06/01/2025 07:43 GMT+7 | Đời sống
Nhật báo Les Echos cho biết, doanh số bán xe ảm đạm trong năm 2024 đã khiến tình trạng dư thừa công suất sản xuất ở châu Âu trở nên rất nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng đến nhiều tập đoàn lớn của khu vực như Volkswagen hoặc Stellantis.
Lượng khách hàng châu Âu giảm, xuất khẩu ra ngoài Liên minh châu Âu (EU) không tăng, trong khi sản phẩm của các đối thủ Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều hơn, khiến những nhà sản xuất ô tô châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất sản xuất. Volkswagen thậm chí đã phải thông báo kế hoạch cắt giảm 35.000 vị trí việc làm ở Đức từ nay đến 2030.
Nguyên nhân một phần là do những sai lầm trong chính sách thương mại của các hãng sản xuất xe hơi khi đẩy mức giá tăng cao chưa từng có kể từ năm 2019, dẫn đến mất phần lớn khách hàng. Trong giai đoạn 2019-2024, doanh số của những nhà sản xuất châu Âu đã giảm 20% khiến các nhà máy phải giảm công suất, thậm chí một số chi nhánh phải đóng cửa tạm thời.
Nhà sản suất Volkswagen của Đức dường như chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tỷ lệ vận hành chuỗi dây chuyền sản xuất của hãng này theo tính toán của tập đoàn tư vấn đầu tư Jefferies có vẻ khá cao, 84% . Nhưng thực chất con số này ở Đức thấp hơn nhiều, chỉ 73%. Hơn nữa, tỷ lệ lấp đầy các dây chuyền sản xuất của Volkswagen cũng rất khác nhau ở mỗi địa điểm. Chúng dao động từ 30% đến 80%, theo Jefferies. Tình trạng này gây tốn kém cho tập đoàn ô tô, vốn không thể duy trì được sự phát triển bền vững khi lợi nhuận của chi nhánh Volkswagen tại Trung Quốc cũng suy giảm, và đang mất chỗ đứng trước các đối thủ địa phương.
Các hãng sản xuất châu Âu khác cũng chẳng khá hơn Volkswagen. Mặc dù Renault và Stellantis đã phần nào hợp lý hóa dây chuyền sản xuất của họ cho phù hợp với hoàn cảnh, nhưng vẫn chưa phải là giải pháp hoàn hảo. Đặc biệt là đối với công ty Stellantis. Tập đoàn liên doanh Mỹ-Pháp-Italy này cho thấy công suất dây chuyền không hoạt động cao gấp đôi Volkswagen. Theo tính toán của ông Philippe Houchois, chuyên gia phân tích kinh tế, phụ trách mảng xe hơi tại Jefferies, mặc dù các nhà máy của Stellantis có chi phí thấp hơn so với Volkswagen của Đức, nhưng tập đoàn này cũng chỉ đạt 64% công suất. Tuy nhiên, tỉ lệ này đã tăng thêm 2 điểm nhờ việc đóng cửa nhà máy Luton ở Vương quốc Anh.
Các nhà máy của Stellantis chịu thiệt hại từ sự sụt giảm thị phần do chính sách giá quá tham vọng. Điều này đã làm nhiều dây chuyền lắp ráp phải "đắp chiếu" do không có khách hàng. Ở Italy, nhà máy sản xuất Fiat 500 tại Mirafiori đã phải ngừng sản xuất trong nhiều tuần khiến công suất vận hành của chi nhánh Stellantis tại nước này chỉ đạt 58%. Tỷ lệ hoạt động của các nhà máy ở Pháp có cao hơn, nhưng dự kiến cũng chỉ trên 65% vào năm 2025. Tuy nhiên, do Stellantis đã triển khai từ nhiều năm nay chiến lược "thu gọn" các nhà máy, nhằm giảm công xuất và hạn chế thiệt hại về vốn, nên tập đoàn Mỹ-Pháp-Italy không gặp nhiều khó khăn bằng đối thủ đến từ Đức.
Renault làm tốt hơn một chút so với Stellantis. Các nhà máy của họ hoạt động ở mức 78% công suất. Tập đoàn, với cổ đông chính là Chính phủ Pháp, thậm chí còn cho thấy tỷ lệ vận hành dây chuyển sản xuất cao hơn tại các nhà máy ở Pháp, so với những chi nhánh ở Tây Ban Nha và Slovenia, nơi đã ngừng chương trình sản xuất dòng xe Twingo và sẽ chỉ khởi động lại vào năm 2026.
Trong cuộc đua giữa các nhà sản xuất xe hơi tại thị trường châu Âu, những người thành công đáng tiếc không phải là các nhà doanh nghiệp khu vực mà lại là những thương hiệu đến từ châu Á như Hyundai (99%), Toyota (91%) và Volvo (100%).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất