29/08/2019 19:22 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(Thethaovanhoa.vn) - Trong cảm xúc về giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, một số thành viên Hội đồng giám khảo, cũng như chủ nhân giải thưởng, tiếp tục chia sẻ với TT&VH quan điểm của mình.
GS.KTS Hoàng Đạo Kính (Hội đồng giám khảo): Một Hà Nội đa dạng
Giống như những mùa giải trước, giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm nay vẫn ghi nhận sự đóng góp đa dạng ở mọi lứa tuổi: thanh niên, trung niên và cả những học giả ngoài 80. Đó là điều dễ hiểu, bởi Hà Nội của chúng ta luôn thu hút được một đội ngũ những người hết lòng, hết sức vì thành phố. Có thể, một số người muốn giải thưởng có thêm những nhân tố trẻ hơn nữa, thậm chí là ở độ tuổi mười tám, đôi mươi trong danh sách đề cử. Nhưng điều đó lại phải phụ thuộc vào thực tế khách quan – bởi dòng chảy hướng về Hà Nội vẫn luôn được tiếp nối và mỗi năm có những đặc sắc riêng.
Riêng ở năm nay, tôi rất thú vị khi Giải thưởng Lớn tôn vinh một học giả có những nghiên cứu thiên về nền kinh tế cổ của Thăng Long – Hà Nội. Đó là điều chúng ta chưa từng gặp, khi những học giả được tôn vinh trước đây chủ yếu vẫn tiếp cận thành phố từ các góc độ lịch sử, văn hóa khác nhau. Hoặc, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội cũng là một trường hợp đặc biệt. Một cách tự nguyện, hàng ngàn thành viên của họ đã làm một điều rất quan trọng: “ghi chép” lại những hình ảnh của Hà Nội theo thời gian – những hình ảnh mà đôi khi ta không để ý tới và sẽ rất dễ bị phôi pha trong quá trình đô thị hóa.
Cuối cùng, sự đa dạng trong Danh sách đề cử cho thấy một câu chuyện rất thật: không phải cái gì của Hà Nội cũng đẹp, cũng là tinh hoa. Nhưng trong dòng chảy của cuộc sống, có những thứ rất đời thường vẫn chưa được chú ý đúng mức, cho dù chúng là một phần quan trọng để cấu thành đời sống và tâm hồn của Hà Nội. Những yếu tố ấy cần được phát hiện và bênh vực, để thành phố có thêm sự đa dạng trong sức sống của mình.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Hội đồng giám khảo): Rất muốn trao Giải thưởng Lớn cho người trẻ...
Tôi muốn được nói thêm về trường hợp học giả Nguyễn Thừa Hỷ, chủ nhân Giải thưởng Lớn năm nay. Anh Hỷ là người Hà Nội lâu năm, rất hiểu Hà Nội và quan trọng nhất, luôn thể hiện sự hiểu biết Hà Nội trên ngòi bút của một nhà khoa học.
Đặc biệt anh đi vào những lĩnh vực không phổ biến lắm là kinh tế. Điều đó hết sức cần thiết – bởi ta đừng quên kinh tế cũng làm nên nền tảng của văn hiến. Giống như, Hà Nội trong quá khứ có cái tên nôm là Kẻ Chợ. Ở vùng “đất chợ” ấy, hồn cốt của nó là kinh tế, còn văn hóa là cái thượng tầng, được bồi đắp và phát triển theo thời gian.
Cũng phải chia sẻ thêm một câu chuyện thú vị. Trong lễ trao giải, ngồi cạnh tôi, anh Hỷ thắc mắc: tại sao Giải thưởng Lớn toàn trao cho các cụ bô lão, đặc biệt trong số đó có không ít những người làm sử?
Tôi trả lời rằng, thứ nhất, những người làm sử thì công việc nghiên cứu của họ bền bỉ. Văn chương thì rất bay bổng, lâu lâu có một tác phẩm hoặc có người viết rất nhiều. Còn người làm sử thì bền bỉ, đào sâu, đi đến cùng, làm mọi thứ để phát lộ những giá trị. Thứ hai, hình như những người làm sử thường thọ hơn (cười).
Vì vậy, khi trao giải, đúng là chúng tôi cũng rơi vào một tâm thế: vì các cụ tuổi cao quá, nên nếu không kịp trao giải năm nay thì sao? Liệu những con người đó còn có cơ hội?
Tất nhiên, tôi rất muốn có các bạn trẻ được trao giải, thậm chí là được Giải thưởng Lớn trong một ngày nào đó. Nhưng điều ấy rất khó, bởi sự cống hiến của cả cuộc đời, với khối lượng đóng góp lớn, đòi hỏi một quá trình dài. Tất nhiên, Hội đồng giám khảo cũng hy vọng có những đột biến. Biết đâu, trong một ngày đẹp trời nào đó, một thanh niên nào bất ngờ công bố những công trình mở ra cả một không gian mới, một nhận thức mới về Hà Nội và khiến Hội đồng giám khảo cùng nhất trí trao giải thưởng này?
Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Táo bạo, nhưng hợp lý
Cá nhân tôi thấy các đề cử của giải thưởng năm nay khá táo bạo so với trước đây. Vậy nhưng, sự táo bạo đó vẫn có những nét hợp lý và logic. Câu chuyện về đường đua F1 là điển hình. Nếu chỉ nghe một cách sơ lược qua báo chí, hay qua những khía cạnh thông tin chưa được tổng quát đầy đủ, chúng ta sẽ khó hình dung được sức ảnh hưởng của nó.
Vậy nhưng, qua câu chuyện được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ tại lễ trao giải, cá nhân tôi hiểu thêm về tầm vóc của giải đua này. Trong một chừng mực nhất định, đó không phải là câu chuyện của một sự kiện thể thao giải trí đơn thuần, mà đã trở thành một cơ hội để Hà Nội tìm thêm những nét mời cho mình trong đà phát triển.
Hoặc, những trường hợp về các khu tập thể cũ, về việc cải tạo chợ truyền thống hay các dự án, đề xuất làm sống lại sông Tô Lịch… cũng không hẳn là câu chuyện chỉ mang tính hoài cổ. Đơn cử, chỉ ở góc độ quy hoạch, những không gian thoáng như mặt sông, mặt hồ… luôn giữ một vai trò quan trọng trong thành phố. Và, việc tôn vinh ý tưởng hồi sinh sông Tô cũng là một thông điệp quan trọng về cách chúng ta ứng xử với môi trường, với sông hồ trong tương lai.
Rồi, về bản chất, những khu nhà tập thể cũ chính là nơi gắn với văn hóa, với cách sống và cách ứng xử của cả một thế hệ. Có nghĩa, chúng ta cần hiểu rằng trong sự phát triển của đô thị bây giờ, người ta không thể chỉ xây dựng một khối nhà biệt lập là xong, mà phải tính đến sự kết nối của nó với môi trường xung quanh, cũng như các yếu tố cốt lõi làm nên văn hóa của một không gian sống.
Như thế, giải thưởng năm nay cũng bám khá sát với thực tiễn đời sống. Và từ tiền lệ ấy, hy vọng, trong những năm tới, giải sẽ mở thêm ra những hướng tiếp cận khác để ghi nhận những hành động, tác phẩm, ý tưởng… hướng về Hà Nội.
Tuấn Hiệp (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất