử hỏi trong số các ông bầu đang giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ở VPF hiện nay, có mấy người đầu tư làm bóng đá 1 cách bài bản từ đội trẻ đến đội chuyên nghiệp? Hình như ngoài bầu Đức thì chẳng còn ông bầu nào mà đội bóng của họ sở hữu hệ thống các đội U từ thấp lên cao một cách đầy đủ và có khả năng cạnh tranh trong tương lai. Bầu Hiển có thể không được coi là 1 điển hình tiên tiến cho cách làm bóng đá chuyên nghiệp, nhưng ít ra ông chủ của HN.T&T và SHB.ĐN cũng đã đầu tư rất nghiêm túc cho hệ thống đội trẻ của HN.T&T trong vòng 3, 4 năm qua, mà thành tích vô địch giải U19 QG năm 2011 của đội U19 HN.T&T chính là quả ngọt đầu tiên cho chính sách làm bóng đá của bầu Hiển.

1 tổ chức xã hội nghề nghiệp có hàng chục năm kinh nghiệm làm bóng đá như VFF còn để xảy ra không ít vấn đề trong suốt 11 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, thì VPF với quỹ thời gian chuẩn bị chưa đầy 3 tháng và đến khi mùa giải mới đã bắt đầu cũng vẫn chưa hoàn thiện bộ máy nhân sự thì làm sao không thể không xảy ra sự cố. Có lẽ HLV Vương Tiến Dũng đã không quá lời khi nói: “Nếu VPF không chặt chẽ ngay từ đầu, rất có thể sự ra đời của VPF sẽ khiến các giải đấu chuyên nghiệp VN bị tụt lùi”.

Hoàng Huy



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm